Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Mở lối cho công nghiệp hỗ trợ


Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo.

Việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ảnh minh họa
Việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ảnh minh họa

Cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ là rất lớn

Theo phương án đề xuất, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đầu tư khoảng là 67,34 tỷ USD với tổng chiều dài 1.541 km đi qua 20 tỉnh, thành phố, với có tốc độ thiết kế 350 km/h... Chưa có dự án nào có vốn và quy mô lớn như dự án này, vì vậy, có thể coi đây là cuộc cách mạng, mở ra cơ hội “vàng” cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, tạo động lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam được đánh giá là dự án trọng điểm quốc gia, sẽ có nhiều tác động đến một số ngành kinh tế của nước ta. Đặc biệt, theo kinh nghiệm quốc tế, để phát triển ngành công nghiệp đường sắt, các quốc gia cần làm chủ công nghệ lõi, có ngành công nghiệp hỗ trợ vững mạnh và nguồn vốn lớn để đầu tư vào công nghệ cũng như cơ sở hạ tầng. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Việt Nam có dịp được phát huy năng lực.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá: Dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam sẽ trở thành một trọng điểm trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của quốc gia. Với mục tiêu kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm, giảm thời gian di chuyển và tăng cường năng lực vận tải, dự án này không chỉ giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp liên quan. Công nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp vật tư, thiết bị và công nghệ để hoàn thành dự án này. Trong đó, ngành công nghiệp xây dựng và chế tạo đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các loại vật liệu cần thiết cho việc xây dựng đường sắt, bao gồm bêtông, thép, các cấu kiện hạ tầng như cầu, cống, đường hầm.

Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) cho biết, cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là rất lớn. Đặc biệt khi xét đến việc sản xuất và cung cấp các vật liệu quan trọng như bê tông, thép, các cấu kiện hạ tầng như cầu, cống, đường hầm… bởi đây là những yếu tố không thể thiếu để hoàn thành dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Bên cạnh đó, một trong những cơ hội lớn khác là việc chuyển giao và làm chủ công nghệ trong ngành đường sắt. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẽ có cơ hội tiếp nhận công nghệ tiên tiến từ các đối tác quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có kinh nghiệm phát triển đường sắt cao tốc như Nhật Bản, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc... HANSIBA và các thành viên của hiệp hội đã và đang kết nối với các đối tác quốc tế để hợp tác trong việc sản xuất, chuyển giao công nghệ và cung cấp sản phẩm cho các dự án công nghiệp liên quan như ngành hàng không, vũ trụ và tàu cao tốc.

Đẩy mạnh chuyển giao, làm chủ công nghệ

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bình luận, mong muốn doanh nghiệp trong nước không chỉ tham gia xây dựng đường sắt mà dần làm chủ, trở thành chủ thể chính vận hành, quản lý đường sắt. Quan trọng nhất là phải có chiến lược triển khai việc này, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước. Cơ chế chính sách là rất cần thiết. Dự án này không thể thành công, triển khai đúng tiến độ nếu thiếu cơ chế chính sách đặc thù.

Mặc dù mở lối phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng thách thức đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng không nhỏ.

Nêu lên những thách thức, ông Nguyễn Vân chỉ ra, một trong những thách thức lớn nhất là việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất các linh kiện, thiết bị cho đường sắt cao tốc. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và đào tạo nhân lực.

Thứ hai là về vốn đầu tư, dự án này yêu cầu một nguồn lực tài chính rất lớn để có thể tham gia vào các giai đoạn sản xuất và cung cấp thiết bị. Do đó, các doanh nghiệp sẽ cần sự hỗ trợ từ các cơ chế tài chính đặc thù của Chính phủ và các tổ chức tín dụng.

Cuối cùng, việc hợp tác với các đối tác quốc tế cũng sẽ có những thách thức về chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và quản lý chuỗi cung ứng. “Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự hỗ trợ từ Chính phủ, chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẽ có thể vượt qua những khó khăn này và đóng góp vào sự thành công của dự án”- lãnh đạo HANSIBA nêu.

Để cụ thể hoá được việc này, đại diện HANSIBA cho biết hiệp hội đã cùng các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ, Bộ ngành Trung ương sau khi thành lập "Tổ công tác" của dự án, sẽ có những chương trình làm việc trực tiếp với các tổ chức Hội, hiệp hội. Trong đó có HANSIBA và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Nhằm nắm bắt về năng lực sản xuất, cung ứng thiết bị, sản phẩm có thể đáp ứng, hợp tác với các đơn vị tổng thầu dự án trong nước và quốc tế được tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trước thời điểm khởi công (vào năm 2027).

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã và đang tích cực chuẩn bị để tham gia vào dự án này. HANSIBA đã kết nối với các đối tác quốc tế đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Đức và các quốc gia phát triển khác để trao đổi, hợp tác trong việc chuyển giao công nghệ, sản xuất linh kiện, thiết bị cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đơn cử việc các doanh nghiệp của HANSIBA đang hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản và Trung Quốc trong việc phát triển các sản phẩm công nghiệp cho ngành hàng không và tàu cao tốc. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp thành viên HANSIBA đã xuất khẩu ra các thị trường quốc tế, bao gồm các dự án đường sắt cao tốc Shinkansen tại Nhật Bản.

Các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh việc cải thiện năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và hợp tác với các đối tác quốc tế để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp của HANSIBA sẵn sàng tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam mà còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trong thị trường toàn cầu.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam không chỉ giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp liên quan, trong đó có công nghiệp hỗ trợ - ngành công nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp vật tư, thiết bị và công nghệ để hoàn thành dự án này.

Theo Báo Công Thương