Hàn Quốc làm gì để vực dậy kinh tế?

Theo daibieunhandan.vn

Hàn Quốc đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về khả năng xử lý khủng hoảng Covid-19. Các nhà kinh tế nước này cho rằng, giờ là lúc Chính phủ huy động sự nhiệt tình và tham vọng tương tự như khi chống dịch để tái khởi động nền kinh tế, đặt nền tảng cho một nền kinh tế năng suất hơn, bền vững và bao trùm hơn.

Những biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Hàn Quốc phải trả giá bằng các chỉ số kinh tế.
Những biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Hàn Quốc phải trả giá bằng các chỉ số kinh tế.

Bí quyết của thành công

Hàn Quốc có vẻ là một trong số những nước hiếm hoi đã chiến thắng nhanh chóng trong cuộc chiến chống COVID-19. Trong nhiều tuần nay, nước này chỉ ghi nhận số ca nhiễm mới ít ỏi, dù Chính quyền Seoul cũng đã sẵn sàng cho trường hợp tỷ lệ nhiễm gia tăng sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Câu hỏi đặt ra là, Hàn Quốc có chống chọi được với cuộc khủng hoảng kinh tế theo sau đó hay không?

Hàn Quốc chỉ mất 2 tuần để khống chế làn sóng lây nhiễm virus Corona đầu tiên. Mặc dù ở gần Trung Quốc, nơi được coi là tâm dịch, Hàn Quốc đã duy trì được tỷ lệ lây nhiễm cũng như tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với Mỹ hay các nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Số người thiệt mạng do COVID-19 của Hàn Quốc là 267 người tính đến ngày 24.5, tức là 5 người chết trên 1 triệu dân. Đây là con số rất đáng nể nếu so với tỷ lệ 300 người chết trên 1 triệu dân ở Mỹ, 544 người ở Italy, 555 người ở Anh, hay 600 người ở Tây Ban Nha.

Sau khi có kinh nghiệm trong xử lý SARS-2003 và MERS-2015, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã sớm hiểu rằng, đối phó với COVID-19 cần phản ứng nhanh và mạnh. Chính vì vậy, chỉ 3 tuần sau khi giải mã được chuỗi gien của virus Corona chủng mới, Hàn Quốc đã cấp phép để sản xuất hàng loạt bộ xét nghiệm nhanh. Sau đó, Hàn Quốc đã áp dụng chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng và một chương trình theo dõi chuyên sâu, sử dụng ứng dụng GPS trên điện thoại di động, thông tin từ thẻ tín dụng hay hệ thống camera an ninh để xác định và thông tin cho những người có nguy cơ tiếp xúc với virus.

Xã hội Hàn Quốc, vốn đã quen với việc tuân thủ các chuẩn mực xã hội và thường có cái nhìn tích cực về sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ - điều cũng là một nhân tố giúp mang lại thành công kinh tế của đất nước trong nửa thế kỷ qua, đã tỏ ra sẵn sàng hợp tác với các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Họ có ý thức đeo khẩu trang ở nơi công cộng và thực hành giãn cách xã hội gần như tuyệt đối.

Thành công của Hàn Quốc trong kiểm soát dịch bệnh cũng được hưởng lợi từ hệ thống cơ sở hạ tầng y tế hiện đại và đồng bộ. Theo thống kê của Tổ chức Phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc sở hữu 12,3 giường bệnh/1.000 dân, gấp 4 lần Mỹ (2,8 giường) và Tây Ban Nha (3 giường). Hơn nữa, với hệ thống bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân, Hàn Quốc đứng đầu OECD về khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe.

Ngược lại, trong một cuộc thăm dò của Gallup năm 2019, 25% người Mỹ cho biết họ không có khả năng khám chữa những bệnh hiểm nghèo do chi phí cao. Sự khác biệt trong khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe, cùng với tình trạng bất bình đẳng kinh tế thâm căn cố đế trong xã hội giải thích lý do COVID-19 đã tấn công cộng đồng người da đen và Latin khó khăn nhất ở Mỹ.

Trả giá kinh tế

Cũng giống như các quốc gia khác, những biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Hàn Quốc phải trả giá bằng các chỉ số kinh tế. Lệnh cách ly xã hội đã làm suy yếu cầu nội địa và việc làm. Chỉ tính riêng trong tháng 4 đã có 476.000 việc làm “bốc hơi” so với tháng 4.2019, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2.1999, thời điểm ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Ba tháng đầu năm, các lô hàng sản xuất và bán lẻ lần lượt giảm 4% và 6,4%, GDP thực tế giảm 1,4% so với quý trước.

