Sự bó buộc của vàng

Theo Tiệp Nguyễn/nhadautu.vn

Theo giáo sư kinh tế chính trị Dan Rodrik, sự toàn cầu hóa hiện nay đang vướng phải những sai lầm tương tự như thời kỳ các nước phải sử dụng chính sách thắt lưng buộc bụng dưới chế độ kim bản vị.

Câu hỏi liệu có nên quay trở lại với chế độ kim bản vị vẫn còn gây nhiều tranh cãi giữa các nhà kinh tế học. Nguồn: internet
Câu hỏi liệu có nên quay trở lại với chế độ kim bản vị vẫn còn gây nhiều tranh cãi giữa các nhà kinh tế học. Nguồn: internet

Sự toàn cầu hóa đang gặp vấn đề lớn. Một làn sóng quay ngược lại chủ nghĩa dân túy mà hiện thân là tổng thống Mỹ Donald Trump đang bùng phát. Cuộc chiến thương mại âm ỉ giữa Trung Quốc và Mỹ có thể bùng nổ bất cứ lúc npào.

Rủi ro của toàn cầu hóa

Các nước dọc Châu Âu đang đóng cửa biên giới với những người nhập cư. Ngay cả những người ủng hộ nhiệt thành nhất với toàn cầu hóa hiện cũng thừa nhận rằng nó đang tạo ra những lợi ích không cân bằng và phải thay đổi điều gì đó.

Tai họa ngày nay khởi nguồn từ những năm 1990, khi các nhà hoạch định chính sách đưa thế giới vào con đường toàn cầu hóa hiện tại, đòi hỏi các nền kinh tế nội địa phải phục vụ nền kinh tế thế giới thay vì đi theo một con đường khác. Về thương mại, sự thay đổi được đánh dấu bằng việc tạo ra Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 1995.

WTO không chỉ làm các nước khó khăn hơn để bảo vệ chính mình trước những thách thức quốc tế mà nó còn tiếp cận vào lĩnh vực chính sách mà trước đây các luật lệ thương mại quốc tế chưa chạm được tới: Nông nghiệp, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, chính sách công nghiệp, các quy định - luật về sức khỏe, vệ sinh.

Ngay cả những đàm phán thương mại khu vực có tham vọng hơn như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ NAFTA cũng được đưa ra trong khoảng thời gian đó.

Về mặt tài chính, thay đổi được đánh dấu bằng một sự dịch chuyển cơ bản trong thái độ của các chính phủ với việc quản lý những dòng chảy tư bản và hướng tới sự mở rộng tự do hơn.

Được thúc đẩy bởi Mỹ và các tổ chức toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, các nước đẩy nguồn tài chính ngắn hạn với số lượng lớn vượt qua biên giới của mình để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.

Tại thời điểm đó, những thay đổi có vẻ dựa trên các nền kinh tế mạnh. Sự mở cửa về thương mại sẽ giúp dẫn đắt các nền kinh tế đưa tài nguyên của họ tới nơi chúng được sinh sôi một cách nhiều nhất.

Tư bản sẽ chảy từ các nước sung túc tới những nước đang cần. Tài chính tự do hơn và mang tính thương mại hơn sẽ tháo khóa cho đầu tư tư nhân và kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Nhưng, những sự sắp xếp mới này đi kèm với những rủi ro mà những người chủ trương toàn cầu hóa không lường trước, mặc dù lý thuyết kinh tế đã lường trước được mặt tiêu cực của toàn cầu hóa cũng như mặt tích cực của nó.

Gia tăng thương mại với Trung Quốc và những đất nước có chi phí sản xuất thấp làm gia tăng sự sụt giảm việc thuê lao động sản xuất trong thế giới phát triển, tạo ra tình trạng khốn quẫn của nhiều cộng đồng trong nó.

Việc tài chính hóa nền kinh tế toàn cầu tạo ra những cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại Suy Thoái. Sau đó, các thực thể tài chính quốc tế lại đẩy mạnh những chính sách thắt chặt khiến cho thiệt hại còn trở nên tồi tệ hơn.

Những gì xảy ra với những người dân thường có vẻ là kết quả của những lực lượng vô danh trên thị trường hay bởi những nhà hoạch định chính sách ở một nước ngoài xa xôi khác.

Các nhà chính trị và hoạch định chính sách đã cố tình làm giảm yếu tố nghiêm trọng của những vấn đề này. Họ phủ nhận những cái giá mới cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đòi hỏi phải hi sinh chủ quyền.

Và, họ còn có vẻ bị giữ nguyên quan điểm này bởi cùng những lực lượng trên. Những bất đồng giữa người theo phe chính trị trung hữu với trung tả không phải về luật lệ của nền kinh tế thế giới mới mà ở cách chúng giúp ích gì cho nền kinh tế quốc gia của họ.

Phe hữu muốn cắt giảm thuế và bỏ bớt những luật lệ, quy định; Phe tả thì đòi hỏi phải chi tiêu nhiều hơn vào giáo dục và cơ sở hạ tầng công cộng.

Nhưng cả 2 phe đều đồng ý rằng những nền kinh tế phải thay đổi để phù hợp với sự cạnh tranh toàn cầu. Như cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã bênh vực Toàn cầu hóa "là sự cân bằng về kinh tế như một lực lượng tự nhiên, giống như gió hay nước".

