Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những cảnh báo
10 năm trước cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ không chỉ khiến cho nền kinh tế lớn nhất toàn cầu khủng hoảng mà kéo theo sự khốn đốn, tổn thương nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới. 10 năm sau, liệu lịch sử có lặp lại khi đang xuất hiện ngày càng nhiều cảnh báo về những nguy cơ mới?
Thống kê cho thấy, trong cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu "đắt đỏ" năm 2008, 10.000 tỷ USD bị cuốn trôi, 30 triệu người mất việc, 50 triệu người quay lại chuẩn dưới nghèo là cái giá phải trả cho cuộc khủng hoảng 2008.
Lehman Brothers - ngân hàng đầu tư thành lập năm 1844 - là một trong năm định chế tài chính cho vay lớn nhất nước Mỹ khi đó. Ngày 15/9/2008, Lehman Brothers tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, ngân hàng này cũng chỉ là một trong những quân cờ Domino bị sụp đổ trong một phản ứng dây chuyền đầu năm 2008.
Bởi trước khi ngân hàng 160 năm tuổi này tuyên bố phá sản, ngày 16/3/2008, Bear Stearns - một trong năm ngân hàng đầu tư lớn nhất phố Wall - cũng phải cầu cứu và được JPMorgan Chase mua lại với khoản hỗ trợ 30 tỷ USD từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Cùng thời gian đó, Chính phủ Mỹ thông qua khoản cứu trợ 200 tỷ USD để cứu Freddie Mac và Fannie Mae - hai nhà cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ, không bị phá sản và cứu AIG - một trong ba công ty bảo hiểm lớn nhất bằng việc tung ra 85 tỷ USD để mua 80% cổ phần. Những gói cứu trợ hàng trăm tỷ USD được đưa ra sau đó như một nỗ lực để giảm bớt ảnh hưởng của đợt khủng hoảng.
Thời điểm đó, "bong bóng" bất động sản và các khoản vay dưới chuẩn bùng nổ mà nguyên nhân bắt nguồn từ một công cụ tài chính phái sinh với tên gọi CDO. Cụ thể, những khoản nợ vay thế chấp sẽ được bên cho vay bán lại cho các ngân hàng đầu tư. Các ngân hàng này đưa những khoản nợ gộp lại thành các CDO và bán ra thị trường. Người mua CDO sẽ là người cuối cùng hưởng khoản thanh toán từ người vay thế chấp ban đầu. Các công ty bảo hiểm tham gia với vai trò bảo đảm rủi ro, sau khi các CDO này được các tổ chức đánh giá tín nhiệm xếp hạng...
Theo lý giải của các chuyên gia, khi không còn ai quan tâm đến chất lượng khoản vay, dư nợ cho vay thế chấp bất động sản của Mỹ đã tăng với tốc độ chóng mặt. Từ 160 tỷ USD của năm 2001, dư nợ thế chấp tăng lên 540 tỷ vào năm 2004 và bùng nổ lên 1.300 tỷ USD vào năm 2007. Vấn đề đáng lo nhất hầu hết đây đều là các khoản nợ khó đòi.
Sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư lâu đời của Mỹ mở đầu cho đợt bán tháo lớn nhất trong lịch sử. Trong khi đó, sự đình trệ của dòng chảy vốn, "bong bóng" bất động sản vỡ khiến kinh tế thế giới bị tổn thương nghiêm trọng. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên mức 10%, cao nhất kể từ Đại suy thoái. Và hậu quả ra sao, cả thế giới đã có cơ hội được chứng kiến và trải nghiệm.
Tròn 1 thập kỷ ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, lại đang dấy lên các mối lo ngại về cuộc khủng hoảng tiếp theo. Mới đây, JPMorgan Chase - Ngân hàng hàng đầu nước Mỹ cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo trên thế giới sẽ xảy ra sau 2 năm nữa, tức vào năm 2020.
Theo đó, các chuyên gia của JPMorgan Chase đưa ra kịch bản về cuộc khủng hoảng tài chính thế giới có thể xảy ra vào năm 2020: Thị trường chứng khoán Mỹ giảm khoảng 20%; Giá năng lượng giảm 35% và giá kim loại cơ bản giảm 29%; Các thị trường chứng khoán mới nổi giảm 48%, tỷ giá đồng tiền các quốc gia mới nổi giảm hơn 14%.
Trong khi đó, ông Robert Shiller, nhà kinh tế học của Đại học Yale và là người từng đoạt giải Nobel kinh tế, cảnh báo "thời gian tồi tệ với thị trường chứng khoán" sắp xảy ra. Chuyên gia này cảnh báo, các nhà đầu tư nên bỏ qua sự bùng nổ lợi nhuận của các công ty và tập đoàn của Mỹ trong thời gian gần đây và tập trung vào việc định giá dài hạn, điều sẽ tiên đoán tương lai của thị trường chứng khoán.
Bất chấp việc lợi nhuận tăng 25% một quý, chuyên gia này vẫn cho rằng đây không phải dấu hiệu cho thấy một tương lai lâu dài của thị trường và hiện nay các nhà đầu tư đang định giá quá cao.
Tuy nhiên, vẫn còn những điều tốt đẹp để cho thế giới kì vọng. Cụ thể, JPMorgan Chase cho rằng lần khủng hoảng tiếp theo này có thể sẽ gây ít tác động tiêu cực hơn so với những lần khủng hoảng trước. Trong khi đó, nhà kinh tế học Robert Shiller cũng cho rằng, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ không rơi vào thảm họa mà đây chỉ là cảnh báo về lợi nhuận kỳ hạn 10 năm, sẽ thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của nhà đầu tư.
Theo các nhà phân tích, mọi chuyện vẫn ở phía trước và tương lai thì chẳng ai biết trước được điều gì. Những khả năng khủng hoảng kinh tế - tài chính được dự báo trong thời gian ngắn hoặc vài năm tới. Điều quan trọng là cần cẩn trọng, không được lơ là để có giải pháp ứng phó kịp thời.