Những rủi ro và thách thức chờ đợi thế giới năm 2017

Theo baoquocte.vn

Trước thềm khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 47 Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sỹ), ban tổ chức đã công bố một báo cáo dự báo về những rủi ro và nguy cơ chính đang chờ đợi thế giới trong năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Báo cáo này ra đời sau một cuộc khảo sát được tiến hành với khoảng 750 chuyên gia trên thế giới, những người xuất thân từ nhiều quốc gia và hoạt động trong nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.

Căng thẳng chính trị

Nguy cơ đầu tiên là những căng thẳng chính trị, từng được biểu hiện trong năm 2016 qua cú sốc của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - được gọi là Brexit - và sau đó là chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ở Mỹ.

Những bất bình đẳng trong thu nhập và "khoảng cách giàu nghèo gia tăng" trong xã hội xuất hiện hàng đầu trong các xu hướng sẽ định hình sự tiến triển của thế giới trong thập kỷ tới. Rõ ràng, các vấn đề chính trị và xã hội sẽ thu hút sự quan tâm hàng đầu của công luận, trong khi những căng thẳng này sẽ tiếp tục gây sức ép đặc biệt đến châu Âu với các cuộc bầu cử tại Pháp và Đức và cũng có thể là tại Italy trong năm nay.

Biến đổi khí hậu

Nguy cơ thứ hai là sự ấm lên của khí hậu toàn cầu. Tất cả các rủi ro đối với môi trường bắt nguồn từ tình trạng ấm lên toàn cầu được báo cáo này đánh giá là có "nguy cơ rất cao" và "rất có khả năng xảy ra", trong đó đặc biệt báo cáo nhấn mạnh tới nguy cơ về các "hiện tượng thời tiết cực đoan".

Trí thông minh nhân tạo

Nguy cơ thứ ba là vấn đề "xã hội không tiến kịp sự phát triển của công nghệ". Trong số 12 công nghệ mới nổi, các chuyên gia được phỏng vấn cho rằng trí thông minh nhân tạo và robot có nguy cơ dẫn đến những hậu quả kinh tế tiêu cực tiềm tàng, trước tiên là đối với việc làm và sự ổn định của xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, những mối đe dọa này lấn át cơ hội phát triển, vốn được chờ đợi từ những tiến bộ trên, bởi vì các nhà lãnh đạo chính trị chậm trễ trong hành động để đặt ra những điều chỉnh nhằm giám sát các công nghệ này.

Trong năm 2016, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã nhấn mạnh chủ đề cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực tế, trong các nhà máy và trong tất cả các lĩnh vực, vấn đề máy móc đang dần thay thế con người, tất cả đang đi đến một thời kỳ mới. Đào tạo, bảo vệ quyền riêng tư của con người, nâng cấp các kỹ năng và chuyên môn là những việc làm cần thiết. Để đối đầu với thời đại của máy móc, chính con người cần phải được nâng cấp hơn cả.

Nhanh nhạy và có trách nhiệm

Đối mặt với những thách thức mới này, vấn đề sẽ được nhấn mạnh tại Davos năm nay là sự cấp thiết phải tiến hành các chính sách nhanh nhạy và có trách nhiệm, nếu không sự rạn nứt trong xã hội sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Trong một thế giới phức tạp với sự phát triển càng ngày càng nhanh chóng, Klaus Schwab - người sáng lập ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới - khẳng định rằng "các nhà lãnh đạo cần chứng tỏ khả năng đáp ứng trước những đòi hỏi của các công dân, những người đã đặt niềm tin vào các nhà lãnh đạo và đưa ra triển vọng cho phép người dân hướng tới một tương lai tốt hơn".

Hơn bao giờ hết, ở thời điểm các nhà lãnh đạo vạch ra lộ trình của năm 2017 với nhiều vấn đề không thể đoán trước được, họ cần phải "chú ý đến các tín hiệu thay đổi từ một thế giới đang không ngừng vận động và thay đổi", đồng thời "đưa ra các điều chỉnh cần thiết mà không bao giờ được đi chệch khỏi con đường của họ, đó là một tầm nhìn mạnh mẽ dựa trên những giá trị đích thực".