Trung Quốc tiếp tục tham vọng quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Hỗ trợ Hồng Kông phát triển như một trung tâm giao dịch NDT và theo đuổi dự trữ ngoại hối đa dạng hơn, là những ưu tiên của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc năm 2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết, Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trên phạm vi quốc tế, bằng cách hỗ trợ nhiều hơn cho Hồng Kông như một trung tâm giao dịch nước ngoài vào năm tới, đồng thời đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối của mình.

Theo đó, nỗ lực hỗ trợ Hồng Kông trở thành trung tâm giao dịch NDT, nằm trong số các ưu tiên năm 2022 của PBoC, được nêu tại một Hội nghị thường niên và đánh dấu sự thay đổi quan điểm so với thông điệp “ổn định và thận trọng” về kinh tế trong kế hoạch 5 năm của đất nước.

Thông báo cách đây ít ngày được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách quản lý khả năng ảnh hưởng từ việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất và thúc đẩy đầu tư trên khắp các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.

“Chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ việc xây dựng Hồng Kông như một trung tâm Nhân dân tệ ở nước ngoài và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các trung tâm ngoài khơi”, PBoC nhấn mạnh.

Mối liên hệ kinh tế chặt chẽ của Hồng Kông với đại lục bao gồm các chương trình kết nối quản lý tài sản, trái phiếu và cổ phiếu, mang lại lợi thế cho Hồng Kông so với các trung tâm giao dịch Nhân dân tệ ở nước ngoài như Singapore và London.

PBoC không nói rõ về chính sách hỗ trợ mà khu vực hành chính đặc biệt sẽ nhận được, nhưng tiềm năng rất lớn cho việc phát hành các sản phẩm tài chính bằng đồng NDT, thanh toán thương mại và sử dụng đồng NDT kỹ thuật số.

Zhou Xiaochuan, cựu Thống đốc PBoC đã nói rằng, Trung Quốc nên xem xét lại việc thành lập một Hội đồng quốc tế ở Thượng Hải, nơi được định vị là trung tâm tài sản đồng Nhân dân tệ toàn cầu.

“Hiện nay, nhiều công ty ở các quốc gia vành đai và con đường gặp khó khăn trong việc góp vốn cổ phần hoặc trái phiếu. Do đó, Trung Quốc nên bắt đầu từ việc này và cho phép các công ty nước ngoài đủ điều kiện huy động vốn từ thị trường chứng khoán Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó sẽ đòi hỏi khả năng chuyển đổi tài khoản vốn ở mức cao hơn để tạo điều kiện cho các dòng tiền vào ra ồ ạt”, ông nói thêm.

Trong năm nay, Bộ Tài chính Trung Quốc đã phát hành 20 tỷ NDT trái phiếu trong ba đợt tại Hồng Kông, trong khi PBoC đã bán 5 tỷ NDT tín phiếu ngân hàng trung ương cho các nhà đầu tư quốc tế vào tuần trước.

Có thể thấy, Bắc Kinh đã bắt đầu kế hoạch quốc tế hóa đồng NDT vào năm 2009 với hy vọng phá vỡ quyền bá chủ của đồng USD, nhưng mục tiêu này chỉ trở nên quan trọng hơn kể từ năm 2018, trong bối cảnh lo ngại Mỹ có thể thắt chặt quyền tiếp cận hệ thống tài chính do Mỹ chi phối. Tuy nhiên, việc sử dụng đồng NDT trên phạm vi quốc tế đang có tiến triển chậm, do nó vẫn kém xa so với USD về thanh toán quốc tế, tiền dự trữ và giao dịch ngoại hối. Theo SWIFT, đồng NDT chiếm 2,14% tổng thanh toán toàn cầu trong tháng 11, đứng thứ 5 so với 40,39% của đôgf Đô la Mỹ và 33,52% của đồng Euro.

Tại hội nghị thường niên, PBoC cũng vạch ra kế hoạch đầu tư đa dạng hơn vào dự trữ ngoại hối khoảng 3,2 nghìn tỷ USD, bao gồm 1,06 nghìn tỷ USD tín phiếu kho bạc Mỹ. Đồng thời tuyên bố sẽ tăng độ co giãn của tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ, để hấp thụ các cú sốc tiềm ẩn từ bên ngoài và cam kết mở cửa tài chính nhiều hơn. Các công ty đa quốc gia sẽ có thể mở rộng tỷ lệ nắm giữ NDT của họ để trao đổi dễ dàng hơn, trong khi Bắc Kinh sẽ xem xét một chương trình thử nghiệm, để cho phép các quỹ đầu tư tư nhân đầu tư ra nước ngoài.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý cho biết, họ vẫn cảnh giác cao độ đối với các cú sốc bên ngoài. “Chúng tôi sẽ tăng cường giám sát và quản lý bảo mật vĩ mô đối với thị trường ngoại hối. Đặc biệt chú ý là các nhà xuất khẩu vừa và nhỏ, những nhà xuất khẩu cần được hướng dẫn trong việc quản lý rủi ro tỷ giá hối đoái.”

Mặt khác, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình thử nghiệm đối với đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, mà họ hy vọng sẽ thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền này ở nước ngoài.

Còn về phía các ngân hàng thương mại, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc bơm tiền ngắn hạn vào hệ thống ngân hàng lên mức cao nhất trong hai tháng, do nhu cầu thanh khoản tăng cao dịp cuối năm.

Zhaopeng Xing, chiến lược gia cấp cao tại Australia & New Zealand Banking cho biết, việc bơm nhiều tiền sẽ giúp giảm bớt áp lực thanh khoản. Đó là cần thiết để giúp các tổ chức tài chính hoạt động suôn sẻ vào cuối năm.

Thực tế, các điều kiện thanh khoản ở Trung Quốc có xu hướng thắt chặt vào cuối năm do các ngân hàng tích trữ tiền mặt, để chuẩn bị cho các cuộc kiểm tra theo quy định. PBoC đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào đầu tháng này trong nỗ lực giữ cho nguồn cung tiền mặt dồi dào và hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của quốc gia khỏi đại dịch. Trong cuộc họp hàng quý, PBoC cũng cam kết sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ một cách chủ động hơn để hỗ trợ tăng trưởng.

Peiqian Liu, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại NatWest Markets cho biết: “Việc bơm ròng có thể sẽ tiếp tục trong tuần này. Với luận điệu của PBOC vào tháng 12 nghiêng về phía ôn hòa, báo hiệu những lo ngại của Bắc Kinh về triển vọng tăng trưởng ngắn hạn, Trung Quốc nên sẵn sàng sử dụng các công cụ nới lỏng trên diện rộng để hỗ trợ nền kinh tế”.