Nghị quyết 57: Động lực đổi mới cho nhiều trường đại học trong nước
Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành năm 2024 với tầm nhìn chiến lược về việc sử dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Muốn hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW, Việt Nam cần xây dựng một lực lượng nhân lực mới - những con người có tư duy đột phá, năng lực toàn diện đáp ứng những yêu cầu hoàn toàn mới của thời đại. Điều này đòi hỏi các trường đại học trong nước nhanh chóng có những giải pháp mạnh mẽ về đổi mới giáo dục, góp phần xây dựng nền giáo dục kiến tạo, đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho kỷ nguyên mới.

Phát triển nguồn nhân lực làm chủ được công nghệ và AI
Một trong những mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết 57 là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng cán bộ, công chức và nhân viên có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở quy mô quốc gia. Nghị quyết nêu rõ: "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới".
Tại Diễn đàn “Phát triển xung lực mới cho quốc gia: Nhân lực thực thi nghị quyết 57-NQ/TW” do Tập đoàn FPT phối hợp các bộ, ban, ngành, đơn vị tổ chức mới đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, năm 1945, Việt Nam có phong trào bình dân học vụ với mục tiêu mọi người dân biết đọc, biết viết, thì ngày nay, mỗi người đều cần biết sử dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) để có thể bắt kịp sự phát triển của thế giới. Mỗi học sinh, sinh viên Việt Nam hôm nay cần trang bị kiến thức về công nghệ, kỹ năng về AI và khả năng làm việc cùng các chuyên gia quốc tế.
Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với ngành giáo dục trong nước. Theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, ngành Giáo dục đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó điển hình là sự "xâm nhập" mạnh mẽ của AI vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, dẫn tới sự thay đổi căn bản về cách học, nội dung học và mục tiêu học.
Do đó, ngành Giáo dục - Đào tạo nhất thiết phải đổi mới: “Từ giáo dục quốc dân đến đào tạo công dân toàn cầu”, nghĩa là phải đào tạo nguồn nhân lực không chỉ giỏi chuyên môn mà phải có đầy đủ các kỹ năng, biết làm chủ công nghệ và AI để sẵn sàng hội nhập.
Việc làm cấp thiết hiện nay của Ngành là phải thay đổi nội dung chương trình đào tạo để phù hợp với bối cảnh mới. Nói cách khác, cần có sự đổi mới sâu sắc trong giáo dục nhằm khắc phục những thiếu hụt về kỹ năng thiết yếu của thế hệ trẻ nói chung, sinh viên trong các trường đại học nói riêng.
Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, ứng dụng khoa học công nghệ, AI không chỉ là xu hướng mà là một cuộc cách mạng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Đây chính là động lực để các trường đại học trong nước nhanh chóng đổi mới phương pháp, nâng cấp, cải tiến, bổ sung chương trình đào tạo; khẩn trương chuẩn bị một đội ngũ nhân lực quản lý, giảng dạy có đủ năng lực nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57.

Thực hiện hiệu quả quản trị đại học gắn với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức
Nhận định về những khó khăn đang cản trở sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Viện trưởng Viện công nghệ VinIT cho rằng, đầu tư cho giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Đáng kể như hạ tầng nghiên cứu thiếu đồng bộ, cơ chế huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn yếu. Đồng thời, Việt Nam cũng đang thiếu các nhà khoa học đầu ngành có khả năng dẫn dắt các nghiên cứu chuyên sâu có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội cũng như chưa xây dựng được lộ trình nghề nghiệp rõ ràng cho đội ngũ nhà khoa học trẻ.
Chính vì thế, để thực hiện hiệu quả quản trị đại học gắn với nghiên cứu khoa học, đặc biệt là ở tầm hệ thống, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ khuyến nghị, cần có những giải pháp đột phá cả về thể chế lẫn mô hình tổ chức để theo kịp xu thế phát triển của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Theo đó, Việt Nam cần chú trọng vào vai trò của trí tuệ nhân tạo và công nghệ số trong giáo dục; khái niệm và ứng dụng của giáo dục mở và tài nguyên giáo dục mở; khoa học dữ liệu lớn (big data) và các hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu...
Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua nhiều viện nghiên cứu khoa học, trường đại học đã có những giải pháp mạnh mẽ cũng như xây dựng cơ chế hợp tác nhằm phát huy thế mạnh của các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh phát triển mới. Chẳng hạn như mới đây, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Vật liệu, Trường Hóa và Khoa học sự sống (Đại học Bách khoa Hà Nội) - đơn vị có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học để xây dựng các chương trình giảng dạy, thực hành công nghệ chiến lược và đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam...
Gần đây nhất, ngày 7/5/2025 Trường Đại học FPT đã công bố bổ sung chương trình đào tạo lực lượng dự bị thực thi Nghị quyết 57/NQ-TW (gọi tắt là chương trình KS57). TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT cho biết, Chương trình được thiết kế dành riêng cho sinh viên công nghệ thông tin nhằm xây dựng lực lượng dự bị chiến lược, sẵn sàng tham gia triển khai Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị về đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Các nội dung đào tạo sẽ được Nhà trường thiết kế xoay quanh hệ sinh thái chuyển đổi số, bao gồm các yếu tố nhà nước, doanh nghiệp, kinh tế số, tài chính số, và tiếp thị số. Đáng kể, nhóm năng lực cốt lõi sẽ hướng đến việc hình thành khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở tầm hệ thống - điều thiết yếu cho nguồn nhân lực trong tương lai. Toàn bộ các nội dung trên được cụ thể hóa thành bài giảng, có thể sẵn sàng triển khai cho số lượng lớn sinh viên của trường Đại học FPT.
Có thể nói, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, giáo dục đại học không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy mà còn phải gắn liền với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức. Để làm được điều đó, cần thực hiện quản trị đại học có hiệu quả như đảm bảo các yếu tố về chiến lược và chính sách rõ ràng; cơ chế tài chính và đầu tư hợp lý; cấu trúc tổ chức và quản lý hiệu quả; nguồn nhân lực chất lượng cao; ứng dụng công nghệ và chuyển giao tri thức; hợp tác quốc tế và hội nhập. Nếu thực hiện được các yếu tố trên, quản trị đại học sẽ không chỉ thúc đẩy nghiên cứu khoa học mà còn nâng cao vị thế và chất lượng giáo dục của nhà trường./.
Thanh Loan