Cơ hội hợp tác thương mại Việt Nam - EU
Doanh nghiệp Việt Nam khi muốn xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) phải tuân thủ quy định chung của EU cũng như yêu cầu riêng của các thị trường thành viên. Việc tiếp cận thị trường này đối với các doanh nghiệp Việt Nam là không dễ dàng.
Doanh nghiệp phải tự thay đổi
Tại Hội thảo Thị trường EU - Cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong bối cảnh mớidiễn ra sáng 5/12, Phó Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Quyền Anh Ngọc nhận định, EU là thị trường tiềm năng đối với Việt Nam, quan hệ thương mại giữa hai bên đang ngày càng phát triển và có nhiều chuyển biến tích cực. Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - EU (EVFTA) cam kết xóa bỏ 99% số dòng thuế trong vòng 7 năm với EU và 10 năm đối với Việt Nam.
Về những dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau những hạn ngạch thuế quan, cắt giảm thuế quan một phần hoặc thời gian xóa bỏ thuế quan dài hơn. Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư hiện đại, cải cách cũng mở ra nhiều cơ hội đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, song hành với cơ hội là vô vàn thách thức.
Ông cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế trong năng lực cạnh tranh, khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Thiếu thông tin nghiên cứu, phân tích và dự báo về các thị trường, thiếu vốn và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật thông minh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và kiểm soát dịch bệnh.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) Trần Ngọc Quân đồng tình với quan điểm trên, ông cho rằng EU là một trong những thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khắt khe với mục đích bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mở cửa thị trường nhưng chúng ta lại phải đối mặt với các điều khoản về TPP, môi trường, những điều khoản đã có hoặc không được đề cập trong Hiệp định.
Do đó, các doanh nghiệp cần đáp ứng tốt yêu cầu tiếp cận thị trường, nhất là khi FTA có hiệu lực cao. Nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng hóa của Việt Nam có nguy cơ rất lớn sẽ không vào được EU dù có lợi thế FTA.
Chú ý đặc biệt với ngành thủy sản và đồ gỗ…
Trong tháng 10 vừa qua, Ủy ban châu Âu chính thức rút “thẻ vàng” cảnh cáo đối với hải sản khai thác trên biển của Việt Nam do vi phạm quy định về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Việt Nam chỉ còn 6 tháng để thay đổi nhằm tránh cảnh báo vàng với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam. Nếu không, Việt Nam rất có thể phải chịu mức cảnh báo cao nhất là “thẻ đỏ”, bị cấm xuất khẩu thủy hải sản sang EU.
Phó Vụ trưởng Trần Ngọc Quân nhấn mạnh, EU rất quan tâm đến việc phát triển bền vững sinh thái biển, việc Việt Nam bị phát “thẻ vàng” là do EU nghiên cứu các quyền của ngư dân đã đánh bắt trái phép khi vượt qua hải phận của Việt Nam và hải phận của các nước khác. Lý do còn lại là do ngư dân đi đánh bắt không có sổ theo dõi. Điều này không kiểm soát được việc họ đánh bắt có bảo đảm duy trì sinh thái không.
Ông Quân cho biết, chính phủ ban hành rất nhiều chính sách để giải quyết vấn đề này nhưng khó thay đổi do ý thức của ngư dân bởi họ vốn chỉ quan tâm đến sinh kế, lợi nhuận. Tuy nhiên ông cho rằng, việc thu mua của doanh nghiệp sẽ tác động lên hành vi đánh bắt của ngư dân, nếu các doanh nghiệp kiên quyết không thu mua hải sản từ ngư dân vi phạm thì có thể thay đổi được tình hình.
Đối với mặt hàng gỗ ông Trần Ngọc Quân cũng lưu ý, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ, chứng từ đầy đủ toàn bộ chuỗi cung ứng. Việc khai thác và chế biến gỗ sẽ phải thực hiện theo quy trình quản lý nguồn gỗ để bảo đảm xuất khẩu gỗ hợp pháp vào EU.
Đối với Hiệp định EVFTA, mặc dù hướng tới xóa bỏ thuế nhập khẩu lên đến gần 100% biểu thuế và kim ngạch thương mại của hai bên, nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa có hiểu biết đầy đủ về vấn đề xuất xứ. Mặt khác, một số quy tắc xuất xứ trong FTA còn chặt mà doanh nghiệp chưa đáp ứng được.
Chính vì vậy, ông Quân cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và xây dựng kế hoạch trong việc điều chỉnh chuỗi cung ứng, các nguyên vật liệu đầu vào để bảo đảm đáp ứng các quy tắc xuất xứ, qua đó mới có thể thực sự tận dụng được thuế suất ưu đãi khi EVFTA có hiệu lực.