Gia tăng sức ép để OPEC+ tăng sản lượng dầu mỏ

Hà Anh (Báo Nhân dân)

Mỹ và các nước tiêu thụ năng lượng lớn đang gia tăng sức ép để Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+) tăng sản lượng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Teletype/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Teletype/TTXVN)

Giá dầu và khí đốt tăng mạnh thời gian qua đã khiến các nước tiêu thụ lo ngại và mọi con mắt đang đổ dồn về cuộc họp của OPEC+ vào ngày 4/11 tới, bởi bất cứ chính sách nào được các nước trong khối này đưa ra đều tác động mạnh tới thị trường “vàng đen”.

Trong bối cảnh giá dầu thô liên tục tăng và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi giữa tháng 10 vừa qua nhận định về khả năng giá dầu tăng lên mức 100 USD/thùng, các quốc gia tiêu thụ dầu đã gây áp lực ngoại giao mạnh nhất đối với OPEC+. Đại diện của Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã bắt đầu tiếp xúc với các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ khác, cũng như với các thành viên của OPEC+, nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Trong khi đó, bất chấp nhu cầu tiêu thụ và giá dầu tăng mạnh đe dọa đà phục hồi kinh tế thế giới sau tác động của đại dịch Covid-19, đầu tháng 10 vừa qua, các nước OPEC+ vẫn nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày đến tháng 11 như đã thỏa thuận trước đó. Một số nước sản xuất năng lượng lớn như Nga và Saudi Arabia đã không tăng sản lượng đủ để đáp ứng nhu cầu ở các quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng, gây ra lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung và lạm phát.

Trước lo ngại giá dầu leo thang, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các nước sản xuất năng lượng lớn của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có công suất dự phòng tăng sản lượng để bảo đảm sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ. Đây là một phần nỗ lực nhằm gây áp lực đối với OPEC+ về tăng nguồn cung dầu mỏ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thúc giục hội nghị cấp cao G20 thúc đẩy hơn nữa tầm nhìn và sự ổn định về giá dầu để tránh làm suy yếu sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Hiện các nước G20 cùng đối tác đang tìm kiếm những công cụ nhằm đối phó khả năng OPEC+ không tăng sản lượng.

Thị trường “vàng đen” đã chứng kiến đà tăng giá nhanh chóng mặt, khi giá khí đốt tăng dựng đứng ở châu Âu, với mức tăng gần 600% trong năm nay, do lượng hàng tồn kho thấp mà nhu cầu lại tăng cao trước thềm mùa đông lạnh giá. Giá dầu cũng tăng lên mức hơn 80 USD/thùng lần đầu tiên trong ba năm qua. Các nhà phân tích kỳ vọng tại cuộc họp sắp tới, OPEC+ sẽ bám sát kế hoạch tăng thêm 400.000 thùng/ngày bổ sung vào nguồn cung trong tháng 12, góp phần ổn định thị trường.