EU chia rẽ về kế hoạch giải cứu kinh tế trước tác động của COVID-19

Theo Kim Chung (TTXVN/Vietnam+)

Italy mong muốn phản ứng rộng khắp từ các đối tác EU trong khi các nước phía Bắc, dẫn đầu là Đức và Hà Lan, tỏ ra không vội vàng vì cho rằng gói kích thích trước đó đã đủ cho thời điểm hiện tại.

EU chia rẽ về kế hoạch giải cứu kinh tế trước tác động của COVID-19.
EU chia rẽ về kế hoạch giải cứu kinh tế trước tác động của COVID-19.

Các Bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã không thống nhất được các biện pháp chống lại cú sốc kinh tế trước sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong cuộc thảo luận ngày 24/3, và vấn đề này sẽ được lãnh đạo các quốc gia tiếp tục xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 26/3.

Dịch COVID-19 bùng phát đã khiến nền kinh tế châu Âu quỵ ngã, và Italy - với sự hậu thuẫn của Pháp và Tây Ban Nha, mong muốn phản ứng rộng khắp từ các đối tác EU trong một hành động đoàn kết lịch sử về tài chính.

Tuy nhiên, các nước phía Bắc, dẫn đầu là Đức và Hà Lan, tỏ ra không vội vàng vì cho rằng gói kích thích khổng lồ được Ngân hàng Trung ương châu Âu công bố là đã đủ cho thời điểm hiện tại.

Sau 2 tiếng bàn thảo mà không đạt đồng thuận, Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng tài chính Khối sử dụng đồng euro (Eurogroup) Mario Centeno tuyên bố các Bộ trưởng cam kết thăm dò mọi khả năng cần thiết để hỗ trợ các nền kinh tế của khối vượt qua thời điểm khó khăn này.

Ông Centeno nói thêm rằng cuộc thảo luận mới chỉ bắt đầu và các bên cần làm việc thêm để có thể đi tới đích.

Tâm điểm chia rẽ là sự bất bình của các quốc gia phía Bắc châu Âu và các nước giàu đối với kỷ luật tài chính của các nước phía Nam, đặc biệt là kể từ những ngày đen tối của cuộc khủng hoảng nợ của Khối sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).

Các quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha và Italy từ lâu kêu gọi một phương án "trái phiếu euro," ám chỉ một khoản vay chung của 19 thành viên Eurozone, có thể đóng vai trò nền tảng cho một nền kinh tế châu Âu an toàn và thống nhất hơn.

Italy, được Pháp hậu thuẫn, gần đây đã nhắc lại lời kêu gọi trên với đề xuất về "trái phiếu corona" trên toàn EU. Nhưng trước cuộc họp ngày 24/3, Đức đã bác bỏ ý tưởng này vì cho rằng đây là sự trở lại của "trái phiếu euro" dưới cái tên mới và điều này "độc hại về mặt chính trị."

Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) - do 19 Bộ trưởng Tài chính Eurozone kiểm soát, có thể huy động hơn 400 tỷ euro cho trường hợp khẩn cấp và con số có thể được tăng thêm. Nhưng Hà Lan cho rằng còn quá sớm để "đốt tiền" của quỹ, vốn là một trong những vũ khí tài chính quan trọng bậc nhất của EU sau Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Wopke Hoekstra nhấn mạnh "chúng ta đang đi trong màn sương và không thể chắc chắn về những gì phía trước." ESM là một trong những vũ khí quan trọng nhất của EU và phải được giữ cho các mục đích mà nó được tạo ra.

Được thiết kế trong cuộc khủng hoảng nợ, quỹ ESM có mục đích chính là giải cứu các quốc gia, theo đó có thể cung cấp bảo lãnh cho vay đối với các quốc gia có yêu cầu, song kèm theo điều kiện phải thực hiện các cải cách đau đớn.

Một nguồn tin từ Eurozone cho biết cuối cùng việc khơi thông dòng tín dụng có thể sẽ được thông qua, dù không mấy dễ dàng.