Trung Quốc củng cố vị thế qua kinh tế xanh
Việc phát triển nền kinh tế xanh thông qua chuỗi cung ứng minh bạch, chuyển giao công nghệ và hợp tác giúp Trung Quốc củng cố vị thế tốt hơn.
Sự dẫn đầu của Trung Quốc trong công nghệ xanh đã được khẳng định trước khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Đến năm 2022, Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu quang điện mặt trời, lưu trữ pin, linh kiện điện gió và xe điện.
Thông qua các chính sách công nghiệp có chủ đích, nước này đã góp phần làm chi phí năng lượng mặt trời giảm 80%. Điều này giúp Trung Quốc đóng vai trò không thể thiếu trong các nỗ lực bảo vệ khí hậu toàn cầu.
Sự trỗi dậy của nền kinh tế xanh Trung Quốc không diễn ra một cách đơn lẻ. Thị trường toàn cầu cũng đóng một vai trò quan trọng, với thuế suất thu mua điện của châu Âu làm thúc đẩy nhu cầu về tấm pin mặt trời của Trung Quốc.
Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị đang định hình lại bối cảnh này. Các chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Mỹ và châu Âu phản ánh phản ứng trực tiếp trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là trong các khoáng sản quan trọng, khi quốc gia này kiểm soát 60% hoạt động khai thác đất hiếm toàn cầu và 90% hoạt động chế biến.
Bất chấp những thách thức này, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng dấu ấn năng lượng tái tạo của mình, đặc biệt là ở Nam Bán cầu. Đến năm 2024, các nền kinh tế mới nổi đã trở thành điểm đến lớn nhất cho xe điện của Trung Quốc và vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghệ năng lượng mặt trời và gió.
Các nghiên cứu cũng cho thấy các nền kinh tế mới nổi sẽ dẫn đầu việc áp dụng năng lượng mặt trời, gió và lưu trữ pin trên toàn cầu vào năm 2030, với Trung Quốc đóng vai trò trung tâm.
Tuy nhiên, để duy trì vị thế dẫn đầu, theo bà Bernice Lee, Giám đốc bộ phận Futures tại Chatham House, Trung Quốc phải điều chỉnh chiến lược của mình để đảm bảo quan hệ đối tác công bằng trên toàn bộ chuỗi cung ứng.
Theo bà, các quốc gia ở Nam Bán cầu không muốn bị giới hạn ở những vai trò ít lợi nhuận hoặc gây tổn hại nhiều đến môi trường trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Việc phát triển và chia sẻ "chiếc bánh xanh" không chỉ là về sự công bằng, mà còn là một nhu cầu chiến lược để đảm bảo sự ổn định lâu dài.
Đối với Trung Quốc, việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện với Nam Bán cầu là một con đường rõ ràng để tiến về phía trước. Các nền kinh tế mới nổi như Indonesia, Chile, Morocco và Ai Cập đã định vị mình là những nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng xanh. Chẳng hạn, Indonesia đã thu hút được 30 tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc vào lĩnh vực sản xuất pin bằng cách bắt buộc gia tăng giá trị trong quá trình chế biến tài nguyên niken của mình.
Trong khi đó, Ma-rốc đã tận dụng trữ lượng phốt phát và vị trí địa lý của mình, nhằm hợp tác với Trung Quốc trong các dự án năng lượng mặt trời và hydro xanh. Những ví dụ này cho thấy lợi ích chung thúc đẩy an ninh kinh tế và thiện chí địa chính trị như thế nào.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng ở phương Tây. Một cuộc khảo sát của Chatham House năm 2024 cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng ở Đức và Mỹ đối với việc hạn chế nhập khẩu năng lượng mặt trời và xe điện từ Trung Quốc. Một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew cũng cho thấy 69% người dùng Đức coi Trung Quốc là tác nhân tiêu cực đến nền kinh tế của họ.
Chuyên gia Bernice Lee nhận định: "Nếu không có sự hợp tác thực chất, Trung Quốc có nguy cơ xa lánh các đối tác quan trọng, thúc đẩy các rào cản thương mại và củng cố nỗi lo ngại về các hoạt động độc quyền".
Bà Lee cũng nói thêm rằng, mặc dù Bắc Kinh đã thành công trong việc làm giảm chi phí năng lượng tái tạo, nhưng các quốc gia cảm thấy bị loại khỏi quá trình chuyển đổi xanh có thể không chỉ chống lại Trung Quốc mà còn chống lại chính chương trình nghị sự xanh, khiến tiến trình toàn cầu gặp rủi ro.
Vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng sạch phụ thuộc vào khả năng cân bằng ảnh hưởng với lòng tin. Chuỗi cung ứng minh bạch, chuyển giao công nghệ và các mô hình tài trợ hợp tác là những công cụ thiết yếu để giảm bớt lo ngại về sự phụ thuộc trong khi mở ra các thị trường mới.
"Việc cung cấp nguồn tài chính với giá cả phải chăng cho các dự án năng lượng tái tạo ở Nam Bán cầu sẽ góp phần củng cố quan hệ ngoại giao và đảm bảo nhu cầu lâu dài đối với các công nghệ của Trung Quốc. Các chương trình hỗ trợ xây dựng năng lực xanh cũng thúc đẩy ý thức sở hữu chung trong quá trình chuyển đổi này", chuyên gia này nói.
Các nền kinh tế mới nổi không chỉ là thị trường, mà còn là đối tác chiến lược trong việc định hình tương lai của quản trị năng lượng sạch. Bằng cách đầu tư vào các quan hệ đối tác công bằng, Trung Quốc có thể đảm bảo quyền tiếp cận ổn định đối với các khoáng sản quan trọng và các nguồn tài nguyên khác cần thiết cho tham vọng năng lượng tái tạo của mình.
Sự hợp tác như vậy cũng có thể chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở Bắc bán cầu, thúc đẩy mạng lưới năng lượng xanh mạnh mẽ, phụ thuộc lẫn nhau trên khắp Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. Xây dựng quan hệ đối tác sẽ củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cường cả ảnh hưởng của Trung Quốc và khả năng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu của cộng đồng quốc tế.
Phát triển và chia sẻ nền kinh tế xanh thông qua chuỗi cung ứng minh bạch, chuyển giao công nghệ và tài trợ hợp tác có thể giúp giảm bớt những lo ngại với Trung Quốc.