Brussels sẽ nhanh chóng hồi sinh sau những đau đớn

Theo thoibaonganhang.vn

Bỉ đang để tang cho những nạn nhân và sân bay quốc tế chính của nước này vẫn đóng cửa sau các cuộc tấn công khủng bố vừa qua. Nhưng các hoạt động du lịch, đi lại tại Brussels - thủ đô không chính thức của châu Âu – cũng đang dần bình thường trở lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kinh nghiệm cho thấy, các nước có thể phục hồi trở lại nhanh chóng sau những thảm họa, ngay cả khi ngành du lịch, niềm tin kinh doanh và tiêu dùng có thể chịu ảnh hưởng nhất thời.

“Dù các sự kiện khủng khiếp đã xảy ra tại Brussels vừa qua nhưng hoạt động kinh tế vẫn cho thấy sức bền trước các cuộc tấn công khủng bố” – chuyên gia kinh tế Francesca Peck thuộc IHS Global Insight nhận định.

Trước Brussels, Madrid (thủ đô Tây Ban Nha) và London (thủ đô nước Anh) cũng đã trụ vững và hồi sinh mạnh mẽ sau các vụ khủng bố. Các cuộc tấn công vào tháng 3/2004 trên các chuyến tàu ở Madrid sát hại 191 người. Đây là những vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Tây Ban Nha.

Tuy nhiên theo Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), số lượng khách du lịch đến Tây Ban Nha đã nhanh chóng phục hồi về mức trước khủng bố chỉ sau vài tuần. Còn các vụ đánh bom khủng bố tại London vào tháng 7/2005 khiến 52 người thiệt mạng thì thậm chí còn tác động không đáng kể đến du lịch. “Không có tác động đáng kể nào về lượng khách du lịch đến Vương quốc Anh sau các vụ khủng bố này” – tổ chức trên cho biết.

Một nghiên cứu được tiến hành trong hơn một thập kỷ của WTTC cho thấy, sau một cuộc tấn công khủng bố thì du lịch có xu hướng phục hồi nhanh hơn nhiều so với một thảm họa môi trường lớn. Trong khi đó một nghiên cứu của Deloitte và STR Global chỉ ra, mọi người có xu hướng chấp nhận "tiếp tục như bình thường" bởi các cuộc tấn công và các mối đe dọa khủng bố hiện đã trở nên phổ biến hơn.

Số liệu của tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc cho thấy, mặc dù thế giới đã trải qua một loạt những vụ tấn công khủng bố trong năm 2015 nhưng du lịch quốc tế vẫn tăng trưởng 4%, với gần 1,2 tỷ người có các cuộc hành trình trong năm ngoái.

Theo ông Sandra Carvao, người phát ngôn của tổ chức Du lịch Thế giới, kinh nghiệm cho thấy, các tác động của những sự kiện như vừa qua đến du lịch thường có xu hướng rất ngắn hạn. Ngành du lịch của Thái Lan đã tăng trưởng tới 19% trong năm ngoái dù cho đã có một vụ đánh bom đền thờ khiến 20 người thiệt mạng.

Điều này là nhờ nước này đã thắt chặt an ninh nhanh chóng và trấn an du khách rằng họ sẽ không gặp nguy hiểm. Trở lại với trường hợp của Brussels hiện nay, các nhà kinh tế cho rằng do các vụ nổ bom vừa qua diễn ra trong bối cảnh đang có một làn sóng khủng bố ở châu Âu nên tác động vào đến khách du lịch, người tiêu dùng và các DN có thể sẽ nghiêm trọng và dài hạn hơn.