Trọng “cung” hay trọng “tiền”

Theo cafef.vn

(Tài chính) Xu hướng nới lỏng tiền tệ đang thịnh hành trên khắp thế giới để phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng. Mặc dù có hiệu quả, chính sách như vậy không mang đến sự phục hồi vững chắc trong tăng trưởng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
“Trực thăng rải tiền” và “Bẫy thanh khoản”

Ngược dòng lịch sử có thể thấy, liều thuốc giải cho căn bệnh giảm phát theo Milton Friedman (1912-2006) là chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Ông từng viết về giải pháp trên bằng một hình ảnh - giống như việc rải tiền từ một chiếc máy bay xuống nền kinh tế đang chìm trong giảm phát.

Trên thực tế, xu hướng nới lỏng tiền tệ đang thịnh hành trên khắp thế giới để phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng. Không phủ nhận hiệu quả của nới lỏng tiền tệ quy mô lớn, nhưng rõ ràng một chính sách như vậy không mang đến sự phục hồi vững chắc trong tăng trưởng. Nhiều tiền được bơm vào nền kinh tế nhưng chìa khóa quyết định thành công lại nằm ở chỗ nền kinh tế thực có hấp thụ hết lượng tiền đó hay không.

Các công cụ dẫn suất không hiệu quả có nguy cơ khiến tiền chảy vào khu vực phi sản xuất như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản... đã từng dẫn đến nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế trong lịch sử mà cả thế giới đã có một bài học đắt giá 5 năm về trước.

Khác với trường phái trọng tiền của Friedman, nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes (1883-1946) là người theo trường phái trọng cầu, đã được kiểm chứng và nở rộ thành nhiều khuynh hướng khác nhau. Theo Keynes, cần một tỷ lệ lạm phát vừa đủ để ''bôi trơn" nền kinh tế. Tuy nhiên, Keynes cho rằng nếu tỷ lệ lạm phát giảm quá mức, nền kinh tế sẽ rơi vào tình huống đặc biệt mà Keynes gọi đó là hiện tượng "Bẫy thanh khoản".

Về mặt lý thuyết, nếu rơi vào bẫy thanh khoản, cầu tiêu dùng sẽ trở nên yếu do lãi suất ở mức quá thấp, khiến cho người tiêu dùng không muốn gửi tiền vào ngân hàng, cũng không muốn chi tiêu vì biết chắc món hàng mua hôm nay sẽ giảm giá vào ngày mai.

Hiện tượng này là một biểu hiện của sự dư thừa thanh khoản, kết hợp cùng yếu tố cầu tiêu dùng yếu sẽ tạo nên hiệu ứng tăng đầu tư vào các tài sản phi sản xuất (như cổ phiếu, bất động sản) và tác động ngược lại đối với máy móc sản xuất. Tình trạng đình đốn xảy ra do động lực sản xuất bị triệt tiêu đáng kể cùng với cầu tiêu dùng thấp. Nói đơn giản, sản xuất sẽ khó tìm được đầu ra hơn.

Keynes đề xuất cần phải kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản xuất tương ứng. Để giải quyết khó khăn trong thời kỳ giảm phát và đình đốn, Keynes nhấn mạnh vai trò của chính sách tài khóa để kích cầu tiêu dùng, ưu đãi khu vực sản xuất. Giải pháp này của Keneys bổ sung cho khuyết điểm trong tư tưởng của Friedman, khi chú trọng hơn vào nền kinh tế thực.

Hơn nữa nếu được thực hiện thành công, tăng trưởng trong trung và dài hạn là điều khả thi hơn và bền vững hơn hẳn liệu pháp in tiền của Friedman, bởi tiền dẫu có quyền năng thì chẳng qua cũng chỉ là công cụ tồn tại chủ yếu dựa trên niềm tin của người dân vào cơ quan phát hành tiền.

Chủ nhân Nobel Kinh tế năm 2008 Paul Krugman cho rằng, kinh tế Nhật Bản sở dĩ trải qua thập kỷ mất mát chính là vì mắc vào tình trạng bẫy thanh khoản. Để cứu nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái do bong bóng bất động sản vỡ đầu thập niên 1990, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã nhiều lần hạ lãi suất và chần chừ nâng lãi suất, để rồi đi tới thực hiện chính sách lãi suất 0%.

