Nikkei: Lượng tiền đầu tư lớn đang trở lại Đông Nam Á

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán Đông Nam Á đã không ngừng tăng tính từ đầu tháng trước.

Ảnh: Nikkei
Ảnh: Nikkei

Các thị trường tài chính Đông Nam Á hiện đang thu hút lượng tiền lớn từ nhà đầu tư khi mà kinh tế khu vực khởi động lại quá trình mở cửa vốn rất được chờ đợi từ đã lâu.

Theo Nikkei, đồng ringgit của Malaysia hiện đã tăng lên ngưỡng 4,13 riggit/USD trong phiên cuối tuần trước, ngưỡng cao chưa từng thấy tính từ ngày 10/9/2021. Giữa tháng 10, đồng rupiah cũng lên ngưỡng 14.000 rupiah/USD và chạm mức cao nhất trong 8 tháng.

Xu thế tương tự có thể thấy trên thị trường chứng khoán. Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán Đông Nam Á đã không ngừng tăng tính từ đầu tháng trước. Vào giữa tháng 10, chỉ số này lên mức cao chưa từng thấy tính từ tháng 2 năm ngoái khi mà đại dịch COVID-19 bắt đầu căng thẳng.

Trong vòng 4 tuần liên tiếp trong tháng 10, thị trường chứng khoán Malaysia và Indonesia liên tiếp đón nhận lượng tiền lớn, theo thống kê của MIDF Research – một tổ chức nghiên cứu tại Malaysia.

Các đồng tiền và cổ phiếu trên thị trường Đông Nam Á đã giảm rất mạnh cho đến tháng 9 năm nay, sau đó bật tăng vào tháng kế tiếp. Lý do lớn nhất cho sự hồi phục này chính là sự mở cửa của các nền kinh tế trong khu vực.

Khi mà tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tại nhiều nước có xu thế giảm xuống, Singapore và Malaysia đã bỏ đi các biện pháp hạn chế đi lại với người đã tiêm đầy đủ vắc xin COVID-19 từ đầu tháng 10. Malaysia cũng đã cho phép đi lại liên bang.

Vào ngày thứ Hai, Thái Lan đã chấm dứt các biện pháp cách ly đối với khách đã tiêm đủ vắc xin COVID-19 từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ đáp ứng được nhiều điều kiện. Đây là một phần trong quá trình tái mở cửa nền kinh tế.

Ngoài ra, việc nối lại hoạt động sản xuất tại các nước Đông Nam Á đã giúp làm tăng xuất khẩu. Khu vực này đang hướng đến việc giải quyết tình trạng mắc kẹt của chuỗi cung ứng gây ra bởi các biện pháp hạn chế sản xuất.

Xuất khẩu của Malaysia vào tháng 9 tăng đến 24,7% so với cùng kỳ năm trước lên 110,8 tỷ riggit và lập kỷ lục mới. Xuất khẩu từ Malaysia sang Mỹ, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tăng cao, kết quả thặng dư thương mại lập kỷ lục.

Cũng giống như Malaysia, Indonesia hưởng lợi nhiều khi giá hàng hóa tăng cao. Xuất khẩu của Indonesia và thặng dư thương mại của nước này lập kỷ lục trong tháng 8, thặng dư thương mại tháng 9 đồng thời lên cao.

Cùng lúc đó, nhóm các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan nhiều đến ngành du lịch nhiều khả năng cũng có kết quả tốt hơn sau khoảng thời gian dài khó khăn vì đại dịch COVID-19.

Cổ phiếu hãng hàng không giá rẻ AirAsia của Malaysia đã tăng 7% tính từ cuối tháng 9/2021. Cổ phiếu của hãng kinh doanh dịch vụ giải trí Genting Singapore tăng 8%. Cổ phiếu của cả hai công ty này đã ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn con số 3% của chỉ số MSCI khu vực Đông Nam Á trong cùng khoảng thời gian trên.

Cổ phiếu hàng loạt ngân hàng lớn, ví như DBS Group Holding hay United Overseas Bank của Singapore cũng đã hồi phục mạnh trên thị trường chứng khoán nhờ vào triển vọng kinh doanh sáng sủa hơn của những khách đang vay tiền.