Phố Wall và giá dầu thô tiếp tục hứng khởi, giá vàng quay đầu

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Quyết định đưa ra hôm thứ Tư của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến đồng USD giảm mạnh và tiếp tục giúp phố Wall tăng điểm, lên mức cao nhất năm 2016, trong khi chịu áp lực chốt lời cuối phiên, giá vàng quay đầu giảm nhẹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên thứ Năm sau quyết định của Fed giúp đồng USD yếu so với các đồng tiền mạnh khác, qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Mỹ. Trong đó, chỉ số S&P 500 và Dow Jones đóng cửa ở mức cao nhất kể từ 31/12/2015, trong khi chỉ số Nasdaq cũng đóng cửa ở mức cao nhất từ 7/1/2016.

Kết thúc phiên 17/3,chỉ số Dow Jones tăng 155,73 điểm (+0,90%), lên 17.481,49 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,37 điểm (+0,66%), lên 2.040,59 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 11,02 điểm (+0,23%), lên 4.774,98 điểm.

Không như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu lại gần như đóng cửa dưới tham chiếu trong phiên đầy biến động thứ Năm. Mở cửa phiên giao dịch, đa số các chỉ số chính của khu vực đều tăng khá tốt, hưởng ứng với thông tin Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp đưa ra trước đó. Tuy nhiên, về sau, chính quyết định này đã khiến đồng euro tăng mạnh so với đồng USD. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của châu Âu gặp bất lợi và kéo các chỉ số chứng khoán đi xuống.

Kết thúc phiên 17/3,chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 25,63 điểm (+0,42%), lên 6.201,12 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 91,21 điểm (-0,91%), xuống 9.892,20 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 20,11 điểm (-0,45%), xuống 4.442,89 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc Fed quyết định không tăng lãi suất trong cuộc họp kết thúc hôm thứ Tư đã tác động tích cực đến chứng khoán Hồng Kông, giúp chỉ số Hang Seng hồi phục mạnh. Ngoài ra, việc chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng mạnh sau chuỗi lình xình cũng tạo tâm lý tích cực cho chứng khoán Hồng Kông.

Trong khi đó, việc Fed không tăng lãi suất thông thường cũng là tin tích cực với chứng khoán Nhật Bản, nhưng trong phiên thứ Năm, quyết định này của Fed khiến đồng USD giảm giá mạnh so với đồng yên, nên tác động tiêu cực lên các công ty xuất khẩu của Nhật, do đó cũng tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán, khiến chỉ số Nikkei tiếp tục giảm điểm, bất chấp sắc xanh bao phủ khắp các thị trường lân cận.

Kết thúc phiên 17/3,chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 38,07 điểm (-0,22%), xuống 16.936,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 246,11 điểm (+1,21%), lên 20.503,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 34,4 điểm (+1,20%), lên 2.904,83 điểm.

Quyết định đưa ra hôm thứ Tư của Fed khiến đồng USD giảm mạnh và giúp giá vàng tiếp tục tăng cao trong gần như suốt phiên thứ Năm, vượt qua ngưỡng 1.265 USD/ounce. Tuy nhiên, về cuối phiên, áp lực chốt lời gia tăng đã khiến giá kim loại quý này quay đầu giảm. Giá vàng tương lai do xuất phát chậm hơn nên duy trì đà tăng mạnh và chỉ điều chỉnh giảm khi bước vào phiên sáng nay (18/3).

Kết thúc phiên 17/3,giá vàng giao ngay giảm 4,5 USD (-0,37%), xuống 1.257,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 tăng 35,2 USD (+2,86%), lên 1.265,0 USD/ounce.

Trên thị trường dầu mỏ, kỳ vọng vào các nhà sản xuất lớn sẽ đạt được thỏa thuận về việc đóng băng sản lượng, cùng kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng không lớn như dự báo giúp giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh trong phiên thứ Năm và trên đà chinh phục mức cao nhất năm 2016.

Kết thúc phiên 17/3,giá dầu thô Mỹ tăng 1,74 USD (+4,33%), lên 40,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,21 USD (+2,91%), lên 41,54 USD/thùng.