Đầu tư tư nhân của Nhật Bản rơi vào tình trạng trì trệ suốt nhiều năm và kinh tế Nhật Bản cũng trì trệ kéo dài cả thập kỷ.

Tuy nhiên, giải pháp của Keynes cũng tồn tại những rào cản, lấy Eurozone làm ví dụ: Một mặt, ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU), một chính sách kích thích kinh tế được thay thế cho thắt lưng buộc bụng sẽ đặt rủi ro lớn cho các khoản nợ công tại các nước Eurozone. Mặt khác, trong một nền kinh tế mở, tất cả biện pháp kích cầu tiêu dùng đều đứng trước nguy cơ dẫn đến sự xuất hiện hoặc trầm trọng thêm thâm hụt thương mại. Như vậy, Eurozone có thể sẽ phải cần một giải pháp dung hòa của cả hai luồng tư tưởng trên.

Chiến lược chung cho tất cả

Chính sách kích cầu có thể hướng tới việc tăng cường đầu tư công cụ sản xuất. Chính phủ có thể quyết định đầu tư công hướng đến mục tiêu này, bằng cách giảm thuế cho doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng suất. Tuy nhiên, hiệu quả của một chính sách như vậy chỉ có thể đến trong trung và dài hạn.

Trong khoảng thời gian đầu tiên, chính sách kích thích như trên có thể sẽ vấp phải một số ràng buộc bên ngoài. Do vậy, đó phải là chính sách vừa mang tầm quốc gia, vừa phải được thực hiện ở cấp độ các quốc gia Eurozone.

Keynes cho rằng, các nước chịu thâm hụt thương mại và các nước có thặng dư lớn đều phải chịu áp lực. Những luật lệ mới đây tại châu Âu, chẳng hạn như "gói sáu" (six-pack) trong tương lai có thể bắt buộc các quốc gia không được có tỷ lệ thặng dư cán cân thương mại vượt quá 3% GDP.

Song song với việc tái cân bằng chính sách quốc gia, một chiến lược chung sẽ cần được thực thi. Những quốc gia Eurozone phải chấp nhận một quy tắc cân bằng ngân sách, để đổi lại việc hình thành một ngân sách chung cho đầu tư hoạt động sản xuất trong các nước thành viên.

Ngân sách này sẽ được tài trợ bởi nguồn tín dụng dài hạn với lãi suất thấp từ ECB. Và sẽ hoàn trả lại khi tốc độ tăng trưởng của khu vực Eurozone vượt qua một mức nhất định và thu ngân sách chính phủ cũng tăng theo.

Điều quan trọng là phải phù hợp với kế hoạch ngân sách của EU mà những kế hoạch này thường bị đặt dưới sự kiểm soát chính trị, hoặc của Nghị viện châu Âu hoặc các Bộ trưởng Tài chính các quốc gia thành viên. Như vậy thì kế hoạch nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế sẽ lại vấp phải nhiều rào cản về mặt chính trị hơn là về kinh tế.

Và bên cạnh một chiến lược dung hòa từ hai luồng tư tưởng của Keneys và Friedman, điều Eurozone cần còn là một quyết tâm chính trị dựa trên sự thống nhất giữa các chính phủ quốc gia thành viên.

Đối với những người theo thuyết cực đoan của Keynes và Friedman, dường như không có vùng trời chung. Tuy nhiên, hình thành theo thời gian người ta còn chúng kiến sự xuất hiện của trường phái Keynes ôn hòa với một sự thoả hiệp nhất định giữa hai trường phái, hay nói một cách hình ảnh thì hai con đường song song cuối cùng cũng phải cắt nhau ở một nơi nào đó.

Vì vậy, các nhà điều hành tại châu Âu nên bỏ qua những quan điểm kinh tế cực đoan của họ để miễn sao, giảm phát sẽ không thành hình trong hiện thực của liên minh tiền tệ duy nhất trên thế giới.