Kinh tế khu vực đồng Euro phục hồi từ suy thoái

Theo Kim Ngân/nhadautu.vn

Khu vực đồng euro tăng trưởng 2% trong quý II sau hai quý tăng trưởng âm, khi các nền kinh tế mở cửa trở lại một cách thận trọng trong bối cảnh đại dịch vẫn nhức nhối ở nhiều nơi trên thế giới.

Khách một quán ăn phục vụ ngoài trời ở Rome, Ý, ngày 24/6/2021. Ảnh: Tân Hoa Xã
Khách một quán ăn phục vụ ngoài trời ở Rome, Ý, ngày 24/6/2021. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo ước tính sơ bộ của Eurostat, kinh tế khu vực đồng euro, gồm 19 nước, tăng trưởng âm 0,3% trong quý I/2021 và âm 0,6% trong quý 4/2020 - tình trạng được định nghĩa là “suy thoái kỹ thuật” khi kinh tế suy giảm 2 quý liên tiếp.

Eurostat, cơ quan thống kê của EU, cho biết 2% là con số cao hơn mức dự báo 1,5%.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế vẫn còn mong manh, theo CNBC. Biến thể virus Delta có khả năng lây truyền cao khiến số ca nhiễm tăng vọt ở nhiều nước trong những tuần gần đây. Mặc dù số ca nhập viện không bị ảnh hưởng nghiêm trọng và số người được tiêm chủng ngừa virus tăng nhanh, người tiêu dùng vẫn chưa có tâm lý thoải mái do số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng.

Claus Vistesen, kinh tế trưởng châu Âu tại Pantheon Macro, một đơn vị tư vấn, nghiên cứu kinh tế của Mỹ, cho biết: “Chúng tôi giữ quan điểm là quý 3 sẽ tốt hơn nữa, khi động lực tăng trưởng tiếp tục duy trì, nhưng rủi ro đi xuống vẫn hiển hiện”.

“Số ca bệnh mới đang tăng cao do biến thể Delta, và bằng chứng từ Anh cho thấy virus đang kìm hãm hoạt động kinh tế”.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt dự báo tăng trưởng GDP khu vực đồng euro năm nay sẽ ở mức 4,6%, và 4,7% trong năm tới.

Theo Eurostat, lạm phát tháng 7 của khu vực ước ở mức 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng từ mức 1,9% của tháng 6.

Những người tham gia thị trường và lãnh đạo các ngân hàng trung ương trong khu vực rất lưu ý tới các dữ liệu này để xác định đợt tăng giá tiêu dùng gần đây có tính tạm thời hay không, theo CNBC. Một giai đoạn lạm phát cao hơn kéo dài có thể khiến kích thích tiền tệ phải giảm.

Mục tiêu của ECB là hỗ trợ tỷ lệ lạm phát 2%. Cơ quan này cho biết lạm phát được dự báo sẽ tăng trong những tháng tới, nhưng sẽ dịu lại ở năm sau.

Trong khi đó, tăng trưởng của Mỹ trong quý II là 6,5%. Bộ Thương mại nước này cho biết con số phản ánh kinh tế Mỹ đã thoát khỏi “xiềng xích” của đại dịch nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, 6,5% là mức thấp đáng kể so với mức 8,4% Dow Jones dự báo. GDP quý I tăng 6,3%.

Paul Ashworth, kinh tế trưởng của Capital Economics, nhận định: “Tin tốt là nền kinh tế hiện đã vượt qua mức trước đại dịch. Nhưng do tác động từ kích thích tài khóa đang giảm dần, giá cả tăng cao làm suy yếu sức mua, biến thể Delta hoạt động mạnh ở phía Nam và tỷ lệ tiết kiệm thấp hơn chúng tôi nghĩ, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP sẽ chậm lại còn 3,5% trong nửa cuối năm”.

Nhiều ngành trong nền kinh tế Mỹ vẫn lao đao khi thị trường lao động vật lộn để trở lại trạng thái bình thường.

GDP của Trung Quốc tăng 7,9% trong quý II, thấp hơn một chút so với kỳ vọng. Reuters trước đó ước tính tăng trưởng là 8,1%.

Chaoping Zhu, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, cho biết: “Nhìn chung, kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi, với mục tiêu tăng trưởng 6% cả năm trong tầm tay”.

“Tuy nhiên, rủi ro cơ cấu và rủi ro đi xuống của nhu cầu nội địa là đáng ngại”, ông Zhu nói, lưu ý đến tăng trưởng yếu của tín dụng dài hạn và sự bấp bênh trong điều tiết thị trường.

quý I, GDP Trung Quốc tăng 18,3% so với quý I năm trước khi Trung Quốc vật vã trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng.

Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance, nhận định: “Tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm hơn, và còn vướng các bất ổn như tăng trưởng không cân bằng vì việc làm, thu nhập hộ gia đình, tiêu dùng, đầu tư sản xuất, khu vực dịch vụ và các công ty tư nhân vẫn chưa quay lại mức trước đại dịch", Pang nói.

Giữa tháng 7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho phép tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm 0,5 điểm phần trăm đối với tất cả các ngân hàng, động thái được cho là báo hiệu kinh tế nước này sẽ tăng trưởng chậm lại trong quý II và 3.

Các nhà kinh tế cho biết như vậy 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (154 tỷ USD) sẽ được bơm vào nền kinh tế, và mục đích chính là hỗ trợ thêm tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ trong nước đang chịu nhiều áp lực chi phí. Đây là lần cắt giảm đầu tiên trong vòng 15 tháng.