Năng lực chống tham nhũng của các nước Mỹ Latinh bị suy yếu

Theo Ngọc Anh/thanhtra.com.vn

Năng lực chống tham nhũng của các nước Mỹ Latinh đã giảm trong năm qua do đại dịch coronavirus lấy đi các nguồn lực và mang lại cho các chính trị gia ở một số quốc gia không gian để làm suy yếu cơ quan tư pháp.

Ảnh minh họa. Nguồn: insightcrime
Ảnh minh họa. Nguồn: insightcrime

Reuters dẫn nguồn từ báo cáo khảo sát hàng năm đối với 15 quốc gia Mỹ Latinh do Hiệp hội châu Mỹ (AS/COA) công bố ngày 14/6 cho thấy sự suy giảm hiệu quả và tính độc lập của các cơ quan chống tham nhũng ở hầu hết các quốc gia này.

Chỉ số đánh giá mức độ hiệu quả chống tham nhũng của các quốc gia dựa trên những tiêu chí như tính minh bạch của chính phủ, nguồn lực tư pháp và chất lượng của báo chí. Theo đó, Venezuela là quốc gia kém nhất trong số 15 quốc gia, và Uruguay là quốc gia tốt nhất.

Chỉ số Năng lực chống tham nhũng (CCC) cũng cho thấy, năng lực chống tham nhũng ở 2 quốc gia đông dân nhất và các nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latinh là Brazil và Mexico, đã sụt giảm đáng kể.

Báo cáo cho biết, vào thời điểm cả đầu tư nước ngoài và trong nước ở Mỹ Latinh đều ở mức thấp nhất trong nhiều năm, sự gia tăng những nghi ngờ về việc áp dụng pháp quyền và chất lượng của các thể chế tư pháp đang làm suy yếu niềm tin của doanh nghiệp.

Brazil ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất về điểm số hàng năm, do bị ảnh hưởng bởi quyết định giải tán lực lượng đặc nhiệm chống tham nhũng Lava Jato vào tháng 2/2021 cũng như việc Tổng thống Jair Bolsonaro bổ nhiệm các quan chức được coi là kém độc lập hơn để lãnh đạo Cảnh sát Liên bang và Văn phòng Công tố.

Trong khi đó, Mexico chứng kiến điểm số sụt giảm trong năm thứ 3. Mexico đã cắt giảm ngân sách đáng kể cho Hệ thống Chống tham nhũng quốc gia như một phần của các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm đối phó với tác động kinh hoàng của đại dịch coronavirus đối với nền kinh tế .

Guatemala cũng tụt hạng, sau khi đóng cửa cơ quan chống tham nhũng do Liên hợp quốc tài trợ vào năm 2019. Một Ủy ban Chống tham nhũng của Tổng thống được thành lập vào năm 2020 và trực tiếp dưới sự kiểm soát của cơ quan hành pháp, đã không thực hiện bất kỳ cuộc điều tra lớn nào, báo cáo cho biết.

Xếp hạng từ điểm cao nhất đến thấp nhất, các quốc gia được đánh giá theo CCC là: Uruguay, Chile, Costa Rica, Peru, Argentina, Brazil, Colombia, Ecuador, Panama, Cộng hòa Dominica, Mexico, Paraguay, Guatemala, Bolivia và Venezuela.