Kinh tế thế giới thời COVID: Thách thức và triển vọng cuối năm

TS. Bùi Ngọc Sơn, chuyên gia kinh tế/diendandoanhnghiep.vn

Cùng với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ thì nền kinh tế toàn cầu cũng đang phải đối mặt với một số thách thức mới xuất hiện gần đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bản chất của sự phục hồi kinh tế toàn cầu và các yếu tố bất lợi trong nửa đầu năm 2021 có thể sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, nhưng không thể đảo ngược được sự phục hồi.

Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới. Nguồn: IMF
Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới. Nguồn: IMF

Biến thể mới chưa gây bất ổn kinh tế

Biến thể Delta xuất hiện ở Ấn Độ và nhấn chìm nền kinh tế lớn này từ đầu quý II/2021 và hiện đã lan sang trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Do đó, có lo ngại rằng, điều này có thể ngăn trở tiến trình tái mở cửa và đang phục hồi tốt ở các nền kịnh tế hàng đầu thế giới. Hiện nay, một số quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan… đang tái áp dụng các biện pháp hạn chế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chủng biến thể này không thể gây tác hại đáng kể đến các nước đã tiêm chủng. Các nghiên cứu cho thấy, dù biến thể này có thể lây nhiễm với những người đã tiêm chủng, nhưng không gây nguy hại đến mức phải nhập viện. Vì lý do này, người Mỹ dường như đánh giá thấp nguy cơ từ biến thể này, và nước Anh dường như coi thường nguy cơ này khi gần như loại bỏ mọi biện pháp hạn chế.

Giá hàng nguyên liệu cơ bản tăng mạnh, có thể làm tổn hại đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch.

Mặt khác, việc các nước phát triển hoàn thành tiêm chủng là điều kiện thuận lợi cho các nước mới nổi như ở Đông Nam Á có nguồn cung vaccine ổn định hơn. May mắn hơn nữa, loại thuốc uống điều trị COVID-19 với tên gọi Molnupiravir đang đem lại hy vọng lớn có thể kết thúc đại dịch trong vài tháng tới cũng góp phần làm tăng triển vọng phục hồi kinh tế.

Tóm lại, biến thể Delta chưa thực sự gây bất ổn kinh tế thế giới, mà chỉ ở mức đe dọa vì nó chỉ gây hại ở một số nền kinh tế nhưng không thể đảo ngược sự phục hồi ở các nền kinh tế lớn.

Nguy cơ lạm phát cao

Chỉ số giá các hàng nguyên liệu cơ bản từ cuối quý II/2020 đến quý II/2021 đã tăng 69% (từ 91,7 điểm lên 154,1 điểm). Đây là mức tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nhiều người lo ngại rằng, giá hàng nguyên liệu cơ bản tăng mạnh sẽ dần chuyển vào giá hàng tiêu dùng gây ra lạm phát, có nguy cơ làm tổn hại đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch.

Nguyên nhân là do nhu cầu nguyên liệu tăng, trong khi cung lại đang bị gián đoạn bởi nhiều nguyên nhân như nhiều nước cung ứng vẫn còn dịch, vận chuyển cũng gián đoạn vì nhiều nơi còn dịch. Tuy nhiên, nguyên nhân này mang tính kỹ thuật hơn là mang tính cơ cấu nên không đáng lo ngại.

Mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ tăng 5,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 13 năm qua, khiến nhiều người lo ngại lạm phát sẽ sớm trở lại, buộc FED sẽ sớm phải tăng lãi suất cơ bản. Nếu điều này xảy ra, phần còn lại của kinh tế toàn cầu sẽ phải hứng chịu nhiều bất ổn tài chính khi dòng vốn bị rút ra, tình trạng lạm phát sẽ bùng phát vì các đồng tiền khác bị mất giá nhanh so với USD.

Tuy nhiên, có lập luận cho rằng, sự gia tăng giá cả ở Mỹ, dù có cao nhưng đó là kết quả sau thời kỳ dài bị dồn ép vì dịch, nó sẽ sớm ổn định trở lại. Mặt khác, giá nhà ở Mỹ tăng mạnh do lãi suất thấp, khiến mọi người đều muốn mua nhà trong khi cung lại chưa thể bắt kịp.

Có thể vì các lý do trên mà bà Yellen, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ cho rằng tình trạng lạm phát ở Mỹ là không đáng lo ngại khi bà nói: “Tôi không cho rằng chúng ta đang đối mặt với nguy cơ tương tự như trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008”.

Những tác động của đại dịch toàn cầu đã tác động đến nguồn cung chất bán dẫn trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Những tác động của đại dịch toàn cầu đã tác động đến nguồn cung chất bán dẫn trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Nỗi lo thiếu chip

Bên cạnh nhu cầu chip cho các hàng tiêu dùng thì nhu cầu chip cho điện toán đám mây, đào tiền ảo tăng vọt và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Dù cung đã phục hồi gần như trước, nhưng vẫn không đủ đáp ứng vì cầu vẫn tăng liên tục, đẩy tình trạng thiếu hụt đến điểm khủng hoảng. Dự báo tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài đến năm 2023.

Ngay cả Apple, một công ty mua chất bán dẫn lớn nhất thế giới hàng năm với khoản chi 58 tỷ USD cũng đang bị buộc phải trì hoãn 2 tháng đưa ra loại iPhone 12 trong năm ngoái vì thiếu chip. Hãng ô tô Ford cho biết lợi nhuận năm 2021 có thể sụt mất 2,5 tỷ USD vì thiếu chip. Thậm chí Samsung là nhà bán chip lớn thứ hai thế giới (doanh số 56 tỷ USD) và tự tiêu thụ chip trị giá 36 tỷ USD hàng năm cũng phải trì hoãn kế hoạch bán sản phẩm của mình. Hầu hết các hãng còn lại cũng trong tình trạng tương tự. Kết quả là sự tăng giá chip và các sản phẩm điện tử có thể xảy ra từ nửa cuối năm 2021.

Tuy nhiên, dù chip còn thiếu nhưng chỉ tác động đến giá cả, chứ không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thậm chí, trong trung hạn và dài hạn, sự khan hiếm chip có thể tạo ra tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực này.

Tóm lại, vaccine COVID-19 và tiêm chủng ở các nền kinh tế chủ chốt là yếu tố quyết định cho sự phục hồi vững chắc của kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Các thách thức đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho nửa cuối năm nay chỉ mang tính kỹ thuật, ngắn hạn, không đáng lo ngại.

Ngân hàng UBS cho rằng quá trình tái mở cửa các nền kinh tế vẫn tiếp tục và tăng trưởng toàn cầu năm 2021 sẽ ở mức 6,5%.