Mỹ: Doanh nghiệp giàu cũng hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ tiền lương

Theo Minh Trang/bnews.vn

Tính đến ngày 30/6, chương trình này đã cung cấp các khoản cho vay lên tới 521 tỷ USD.

Người dân đi làm trong giờ cao điểm ở New York, Mỹ, sau gần ba tháng thành phố bị phong tỏa do dịch Covid-19, ngày 8/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân đi làm trong giờ cao điểm ở New York, Mỹ, sau gần ba tháng thành phố bị phong tỏa do dịch Covid-19, ngày 8/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Mỹ ngày 6/7 xác định khoảng 650.000 doanh nghiệp nhỏ và các tổ chức phi lợi nhuận đã nhận được hỗ trợ tài chính thông qua Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP), vốn được đưa ra nhằm giảm bớt tổn thất về việc làm do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, những doanh nghiệp giàu mạnh cũng là những đối tượng được hưởng lợi từ PPP.

PPP được thiết lập khi Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đàm phán gói kích thích trị giá 2.000 tỷ USD, nhằm giúp các doanh nghiệp giữ chân nhân viên của họ, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và sa thải hàng loạt lao động do tác động của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch hơn, như chế tạo và xây dựng, đã nhận được tỷ lệ cho vay lớn hơn so với các lĩnh vực kinh doanh gặp nhiều khó khăn hơn như nhà hàng và khách sạn. Nhiều công ty luật và công ty cổ phần tư nhân cũng nhận được các khoản cho vay.

Các doanh nghiệp thuộc sở hữu của các chính trị gia cũng vay mượn từ chương trình này, bao gồm một đội bóng chày nhỏ thuộc sở hữu của gia đình Thống đốc bang Ohio. Thậm chí, một thương hiệu nhượng quyền lớn của các nhà hàng Wendy, Taco Bell và Pizza Hut đã nhận được khoản vay với tổng trị giá từ 15-30 triệu USD.

Tính đến ngày 30/6, chương trình này đã cung cấp các khoản cho vay lên tới 521 tỷ USD. Bộ Tài chính Mỹ xác định rằng đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng nhu cầu vay, đồng thời chỉ nêu tên các doanh nghiệp đã vay hơn 150.000 USD, chiếm chưa đến 15% trong số gần 5 triệu công ty và tổ chức quy mô nhỏ nhận được các khoản vay.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Florida đồng thời là Chủ tịch Ủy ban doanh nghiệp nhỏ, cho biết việc phát hành các dữ liệu về PPP để chứng tỏ sự minh bạch là rất cần thiết. Ông gọi chương trình này là một “chiếc phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp nhỏ trong đại dịch.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/7 đã ký ban hành luật kéo dài thời hạn cho các doanh nghiệp nộp đơn xin trợ giúp theo PPP. Dự luật kéo dài thời hạn cho các doanh nghiệp đăng ký vay theo hình thức này đến ngày 8/8 tới.

Việc mở rộng chương trình cho vay diễn ra khi các nghị sĩ Mỹ chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về vòng kích thích kinh tế tiếp theo. Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát, đã thông qua dự luật kích thích kinh tế trị giá 3.000 tỷ USD vào tháng 5, bao gồm hỗ trợ chính quyền các bang, địa phương và một đợt thanh toán trực tiếp 1.200 USD khác cho người dân Mỹ.