Trung Quốc “mạnh tay” giải cứu thị trường bất động sản


Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) Trung Quốc ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, chính phủ nước này đã liên tục “ra tay” giải cứu thị trường này.

Sau hơn 3 thập kỷ phát triển bùng nổ nhờ mô hình kinh doanh dựa vào tín dụng lãi suất thấp và nhu cầu nhà ở tăng cao, Evergrande - tập đoàn địa ốc lớn thứ 2 Trung Quốc đã vỡ nợ với khối nợ hơn 300 tỷ USD từ giữa năm 2021, tạo ra hiệu ứng domino cho toàn thị trường BĐS Trung Quốc. Ngay cả Tập đoàn BĐS lớn nhất Trung Quốc Country Garden Holdings đã báo cáo lợi nhuận giảm tới 96% trong nửa đầu năm 2022 do khủng hoảng BĐS của nước này…

Trong nhiều năm qua, nhiều người dân đã đặt mua các căn hộ được hình thành trong tương lai, nhờ vậy các nhà phát triển BĐS có thể sử dụng nguồn tiền này để hoàn thiện các dự án. Tuy nhiên, với hoàn cảnh của thị trường BĐS Trung Quốc hiện tại thì nhiều người lo ngại các chủ đầu tư sẽ sụp đổ trước khi hoàn thiện dự án. Do đó, họ đang từ chối thanh toán các khoản tiền theo tiến độ dự án, khiến các chủ đầu tư bị thiếu hụt dòng tiền để triển khai dự án.

Trước tình hình như vậy, Trung Quốc đang cố gắng giải cứu thị trường BĐS bằng cách áp dụng những chính sách đã mang lại thành công trong quá khứ, như hạ lãi suất và tăng chi tiêu công. Nhưng các biện pháp này hiện bị cho là chưa đủ. 

Ngoài việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu công, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã tung ra gói hỗ trợ trị giá gần 150 tỷ USD dành riêng cho các doanh nghiệp BĐS để giúp họ có điều kiện hoàn thiện các dự án.

Đặc biệt mới đây, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ bơm 200 tỷ NDT (29 tỷ USD) nhằm đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các dự án nhà ở còn dang dở. Theo đó, đối tượng vay vốn sẽ bao gồm chính quyền các địa phương, và các khoản vay đặc biệt sẽ được ghi nhận là nợ địa phương.

Về nguyên tắc, các khoản vay nay không quá ba năm. Trong hai năm đầu, lãi suất sau trợ cấp sẽ là 2,8% và trong năm thứ ba tăng lên 3,2%. Nếu các khoản vay không được tất toán sau 3 năm, lãi suất sẽ tăng lên gấp đôi là 6,4%.

Nguồn vốn theo gói hỗ trợ mới này sẽ bị hạn chế trong khâu xây dựng và bàn giao các dự án nhà ở đã được bán trước đó, nhưng chưa thể hoàn thành do chủ đầu tư gặp khó khăn về mặt tài chính.

Chính quyền các địa phương sẽ đánh giá từng dự án, tài sản và các nghĩa vụ tài chính của mỗi chủ đầu tư trước khi giải ngân khoản vay này.

Ông Brad Setser, Chuyên gia cấp cao về kinh tế quốc tế thuộc Hội đồng Đối ngoại ở Washington, nhận định Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục không giải cứu tất cả các doanh nghiệp BĐS để cảnh báo cho các nhà phát triển BĐS yếu kém, làm ăn “chộp giật”. Tuy nhiên, chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ không thể cho phép tất cả các nhà phát triển BĐS lớn đồng loạt phá sản. Bởi điều đó sẽ đe dọa sự ổn định xã hội và chính trị.

Còn nhớ vào năm 2009, nền kinh tế Trung Quốc đã chuyển hướng từ đẩy mạnh xuất khẩu sang đẩy mạnh đầu tư BĐS trong nước để giảm thiểu tác động toàn cầu từ cuộc khủng hoảng nhà ở tại Mỹ vì hệ thống tài chính của Trung Quốc đủ mạnh để hỗ trợ sự chuyển dịch này. Hơn nữa, Trung Quốc cần thêm nhà ở và cơ sở hạ tầng hiện đại.

Ngày nay, Trung Quốc không thể đảo ngược xu hướng đó để quay trở lại đẩy mạnh xuất khẩu mà không bị gián đoạn đáng kể, một phần vì tỷ trọng của nước này trong nền kinh tế toàn cầu đã tăng gần gấp ba lần trong những năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

“Vấn đề chính hiện nay đối với Trung Quốc là cần tiếp tục đẩy mạnh làm lành mạnh hóa thị trường BĐS, nhằm đảm bảo phát triển bền vững thị trường này. Nếu không, khủng hoảng BĐS sẽ kéo theo cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng ở quốc gia này”, ông Brad Setser cảnh báo.

Theo Nhi Nguyễn/diendandoanhnghiep.vn