Thủ tướng Canada thăm Trung Quốc: Mục tiêu chưa đạt

Theo Ngọc Khánh/daibieunhandan.vn

Đến thăm Trung Quốc 4 ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã phải ra về với bàn tay trắng. Mục tiêu chính của chuyến công du là khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Canada - Trung Quốc đã không đạt được do hai bên tồn tại quá nhiều bất đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chưa thể khởi động đàm phán FTA

Trở lại Bắc Kinh lần thứ hai trên cương vị Thủ tướng Canada, ưu tiên hàng đầu của ông Trudeau là tìm kiếm sự nhất trí của các nhà lãnh đạo Trung Quốc để hai bên khởi động chính thức các vòng đàm phán FTA song phương.

Trong bối cảnh đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) chững lại và có nguy cơ bị hủy bỏ trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa bảo hộ tại Mỹ, xúc tiến đàm phàn FTA với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở thành trọng tâm mới trong chính sách đối ngoại của Canada.

Khởi động đàm phán FTA giữa Canada - Trung Quốc đã trở thành chủ đề bao trùm của tất cả các cuộc hội đàm, tiếp xúc giữa ông Trudeau và các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh, cũng như cuộc dự và phát biểu của nhà lãnh đạo Canada tại Diễn đàn Thịnh vượng toàn cầu (Fortune Global Forum) tổ chức ở thành phố Quảng Châu, với sự tham dự của những doanh nhân quyền lực nhất thế giới.

Tuy nhiên, tại cuộc hội đàm giữa ông Trudeau và người đồng cấp nước chủ nhà Lý Khắc Cường ngày 4/12, hai nhà lãnh đạo đã không đề ra được khuôn khổ làm việc nhằm khởi động các cuộc đàm phán FTA. Tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 5/12, mặc dù vấn đề này một lần nữa được đề cập và nhận được sự ủng hộ chừng mực, nhưng vẫn không gặt hái được bước tiến cụ thể nào.

Khác biệt về ưu tiên

Các nhà bình luận cho rằng, nguyên nhân chính khiến nỗ lực xúc tiến đàm phán FTA của Thủ tướng Canada trong chuyến thăm Trung Quốc thất bại là vì ông Trudeau đã quá lạc quan về triển vọng khởi động đàm phán thương mại giữa hai bên.

Trên thực tế, ý tưởng Canada sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong Nhóm các nước phát triển (G7) xúc tiến FTA với Trung Quốc cũng vấp phải phản đối gay gắt từ chính dư luận trong nước. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, phần lớn người dân và doanh nghiệp Canada lo ngại mặt trái của FTA với Trung Quốc, nhất là trong bảo vệ các giá trị cơ bản và lợi ích quốc gia.

Dưới góc độ của các chuyên gia, thất bại trên xuất phát từ sự khác biệt trong ưu tiên của mỗi nước và chương trình nghị sự mà Thủ tướng Trudeau đặt ra trong chuyến thăm Trung Quốc không phù hợp với Bắc Kinh.

Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Canada đã tái khẳng định sự cần thiết của thỏa thuận thương mại tự do tiến bộ, trong đó, các vấn đề liên quan đến quyền con người, điều kiện bảo vệ quyền lợi cơ bản của người lao động, các tiêu chuẩn lao động, hay những quy định liên quan đến môi trường và quyền lợi giới… cần phải được chú trọng.

Charles Burton, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Brock cho rằng, Chính phủ Trung Quốc không sẵn sàng đưa ra nguyên tắc liên kết các yếu tố phi kinh tế với hiệp định thương mại Bắc Kinh - Ottawa. Những vấn đề ông Trudeau nêu ra trong chương trình nghị sự lại chính là những vấn đề hai nước chưa đồng thuận và nhiều khả năng sẽ tiếp tục cản trở quá trình đàm phán FTA song phương thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh trước khi lên đường về nước, Thủ tướng Canada cũng thừa nhận những khó khăn trong xúc tiến đàm phán FTA song phương với Trung Quốc khi hai nước không chia sẻ chung cam kết đối với những ý tưởng tiến bộ, dân chủ.

Ông Trudeau cho biết, lãnh đạo hai nước đã nhất trí tiếp tục giai đoạn thăm dò khả năng khởi động đàm phán FTA song phương; đồng thời bày tỏ hy vọng, Canada và Trung Quốc có thể sớm xúc tiến thỏa thuận thương mại đầy đủ, mang lại lợi ích cho nhân dân ở cả hai nước trong tương lai.

Mặc dù không đạt được mục đích chính, song trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Trudeau, hai bên cũng đã đạt được một số thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, thảo luận nhằm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các nhà sản xuất gạo Canada và thúc đẩy du lịch hai chiều.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định, quan hệ song phương đang đi vào “giai đoạn vàng”. Hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương và trong những vấn đề cùng quan tâm ở khu vực và trên thế giới.