Khủng hoảng nhân khẩu tàn phá “mộng Trung Hoa”

Theo Trương Khắc Trà/diendandoanhnghiep.vn

Dân số già nhanh chóng là lực cản cho sự phát triển của Trung Quốc trong vài thập niên tới, đe dọa giấc mộng Trung Hoa.

Khủng hoảng nhân khẩu đe dọa sự thành bại của giấc mộng Trung Hoa
Khủng hoảng nhân khẩu đe dọa sự thành bại của giấc mộng Trung Hoa

Trung Quốc đang bước vào thời kỳ già hóa dân số sau vài thập kỷ siết chặt tỷ lệ sinh. Theo một nghiên cứu của đại học Washington đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng The Lancet, dân số Trung Quốc sẽ giảm một nửa vào năm 2100.

Tỷ lệ sinh 1,3 trẻ/1 phụ nữ không đủ để giúp nước này tái tạo nguồn lực con người, mặt khác bộ phận dân số trên 65 tuổi tăng rất nhanh qua từng năm. Có thể nói Trung Quốc đang đối mặt với mất cân xứng nhân khẩu học.

Cũng giống như một gia đình, khi có quá nhiều người lớn tuổi, mất sức lao động thì gia đình ấy rất khó thịnh vượng, nếu đã thịnh vượng cũng cần lớp trẻ để duy trì. Logic giữa dân số và kinh tế ở tầm quốc gia cũng như vậy.

Tất cả các quốc gia đều đối mặt với già hóa dân số, phần lớn không thể thêm một lần tạo ra “dân số vàng” trong chu kỳ 100 đến 200 năm, chấp nhận chung số với hệ lụy bằng cách điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, thiết kế lại mô hình nhà nước phúc lợi.

Ví dụ các quốc gia Bắc Âu, Tây Âu phát triển rất sớm, ngày nay đều có dân số già, tuổi thọ bình quân rất cao đi kèm với mô hình nhà nước phúc lợi, mục tiêu tăng trưởng vừa phải, đó là những nơi rất thanh bình. Hoặc Nhật Bản, tình trạng già hóa dân số là nguyên nhân lớn nhất ngăn cản tăng trưởng kinh tế.

Nói như vậy để thấy rằng, già hóa dân số trong tương lai gần sẽ là rào cản với những mục tiêu rất tham vọng của Trung Quốc. Thực tế, nước này đã tận dụng tối đa lợi thế “dân số vàng” để phát triển nhảy vọt: nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, chấp nhận điều kiện lao động tối thiểu.

Chỉ cần đánh mất lợi thế “lao động giá rẻ” thì các tập đoàn lớn sẵn sàng rời bỏ Trung Quốc, ngân sách tốn kém hơn để chi trả an sinh xã hội, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.

Một điểm rất đặc trưng Nho giáo trong tháp dân số Trung Quốc là mất cân bằng giới, thời kỳ siết chặt tỷ lệ sinh khiến người dân chỉ chọn nam giới để nối nghiệp tông đường. Hiện nay có hàng chục triệu thanh niên Trung Quốc không thể lập gia đình, trong khi đó nữ giới manh nha trào lưu không sinh con.

Gần đây, tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa chóng mặt và bất động sản “sốt” điên cuồng, cộng với chi phí sinh hoạt đắt đỏ cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến người Trung Quốc không đủ can đảm sinh thêm con.

Vấn đề là Trung Quốc quá lớn, quá cồng kềnh để thiết kế lại nhà nước phúc lợi, thỏa mãn với những gì đã có. Quốc gia này không thể dừng lại khi rất nhiều mục tiêu khổng lồ dở dang.

Chương trình hạ tầng BRI cần thêm hàng chục tỷ USD để duy trì, hàng nghìn dự án đầu tư, cho vay khắp thế giới cần vốn để hoàn thành. Xem ra mục tiêu 100 năm lần thứ hai của ông Tập thể hiện tham vọng lớn hơn so với hai người tiền nhiệm Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Tất cả đều dựa vào nguồn lực con người với khả năng sáng tạo, phát minh, khởi nghiệp. Hơn nữa hệ thống tài chính Trung Quốc được thiết kế để phô diễn sức mạnh, nhưng tương lai gần hệ lụy xã hội sẽ ngốn không ít nguồn lực.