Hậu đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới sẽ thế nào?

Theo Phương Linh/nhadautu.vn/Bloomberg

Hậu đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt những khoản nợ khổng lồ và bất bình đẳng gia tăng, làm cản trở xu hướng tăng trưởng trong dài hạn.

 Bất bình đẳng cũng gia tăng tại Mỹ và những quốc gia khác do đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến người nghèo. Ảnh: AFP
Bất bình đẳng cũng gia tăng tại Mỹ và những quốc gia khác do đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến người nghèo. Ảnh: AFP

Đó là một trong những nhận định được nêu ra tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ (AEA) diễn ra hôm 4/1.

Trong khi tăng trưởng toàn cầu được kỳ vọng sẽ được củng cố khi nhiều người được tiêm chủng hơn, nhưng các nhà kinh tế lại tập trung vào những bất bình đẳng do đại dịch gây ra và hệ quả của những nỗ lực ứng phó Covid-19.

“Chúng ta đã chứng kiến sự nới lỏng tiền tệ mạnh bạo hơn và đòn bẩy cao hơn của các ngân hàng trung ương qua từng cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Câu hỏi thực sự là: Đây có phải là một vòng lặp lẩn quẩn? Nó có tiếp tục diễn ra đến khi bị buộc phải dừng lại không?”, Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) Raghuram Rajan cho biết.

Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ toàn cầu đã tăng hơn 15 nghìn tỷ USD trong năm ngoái lên mức kỷ lục 277 nghìn tỷ USD, tương đương 365% sản lượng thế giới. Dữ liệu từ IIF tại Washington cho thấy, nợ từ tất cả các lĩnh vực, từ hộ gia đình đến trái phiếu chính phủ cho đến trái phiếu doanh nghiệp đều tăng mạnh.

Bất bình đẳng cũng gia tăng tại Mỹ và những quốc gia khác do đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến người nghèo.

Tại Mỹ, tỷ lệ người da đen và người gốc Tây Ban Nha tử vong cao hơn người da trắng, trong khi những người lao động có thu nhập thấp trong các ngành như giải trí và nhà hàng, khách sạn phải gánh chịu hậu quả của việc sa thải trong khi những người có thu nhập khá hơn được tiếp tục làm việc tại nhà.

“Đại dịch đã phơi bày chiều sâu của tình trạng bất bình đẳng và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng đó bằng nhiều hình thức khác nhau”, Joseph Stiglitz - nhà kinh tế gia đoạt giải Nobel cho biết.

Trong khi các quốc gia giàu có như Mỹ đã áp dụng chính sách hỗ trợ cho công dân của họ với số lượng lớn viện trợ từ Chính phủ, các quốc gia nghèo hơn lại không thể thực hiện điều đó.

GS. Stiglitz, Đại học Columbia, cho biết 46 quốc gia kém phát triển trên thế giới chỉ chiếm 0.002% trong số 12,7 nghìn tỷ USD gói kích thích công được đưa ra trong cuộc chiến chống đại dịch.

“Theo nhiều cách, chúng ta có thể thấy sau đại dịch là một chuỗi thời gian kéo dài qua nhiều thập kỷ để giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng toàn cầu, điều này chắc chắn sẽ xảy ra đối với những quốc gia nghèo nhất”, Giáo sư Đại học Harvard, cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kenneth Rogoff cho biết.

Tất nhiên, không phải mọi thứ bộc phát từ đại dịch đều là tin xấu. Tốc độ phát triển vaccine cũng như xu hướng phát triển nhanh chóng của y học từ xa là những tiến triển đáng được ghi nhận.

Nhà kinh tế học Nicholas Bloom của Đại học Stanford cũng đã chỉ ra những khả năng tăng năng suất có thể đạt được khi mọi người dành nhiều thời gian hơn để làm việc tại nhà - một xu hướng mà ông mong đợi sẽ tồn tại sau đại dịch.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đều chứng kiến sự bất bình đẳng gia tăng và nợ ngày càng leo dốc. Khi cuộc khủng hoảng đại dịch toàn cầu lắng đi, sự kết hợp của hai khuynh hướng này có thể gây ra các vấn đề cho nền kinh tế toàn cầu.

Nhà kinh tế trưởng Carmen Reinhart của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: “Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng một cách rõ rệt, đồng thời cũng làm nảy sinh tình trạng mong manh tài chính”.

Bà cho rằng, nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp tại Mỹ đang phải gánh rất nhiều khoản nợ và có thể tự họ cảm thấy bị siết chặt khi thời hạn gia hạn các khoản thanh toán thế chấp hay thanh toán tiền thuê nhà kết thúc.

Cựu Thống đốc Rajan của RBI cho biết, các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể bị ảnh hưởng sau khi cố gắng duy trì hoạt động tại Mỹ nhờ Chương trình bảo hộ tiền lương và các biện pháp hỗ trợ khác của Chính phủ. Ông nói: “Có một làn sóng phá sản đang tiềm ẩn”.

Vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi và các nước nghèo. Nhà kinh tế Stiglitz nhận thấy nguy cơ của khủng hoảng nợ với những hậu quả toàn cầu.

“Nhiều quốc gia vốn đã mắc nợ quá nhiều trước đại dịch và tình trạng thu nhập giảm đáng kể đồng nghĩa với việc họ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc chi trả”, ông nói.

Tuy nhiên, Mỹ và những cường quốc khác sẽ không loại trừ việc phải hành động để kiềm chế nợ chính phủ leo dốc khi đại dịch qua đi, theo nhà kinh tế trưởng Nhà Trắng Christina Romer.

Theo Ủy ban Ngân sách Liên bang, thâm hụt ngân sách Mỹ sẽ đạt 2,3 nghìn tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9, tương đương hơn 10% tổng sản phẩm quốc nội, sau mức thâm hụt 3,1 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2020.

Romer, hiện đang làm việc tại Đại học California cho rằng: “Khi thoát khỏi đại dịch, chúng ta sẽ cần phải sắp xếp lại các kho tài chính của mình. Chúng ta chủ yếu cần phải giảm bớt gánh nặng nợ nần để có thể sẵn sàng ứng phó với cuộc khủng hoảng, đại dịch tiếp theo hoặc bất cứ điều gì có thể xảy ra phía trước”.