Cuộc đối đầu cuối cùng: Ông Trump và ông Biden sẽ nói gì?

Theo Chí Thành/nhadautu.vn

Bất cứ người Mỹ nào vẫn còn do dự và các cử tri chưa đi bầu sớm sẽ có cơ hội cuối cùng để nghe cuộc tranh biện cuối cùng giữa Tổng thống Donald Trump và ông Joe Biden vào thứ Năm (giờ Mỹ), bắt đầu từ khoảng 8 giờ sáng ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cuộc tranh luận vào thứ Năm ở Nashville, Tennessee lẽ ra là cuộc đối đầu thứ 3 giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên của đảng Dân chủ Joe Biden trong năm 2020. Nhưng do ông Trump từ chối tham gia cuộc tranh luận ảo (diễn ra theo hình thức trực tuyến) được lên lịch vào tuần trước vì lý do COVID-19, cho nên đây là cuộc tranh luận thứ 2, và cũng là cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ trước cuộc bầu cử vào 3/11 tới.

Liệu ông Trump có rút ngắn được khoảng cách với ông Biden trong số lượng hơn 30 triệu phiếu bầu đã được bỏ phiếu sớm trong khi chỉ còn chưa đầy 2 tuần trước ngày bầu cử lịch sử ở Mỹ? Dưới đây là 5 điều mà người ta cần quan sát trong buổi tranh luận cuối cùng giữa ông Trump và ông Biden, theo phân tích của NBC News.

1. Ông Trump sẽ sử dụng một giọng điệu mới?

Theo truyền thống thì các tổng thống đương nhiệm thường hay 'mò mẫm' trong cuộc tranh luận đầu tiên trong chiến dịch tái cử của mình, đơn giản bởi họ chưa quen với việc bị thách thức trước quyền lực mà họ đang có.

Chiến lược gia Alex Conant của Đảng Cộng hòa cho biết: “Cả (George W.) Bush và (Barack) Obama đều làm rất kém trong các cuộc tranh luận đầu tiên và sau đó họ đã tìm được chỗ đứng trong các cuộc tranh luận thứ hai. Do vậy, "cuộc tranh luận tiếp theo này rất quan trọng đối với ông Trump nếu ông ấy muốn xoay chuyển được tình thế", ông Conan nhấn mạnh.

Các cuộc thăm dò cho thấy cử tri nghĩ rằng ông Biden đã thắng trong cuộc đụng độ đầu tiên ở Cleveland, vốn bị chi phối bởi giọng điệu hiếu chiến và thường xuyên bị gián đoạn sự 'chen ngang' của ông Trump.

Một số đồng minh của ông Trump đang hy vọng ông Trump sẽ có một cách tiếp cận khác, chủ yếu ở việc "không cho ông Biden không gian để mọi việc rối tung lên" như lần trước.

"Họ nói rằng nếu bạn để ông ấy nói chuyện, ông ấy sẽ mất tập trung suy nghĩ vì anh ấy là người khá phiêu (gonzo). Và tôi hiểu điều đó", ông Trump nói trên tờ Fox News hôm thứ Ba. "Bạn biết đấy, có rất nhiều người nói rằng hãy để ông ta nói chuyện vì ông ta sẽ đánh mất đi sự mạch lạc trong diễn đạt, nói thẳng ra là ông ấy sẽ mất trí".

Điểm có lợi cho ông Trump là hiệu suất nói chuyện hay tranh biện của ông ấy khó có thể thấp hơn, vì vậy, ngay cả khi ông ấy tiết chế hơn, tập trung để tranh luận có chất lượng hơn thì ông ấy có thể nhận được các đánh giá tích cực.

2. Nhiệm vụ của ông Biden: Đừng khiến mọi chuyện tệ hơn

Nếu các cuộc thăm dò là đúng, ông Biden không cần phải thắng trong cuộc tranh luận, ông ấy chỉ cần không để thua một cách đáng xấu hổ.

Cuộc đối đầu chưa đầy hai tuần trước ngày 3/11 là trở ngại lớn cuối cùng của ông Biden phải vượt qua trước ngày bầu cử và nó không phải là một rào cản quá là lớn. Ông ấy không cần phải 'tiêu diệt ông Trump'. Ông ấy không cần phải giành chiến thắng trước khi rất nhiều cử tri vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Ông ấy chỉ cần tránh làm to chuyện hoặc làm bất cứ điều gì có thể khiến cử tri lo ngại về tuổi tác của mình (năm nay ông đã 77 tuổi), hoặc loa ngại về thể lực tinh thần của ông ấy.

Nhóm của ông Biden lập luận rằng bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc tranh luận kéo dài 90 phút sẽ nhanh chóng bị lu mờ trước cuộc đấu tranh hàng ngày của đất nước với đại dịch COVID-19.

"Không có gì trong giai đoạn tranh luận về cơ bản sẽ thay đổi cuộc đua," một cố vấn dấu tên của Biden nói. "Sau khi mọi người tắt TV, họ vẫn sẽ sống trong một thế giới được xác định bởi sự thất bại của ông Donald Trump trong việc chiến đấu với COVID-19."

