Kinh tế Mỹ cần sự hỗ trợ từ chính quyền và quốc hội để phục hồi hoàn toàn
Ngày 14/10, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Richard Clarida đưa ra nhận định tổng thể lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Ông nhấn mạnh để thoát khỏi khó khăn, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ cần sự hỗ trợ hơn nữa về tiền tệ cũng như chính sách tài khóa từ chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng như từ quốc hội.
Theo ông Clarida, mặc dù cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra là tồi tệ nhất trong lịch sử thời hậu chiến, song nó cũng có thể lập kỷ lục là cuộc suy thoái ngắn nhất trong lịch sử của Mỹ khi ông trích dẫn số liệu cho thấy sự phục hồi của gần một nửa số việc làm bị mất vì đại dịch giai đoạn tháng 5-9. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 14,7% trong tháng 4 xuống 7,9% trong tháng 9 và sự phục hồi đáng ngạc nhiên trong chi tiêu tiêu dùng.
Ông Clarida cũng cho rằng kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi sau cuộc suy thoái do Covid-19 với tốc độ nhanh hơn so với sự phục hồi của nó từ cuộc Đại suy thoái năm 2008 khi Mỹ mất khoảng 8 năm để trở lại mức thất nghiệp và lạm phát trước khi xảy ra khủng hoảng.
Nhưng ông Clarida cũng cảnh báo rằng những dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh không có sự chắc chắn về triển vọng hỗ trợ tài chính cũng như triển vọng của cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng về sức khỏe, những yếu tố cần thiết để nền kinh tế có thể phục hồi hoàn toàn.
Hiện chỉ còn chưa đầy ba tuần trước ngày bầu cử 3/11 để chính quyền Tổng thống Trump và đảng Dân chủ đạt một thỏa thuận đối với một gói kích thích kinh tế mới nhằm hạn chế tác động của đại dịch Covid-19 trong khi vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc giữa hai bên về khoản tài trợ cho xét nghiệm và viện trợ cho các bang và địa phương.
Các thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện cũng cho rằng đề xuất của chính quyền về gói kích thích trị giá 1.800 tỷ USD là quá nhiều, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng ủng hộ của họ đối với gói kích thích có trị giá lớn hơn mà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đưa ra.
Nhận định của ông Clarida được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ mà đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất kể từ cuộc Đại suy thoái khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hơn 22 triệu người Mỹ mất việc làm từ tháng 3 đến tháng 4. Đại dịch đã "quét sạch" thành tích việc làm có được gần một thập kỷ qua. GDP quý II giảm 31,4% phá vỡ kỷ lục về sự suy giảm kinh tế nhanh nhất kể từ Thế chiến II.