Tất nhiên, đây không chỉ là vấn đề của riêng Hàn Quốc. Toàn bộ nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng và nhu cầu bên ngoài cũng đang giảm mạnh - tin xấu cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Hàn Quốc. Ngay trong tháng 4, thương mại toàn cầu bị thu hẹp khiến xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 24,3% so với năm trước - mức giảm mạnh nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hàn Quốc có vẻ như đang đứng trước nguy cơ suy thoái, với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo GDP nước này sẽ thu hẹp 1,2% trong năm 2020.

Giống như cách phản ứng chủ động trước đại dịch, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang áp dụng hành động tương tự để giảm thiểu tác động của đại dịch đối với nền kinh tế. Seoul nhanh chóng tung ra các gói kích thích tài khóa khổng lồ với tổng trị giá 245 nghìn tỷ won (tương đương 200 tỷ USD), khoảng 10% GDP, cắt giảm mạnh lãi suất… để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tháo gỡ khả năng thanh khoản và kích cầu.

Cần cải cách mang tính cơ cấu

Các biện pháp kích thích, dù mạnh mẽ đến đâu, cũng không đủ để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19. Theo đó, các nhà kinh tế cho rằng, song song với các gói tài chính, Chính phủ phải có biện pháp cải cách ngăn chặn xu hướng có nguy cơ làm suy yếu tăng trưởng của Hàn Quốc, bao gồm già hóa dân số nhanh chóng, mất cân bằng cơ cấu và năng suất tăng chậm, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ.

Trước khi đại dịch tràn đến, tỷ lệ tăng trưởng của Hàn Quốc đã có xu hướng giảm dần, chỉ đạt 2% năm 2019. Điều này phần nào phản ánh tình trạng già hóa dân số nhanh chóng. Năm ngoái, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 0,92 trẻ em trên một phụ nữ. Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, dân số trong độ tuổi lao động đã đạt đỉnh vào năm 2018 và sẽ giảm hơn 30% từ nay đến năm 2046. Trong khi đó, tỷ lệ người cao tuổi của Hàn Quốc đang tăng với tốc độ nhanh nhất thế giới.

Hơn nữa, sự thống trị của các nhà xuất khẩu tên tuổi đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và ngành dịch vụ, ảnh hưởng đến tăng trưởng năng suất chung và làm gia tăng bất bình đẳng. Tình trạng sự thiếu hiệu quả của thị trường lao động cũng làm tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh quốc gia.

GS. Lee Jong-Hwa, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á tại Đại học Hàn Quốc đánh giá, cho đến nay, Chính phủ Hàn Quốc chưa phản ứng hiệu quả trước những thách thức trên. Thay vì theo đuổi những cải cách mang tính cơ cấu, Chính quyền Seoul lại mở rộng chi tiêu công và biên chế trong khu vực công, trong khi thắt chặt các quy định về doanh nghiệp, điều không khuyến khích đầu tư và đổi mới. Ví dụ, gần đây Chính phủ Hàn Quốc đã cấm dịch vụ chia sẻ đi xe Tada để xoa dịu sự phẫn nộ của các nghiệp đoàn taxi.

Theo GS. Lee Jong-Hwa, cuộc khủng hoảng COVID-19 là cơ hội để thay đổi. Để giải quyết bài toán lao động đang bị thu hẹp, Hàn Quốc cần cải cách để cải thiện tính linh hoạt và tính cạnh tranh của thị trường lao động, khuyến khích phụ nữ làm việc (thông qua nâng cao và mở rộng dịch vụ trông giữ trẻ); đưa ra những chương trình đào tạo nghề dài hạn. Bên cạnh đó, để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, Chính phủ nên hỗ trợ nhiều hơn cho các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; khuyến khích đầu tư tư nhân, nghiên cứu và phát triển.

Những biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Hàn Quốc phải trả giá bằng các chỉ số kinh tế. Lệnh cách ly xã hội đã làm suy yếu cầu nội địa và việc làm. Chỉ tính riêng trong tháng 4 đã có 476.000 việc làm “bốc hơi” so với tháng 4.2019, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2.1999, thời điểm ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Ba tháng đầu năm, các lô hàng sản xuất và bán lẻ lần lượt giảm 4% và 6,4%, GDP thực tế giảm 1,4% so với quý trước.