3. Hunter và chiếc máy tính xách tay

Các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài của Hunter Biden xuất hiện chớp nhoáng trong cuộc tranh luận đầu tiên, khi Biden dường như trở nên xúc động khi đẩy lùi các cuộc tấn công của Trump, nhưng những cáo buộc vô căn cứ rằng cựu phó tổng thống đã sử dụng văn phòng của mình để giúp con trai ông có thể trở thành trọng tâm của cuộc tranh luận cuối cùng .

Ông Biden hầu như chưa lên tiếng gì trước thông tin mà các bài báo đưa ra, vốn chưa được xác nhận và gây tranh cãi về một máy tính xách tay được cho là thuộc sở hữu của Hunter, vì vậy cựu phó tổng thống sẽ gặp khó khăn khi nói về chủ đề này trên sân khấu với ông Trump.

Rút kinh nghiệm từ cuộc tranh cử vào năm 2016 của chính mình, ông Trump sẽ sử dụng chiến thuật "chốt người" khi cáo buộc ông Biden "tham nhũng" và nói rằng gia đình của ông ta là một "doanh nghiệp tội phạm".

"Joe Biden cần trả lời câu hỏi này, đặc biệt là khi phía đàng Dân chủ không bác bỏ thông tin này và chiến dịch của chính ông ấy nói rằng họ không nghi ngờ tính xác thực của những email này", Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa Ronna McDaniel nói trên Fox News.

Chiến dịch tranh cử của Biden nói rằng chiếc máy tính xách tay có thể là một phần của chiến dịch thông tin sai lệch đến từ phía Nga và bác bỏ thông tin cho rằng Biden đã gặp một đối tác kinh doanh thay mặt con trai mình.

"Các cuộc điều tra của báo chí, trong quá trình luận tội, và thậm chí điều tra của hai ủy ban Thượng viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo được đánh giá là 'không hợp pháp' và mang tính chính trị đều đi đến kết luận giống nhau, rằng ông Joe Biden thực hiện đúng chính sách của Mỹ đối với Ukraine và không có hành động sai trái nào", phát ngôn viên Andrew Bates của ông Biden cho biết trong một thông cáo chính thức.

4. Cắt micro cho kẻ chen ngang

Dự kiến cuộc tranh luận lần này sẽ ít bị gián đoạn hơn khi mỗi ứng viên sau khi nói 15 phút sẽ bị ngắt micro để dành 2 phút cho phía đối phương tranh biện lại. Sau đó, mỗi người sẽ có được 10 phút tự do phát biểu.

"Nếu bạn theo dõi cuôc tranh luận đầu tiên, bạn sẽ nhận thấy những quy tắc về thời gian không được tuân thủ mặc dù cả hai ứng cử viên đều đã đồng thuận về điều đó từ trước. Vì vậy, những gì cần làm không phải là đưa ra thêm các quy tắc mới , mà điều cần làm ở đây là nếu người nào gây gián đoạn cho cuộc tranh luận, người đó sẽ không được phép làm điều đó nữa", Frank Fahrenkopf, đồng chủ tịch Ủy ban tổ chức các cuộc tranh luận, nói trên MSNBC.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là ứng cử viên không được nói khi người đó chưa được phép, mà đơn giản là nếu họ có nói chen ngang, âm thanh của micro cũng sẽ bị tắt đi và những người theo dõi cuộc tranh luận sẽ không nghe được họ nói gì.

Ông Trump thì ca ngợi những thay đổi này nhưng một số thành viên của đảng Dân chủ lại lo ngại rằng Tổng thống sẽ lách các quy tắc mới bằng cách đánh lạc hướng ông Biden trên sân khấu mỗi khi ông phát biểu.

5. Chuyển giao quyền lực trong hòa bình?

Bốn năm trước, trong cuộc thăm dò ý kiến trong cuộc tranh luận cuối cùng của ông với Hillary Clinton, ông Trump đã khiến giới quan sát choáng váng khi từ chối nói liệu ông có chấp nhận kết quả bầu cử nếu ông thua hay không.

"Tôi sẽ nói với bạn vào thời điểm đó. Tôi sẽ khiến bạn hồi hộp", ông Trump nói. Khi ấy, ông Clinton đáp trả, "Điều đó thật kinh khủng. Đó không phải là cách mà nền dân chủ của chúng ta hoạt động".

Những lo ngại đó đã trở thành một cuộc tranh luận sau khi Trump giành chiến thắng. Nhưng giờ đây, ông Trump lại đưa ra những tuyên bố tương tự, và điều này một lần nữa làm dấy lên lo ngại, khi mà ông ấy đang là tổng thống người đương nhiệm. Nhất là khi ông Trump miễn cưỡng tố cáo những người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng và các nhóm cực hữu, những người từng nói rằng họ sẽ gây ra một cuộc chiến trong trường hợp có tranh chấp bầu cử.

Cuộc tranh luận sẽ là một trong những cơ hội cuối cùng để ông Biden gây sức ép với ông Trump về vấn đề này để tổng thống giải thích lập trường của mình, thứ có thể xoa dịu căng thẳng hoặc làm tăng nhiệt và kích động thêm xung đột, thậm chí tăng khả năng bạo lực.