EU muốn làm khó Anh hậu Brexit?

Theo N. An/daibieunhandan.vn

Liên minh châu Âu (EU) muốn có quyền đưa ra các biện pháp trừng phạt Anh, nếu London vi phạm các thỏa thuận mà hai bên đạt được trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi nước Anh rời EU (Brexit).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thông tin trên được tiết lộ từ dự thảo thỏa thuận chuyển tiếp Brexit do Hội đồng châu Âu soạn thảo, do Euobserver thu thập được. Trong dự thảo này, các quan chức EU đề ra những quy định cơ bản về giai đoạn chuyển tiếp, sau khi Anh rời EU ngày 29/3/2019. Dự thảo nêu rõ, thỏa thuận rút lui nên cung cấp cơ chế cho phép EU đình chỉ một số quyền lợi của Anh khi tham gia thị trường nội khối.
Theo các nguồn tin châu Âu, những biện pháp trừng phạt mà EU muốn có quyền áp đặt đối với Anh gồm áp thuế lên hàng hóa, áp dụng quy trình kiểm tra hải quan hay đình chỉ thỏa thuận về vùng hàng không - không phận chung, trong đó cho phép máy bay thuộc các hãng hàng không của Anh bay qua vùng không phận giữa Anh và lục địa già.

Theo đề xuất của châu Âu, EU nên có quyền đưa ra các biện pháp trừng phạt Anh nếu xét thấy việc trình vấn đề lên Tòa án Công lý châu Âu không đủ thời gian cần thiết. Trên nguyên tắc, các tranh chấp giữa EU và Anh trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ được Tòa án Công lý châu Âu thụ lý. Tuy nhiên, việc tiến hành thủ tục pháp lý tại tòa thường mất rất nhiều thời  gian, và có thể vào cuối giai đoạn giải quyết tranh chấp, Anh sẽ không còn liên quan tới luật châu Âu nữa do giai đoạn chuyển tiếp đã kết thúc.

Giới chuyên gia cho rằng, điều khoản trừng phạt trong dự thảo văn bản mà Ủy ban châu Âu dự kiến sớm công bố, có thể trở thành vấn đề nổi cộm khi các cuộc đàm phán về Brexit được nối lại tại Brussels.

Tháng 12 vừa qua, Anh và EU đã ký thỏa thuận tạm thời về ba vấn đề then chốt liên quan tới quá trình Brexit, trong đó có các nghĩa vụ tài chính của Anh đối với EU, đường biên giới Ireland và quyền công dân hậu Brexit. Được biết, Thủ tướng Anh Theresa May đã chấp thuận hầu hết yêu cầu của EU.

Theo kế hoạch, Anh sẽ chính thức rời Liên minh châu Âu vào đầu năm 2019, nhưng sẽ vẫn ở lại thị trường chung trong giai đoạn chuyển tiếp được dự kiến kéo dài đến cuối năm 2020. Việc ở lại thị trường chung châu Âu cho phép Anh tiếp tục giao thương mà không phải chịu thuế, cũng như kiểm soát hải quan trong giai đoạn chuyển tiếp, đồng thời cũng cho phép công dân Anh tiếp tục sống và làm việc tại bất kỳ nước thành viên nào của EU.