Hay Thủ tướng Anh quốc Tony Blair thì nhạo báng những ai muốn "tranh luận về toàn cầu hóa", ông nói rằng "các ông nên tranh cãi xem có phải mùa thu đến sau mùa hè hay không".

Và, không điều gì giúp thế giới tránh khỏi con đường phải đi khởi đầu từ những năm 1990. Những thực thể quốc tế đóng vai trò riêng của mình, nhưng toàn cầu hóa từng tồn tại như một trạng thái suy nghĩ hơn là một điều ràng buộc xác thực và bất biến về mặt kinh tế với chính sách nội địa.

Trước khi có khái niệm về toàn cầu hóa, nhiều đất nước đã được thử nghiệm 2 mô hình "giống toàn cầu hóa" rất khác nhau: Hệ thống kim bản vị và hệ thống Bretton Woods.

Kim bản vị là chế độ tiền tệ được ấn định bằng hàm lượng vàng. Bretton Woods là hội nghị thống nhất mức tỷ giá cố định cho các đồng tiền chính và cho phép ngân hàng trung ương được can thiệp vào thị trường tiền tệ. Bretton Woods kéo dài từ năm 1944 đến năm 1971.

Sự toàn cầu hóa mới hiện tại gần gũi với tinh thần của chế độ kim bản vị có tính chất lịch sử xa xôi và tính thâm nhập cao hơn. Đó là nguồn gốc của rất nhiều vấn đề phát sinh hiện tại. Với những nguyên lý cơ bản linh hoạt hơn của Hệ thống Bretton Woods, cách nhà hoạch định chính sách cần phải cân nhắc nếu họ muốn tạo ra một nền kinh tế toàn cầu vững chãi hơn và công bằng hơn.

Sự bó buộc của vàng

Trong khoảng 50 năm trước Thế chiến I, cùng một thời gian ngắn khôi phục trong khoảng thời gian giữa 2 cuộc thế chiến, kim bản vị đã tạo ra các điều luật cho việc quản lý kinh tế.

Một Chính phủ sử dụng hệ thống kim bản vị phải cố định giá trị đồng tiền quốc gia vào giá vàng, vẫn phải duy trì biên giới mở cửa cho hoạt động tài chính và trả nợ bên ngoài trong mọi hoàn cảnh.

Ngày nay, nếu một chính phủ phải thực hiện những điều này, các nhà kinh tế học gọi nó là chính sách thắt chặt, tạo ra thiệt hại lớn cho thu nhập nội địa và việc làm.

Sự tự nguyện cáng đáng những trói buộc về kinh tế không tình cờ, đã có phong trào dân túy nở rộ một cách có chủ đích lần đầu tiên dưới thời kim bản vị. Vào gần cuối thế kỷ 19, Đảng Nhân dân đã giúp những người nông dân bần cùng của Mỹ lên tiếng, những người đang phải chịu thiệt hại vì mức lãi suất cao với các khoản nợ và giá thành sản phẩm bị sụt giảm.

Giải pháp rất rõ ràng: tín dụng dễ dàng, được tạo ra bằng cách khiến đồng tiền có thể bồi hoàn bằng bạc hay vàng. Nếu, chính phủ cho phép bất cứ ai với bạc nén chuyển đổi nó thành tiền ở một tỷ lệ định sẵn, nguồn cung tiền sẽ tăng, tăng giá sản phẩm và làm giảm bớt gánh nặng nợ của người nông dân.

Nhưng, những quan chức vùng đông bắc Mỹ và những ai ủng hộ kim bản vị đã gây cản trở. Phá sản tăng cao, và tại Đại hội Quốc gia Đảng Dân chủ năm 1896, ứng viên tổng thống William Jennings Bryan đã có tuyên bố nổi tiếng: "Các ông không nên đóng đinh nhân loại trên một cây thập giá bằng vàng".

Chế độ kim bản vị đã giúp cuộc tấn công của phe dân túy tồn tại ở Mỹ, một phần là do việc tình cờ tìm thấy những mỏ quặng vàng giúp cho các điều kiện vay tín dụng trở nên dễ dàng hơn sau những năm 1890.

Gần 4 thập kỷ sau, chế độ kim bản vị bị bỏ đi nhưng lần này là ở Anh quốc, dưới cùng những áp lực và sự bất bình tương tự. Sau khi dừng chế độ kim bản vị một cách hiệu quả trong Thế chiến I, Anh quốc quay lại với nó vào năm 1925 với tỷ lệ quy đổi như trước chiến tranh.

Nhưng nền kinh tế Anh khi đó chỉ còn là cái bóng của chính nó so với trước Thế chiến, và 4 năm sau cuộc khủng hoảng năm 1929 đã đẩy đất nước này vào bước ngoặt. Công việc kinh doanh và lao động đòi hỏi phải có mức lãi suất thấp mà dưới chế độ kim bản vị sẽ đẩy vốn ra nước ngoài.

Lần này, chính phủ Anh quốc đã chọn nền kinh tế nội địa thay vì các luật lệ toàn cầu và bỏ chế độ kim bản vị vào năm 1931. Hai năm sau, tổng thống Mỹ mới đắc cử Franklin Roosevelt đã khôn ngoan đi theo hành động này.

Và, hiện nay các nhà kinh tế học hiện đại kết luận, càng sớm bỏ đi chế độ kim bản vị thì một đất nước càng nhanh chóng thoát khỏi cuộc Đại Suy Thoái.