IMF ủng hộ ECB kích thích tiền tệ

Theo Mai Ngọc/thoibaonganhang.vn

Nền kinh tế khu vực đồng euro đang phải đối mặt với rủi ro ngày càng tăng xuất phát từ căng thẳng thương mại, bất ổn Brexit và Ý.

ECB có thể giảm lãi suất tiền gửi ngay trong tháng 7. Nguồn: internet
ECB có thể giảm lãi suất tiền gửi ngay trong tháng 7. Nguồn: internet

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết hôm 11/7 trong một báo cáo thường niên mà tại đó định chế cho vay toàn cầu này cũng ủng hộ kế hoạch kích thích tiền tệ mới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Rủi ro ngày càng gia tăng

Trong Báo cáo cuối cùng về khu vực đồng euro trước khi bà Christine Lagarde - Tổng giám đốc điều hành của Quỹ rời đi vào tháng 11 để lãnh đạo ECB, IMF cho biết kế hoạch của ECB nhằm duy trì chính sách tiền tệ dễ dàng là “tối quan trọng” vì khối đồng tiền chung đang phải đối mặt với “quãng thời gian tăng trưởng và lạm phát yếu ớt kéo dài”.

 Báo cáo cũng cho biết đồng euro vẫn bị định giá thấp một chút mặc dù đã được định giá cao vào năm ngoái. IMF cũng kêu gọi các nước có thặng dư thương mại lớn, bao gồm Đức và Hà Lan, đầu tư nhiều hơn để giúp cân bằng tỷ giá hối đoái.

Theo IMF, tăng trưởng GDP trong khu vực đồng tiền chung eurozone bao gồm 19 quốc gia sẽ chậm lại ở mức 1,3% trong năm nay từ mức 1,9% trong năm 2018, nhưng sẽ tăng trở lại mức 1,6% vào năm 2020. Mặc dù vậy, dự báo của IMF vẫn lạc quan hơn một chút so với dự báo của Ủy ban châu Âu (EC) khi mà cơ quan điều hành EU chỉ dự báo tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung eurozone ở mức 1,2% trong năm nay và 1,4% vào năm 2020.

Tuy nhiên, IMF cảnh báo rủi ro ngày càng tăng từ căng thẳng thương mại toàn cầu, sự không chắc chắn gây ra bởi tiến trình Brexit không rõ ràng, cộng thêm rủi ro nợ tại Ý mà phần lớn trong số đó là do các ngân hàng trong nước nắm giữ.

Mặc dù lợi suất trái phiếu Ý gần đây đã giảm, báo cáo cho biết, sự thay đổi trong tâm lý của thị trường không thể loại trừ. Điều đó có thể buộc Chính phủ không thích “thắt lưng buộc bụng” của Ý phải chấp nhận “thắt chặt tài chính mạnh mẽ” ngay cả khi tăng trưởng chậm lại. Đáng lo ngại hơn là rủi ro có thể lan tỏa sang các quốc gia khác trong khu vực đồng euro, Quỹ cho biết.

IMF cũng dự đoán lạm phát tại khu vực sẽ cách khá xa mục tiêu gần 2% của ECB ít nhất là cho đến năm 2022 và dự báo lạm phát của khu vực chỉ vào khoảng 1,3% trong năm nay, phù hợp với ước tính của ECB. “Để đạt mục tiêu lạm phát đòi hỏi chính sách nới lỏng tiền tệ phải kéo dài”, Quỹ cho biết, hoan nghênh kế hoạch duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của ECB.

Nới lỏng hơn nữa là cần thiết

Tuy nhiên IMF tỏ ra nghi ngờ đối với kế hoạch “phân cấp” lãi suất của ECB với mục tiêu giảm chi phí mà các ngân hàng phải trả cho số tiền gửi vượt dự trữ của họ. Theo kế hoạch này, tiền gửi vượt dự trữ của một số ngân hàng tại ECB sẽ được miễn phải chịu mức lãi suất -0,4%. “Cơ chế phân cấp chỉ có tác động rất nhỏ đến lợi nhuận tổng hợp của ngân hàng, trong khi tác động đến các điều kiện tín dụng cũng không rõ ràng”, báo cáo cho biết và nói thêm rằng, tác dụng tiêu cực của chính sách lãi suất âm có thể vượt xa các tác động tích cực.

Trong trường hợp kỳ vọng lạm phát ngày càng xấu hơn, IMF cho rằng việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa là điều cần thiết và có thể bao gồm một chương trình mua tài sản mới. Các giao dịch mua mới sẽ cần duy trì trên khắp các quốc gia thuộc khu vực đồng euro và có thể được mở rộng đối tượng tài sản đủ điều kiện để mua vào.

Đặc biệt, trong bối cảnh “dư địa để cắt giảm lãi suất là khá hạn hẹp”, IMF cũng không loại trừ các biện pháp kích thích mới, “như các phương tiện thanh khoản mới, rẻ hơn cho các ngân hàng”.

Mặc dù cho rằng TLTRO III (Chương trình Tái cấp vốn dài hạn có mục tiêu lần thứ ba) là một động thái tốt, nhưng báo cáo của IMF cảnh báo điều đó cũng làm tăng nguy cơ phơi nhiễm của các ngân hàng đối với nợ của đất nước họ.

Để ngăn chặn điều này, báo cáo khuyến nghị, “sẽ là thích hợp nếu ECB rút ngắn thời gian đáo hạn của TLTRO mới và cung cấp các điều khoản định giá ít hào phóng hơn so với TLTRO II”.

Trong báo cáo của mình, IMF cũng kêu gọi cần có cơ chế giám sát tập trung đối với các rủi ro rửa tiền tại các ngân hàng trong khu vực đồng euro, sau một loạt các trường hợp phơi bày những thiếu sót quốc gia trong việc chống lại tội phạm tài chính.

Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách của ECB cũng đã thống nhất tại cuộc họp tháng 6 về kế hoạch sẵn sàng kích thích hơn nữa cho nền kinh tế khu vực, một động thái có thể được theo sau bởi việc cắt giảm lãi suất ngay trong tháng này.

“Chúng tôi hy vọng (ECB) sẽ giảm lãi suất, có thể sớm nhất là trong tháng này, trong khi khả năng khởi động một chương trình mua tài sản mới đang tăng lên”, Jamie Murray - nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.