Nhà đầu tư Mỹ lo lắng về chuỗi cung ứng và chi phí tăng cao

Theo Trần Võ/nhadautu.vn/Reuters

Các nhà đầu tư đang sẵn sàng cho một giai đoạn tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ khác tại Mỹ. Nhưng khi hoạt động kinh doanh tiếp tục phục hồi hậu COVID, lại có những vấn đề mới phát sinh khiến Phố Wall lo ngại, trong đó bao gồm những khó khăn về chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát.

 Nhà đầu tư Mỹ lo lắng về chuỗi cung ứng và chi phí tăng cao.  Ảnh: Reuters.
Nhà đầu tư Mỹ lo lắng về chuỗi cung ứng và chi phí tăng cao. Ảnh: Reuters.

Trong mùa tăng trưởng thu nhập, một số công ty đã đưa ra nhiều dự báo triển vọng của họ. FedEx Corp cho biết tình trạng thiếu lao động sẽ làm tăng tỷ lệ tiền lương và chi tiêu làm thêm giờ, trong khi Nike Inc đổ lỗi cho sự sụp đổ của chuỗi cung ứng và chi phí vận chuyển tăng cao khi họ ước tính doanh thu năm tài chính 2022 sẽ sụp giảm cũng như cảnh báo về mùa nghỉ lễ sắp tới.

Terry Sandven, giám đốc chiến lược vốn cổ phần tại Ngân hàng U.S. Bank Wealth Management, cho biết: "Tốc độ tăng trưởng đang giảm nhanh, nhưng vẫn ở mức tốt. Với tình trạng thiếu hụt sản phẩm và lao động cũng như áp lực lạm phát, chúng tôi sẽ phải xem xét xem nhu cầu ở mức độ nào và nó có ý nghĩa gì đối với giai đoạn chi tiêu cho kỳ nghỉ quan trọng".

Các nhà phân tích nhận thấy thu nhập của các công ty thuộc S&P 500 đã tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước trong quý thứ ba, theo dữ liệu IBES từ Refinitiv tính đến thứ Sáu, song nó lại giảm so với mức tăng trưởng 96,3% trong quý thứ hai.

Chuỗi cung ứng, chi phí gặp khó

Các nhà đầu tư đang cân nhắc tác động của chi phí năng lượng cao đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng sau đợt tăng giá dầu và khí đốt tự nhiên gần đây. Mặc dù giá năng lượng cao hơn sẽ là một lợi ích cho các nhà sản xuất năng lượng, nhưng chúng lại là nguy cơ lạm phát đối với nhiều công ty khác như hãng hàng không và các ngành công nghiệp khác và cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng.

Các công ty Mỹ cho đến nay đã giữ tỷ suất lợi nhuận ở mức kỷ lục. Dù vậy, một số nhà đầu tư vẫn đang lo lắng xem điều đó có thể tiếp tục trong bao lâu.

Thu nhập quý 3 được công bố trong bối cảnh thị trường vẫn còn chao đảo sau một tháng 9 yếu ớt và đầy biến động. Chỉ số S&P 500 trong tháng 9 đã ghi nhận mức giảm phần trăm hàng tháng lớn nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 3/2020. Đây cũng là mức giảm hàng tháng đầu tiên của chỉ số kể từ tháng Giêng.

"Các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng COVID đã lan rộng ra ngoài hàng tiêu dùng. Và rất dễ nhận thấy các dấu hiệu dài hạn đối với các bất ổn toàn cầu", Savita Subramanian, chuyên gia tại BofA Securities, cho biết.

Ngoài ra, trong khi các vấn đề về chuỗi cung ứng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, thì lạm phát tiền lương cũng đang trở thành một vấn đề đáng lưu tâm, các chiến lược gia của BofA viết trong một lưu ý hôm thứ Hai.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley nói rằng kỳ vọng thu nhập đã không bao gồm những đánh giá đầy đủ về các hạn chế trong chuỗi cung ứng mà các công ty phải đối mặt, qua đó khiến các công ty khó vượt qua mục tiêu, kỳ vọng như trong những quý gần đây.

Họ viết: "Các công ty tiêu dùng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, chi phí hậu cần cao hơn và chi phí lao động cao hơn".

Bên cạnh đó, các chiến lược gia cũng cho rằng thị trường chứng khoán đang có xu hướng giảm mạnh hơn và cho biết thu nhập quý 3 có thể xác định mức độ giảm sâu của thị trường.