Trung Quốc bất ngờ thay đổi mục đích sử dụng Nhân dân tệ kỹ thuật số
Lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ đưa ra những quan điểm về việc phát triển đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, hoàn toàn trái với các tham vọng trước đó mà nước này đang thực hiện.
Quan điểm xoa dịu
Mới đây, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), Chu Tiểu Xuyên đã nói rằng, tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) sẽ được sử dụng tại địa phương thay vì sử dụng toàn cầu ngay sau khi đồng tiền này được công khai. Theo đó, việc quốc tế sử dụng CBDC của Trung Quốc sẽ dẫn đến các vấn đề toàn cầu và ảnh hưởng đến tính độc lập của chính sách tiền tệ.
“Tài chính là để phục vụ nền kinh tế thực. Cho dù đó là tiền kỹ thuật số hay tài sản kỹ thuật số, nó cần được tích hợp chặt chẽ với nền kinh tế thực và phục vụ nền kinh tế thực”, Chu Tiểu Xuyên khẳng định.
Trong thời gian qua, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số đã được thử nghiệm trên các vùng khác nhau của Trung Quốc. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn chưa đưa ra ngày chính xác sẽ ra mắt đồng tiền này.
Ông Li Bo - Phó Thống đốc PBoC cũng nói về việc CBDC đang được Trung Quốc thử nghiệm, bao gồm việc trở thành một phương tiện thanh toán cho người dùng trong và ngoài nước tại Thế vận hội mùa đông dự kiến diễn ra vào năm 2022 ở Bắc Kinh.
PBoC sẽ tập trung chủ yếu vào việc sử dụng trong nước trước và có thể xem xét các giao dịch và thanh toán xuyên biên giới chỉ là kế hoạch "trong dài hạn".
Đồng thời, Li Bo đưa ra quan điểm công nhận những lợi ích của tiền điện tử như một công cụ đầu tư và nhấn mạnh sự không chắc chắn về quy định trong nước xung quanh tài sản kỹ thuật số.
Cụ thể, vẫn có những rủi ro về quy định đối với Ngân hàng Trung ương, với lý do lệnh cấm trước đây của họ đối với việc cung cấp tiền xu ban đầu và trao đổi tiền điện tử. PBoC sẽ vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp và thử nghiệm thực tiễn hiện tại cho đến khi khám phá bất kỳ thay đổi tiềm năng nào về quy định, nhưng dường như PBoC cũng đã nhận ra tiềm năng đầu tư của tiền điện tử là rất lớn.
"Chúng tôi tin rằng Bitcoin và Stablecoin là tài sản được mã hóa. Tài sản mã hóa là một lựa chọn đầu tư, không phải đơn thuần chỉ là tiền tệ. Do đó, chúng tôi tin rằng tài sản tiền điện tử nên đóng một vai trò quan trọng trong tương lai, như một công cụ đầu tư hoặc một hình thức đầu tư thay thế ”, Phó Thống đốc PBoC nói.
Ngoài ra, các stablecoin do các công ty tư nhân phát hành có thể cần các quy tắc quản lý mạnh hơn so với Bitcoin. Trong tương lai, nếu bất kỳ stablecoin nào hy vọng trở thành một công cụ thanh toán được sử dụng rộng rãi, nó phải chịu sự giám sát chặt chẽ, giống như các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính bán ngân hàng phải chịu sự giám sát chặt chẽ.
Dường như, vị Phó Thống đốc PBoC đang có quan điểm mạnh mẽ hơn để Ngân hàng Trung ương nước này công nhận tiền điện tử như một kho lưu trữ giá trị.
Trong một diễn biến khác, Li Bo còn cho biết, Chính phủ nước này không nhắm đến mục tiêu "thay thế đồng đô la Mỹ" hay bất kỳ loại tiền tệ nào khác. Ông khẳng định, CBDC được thiết kế để “tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư” và mong muốn thị trường “chọn” cách tốt nhất để làm như vậy.
Theo báo cáo của Dovey Wan, đối tác sáng lập tại Primitive Crypto, tiền tệ kỹ thuật số và thanh toán điện tử (DCEP) đang được thử nghiệm ở tỉnh Thâm Quyến và nhiều nơi. Một số hoạt động thanh toán của Thành phố này và hoạt động kinh tế công cộng sẽ được thông qua đầu tiên, sau đó là thông qua các thương gia.
"Trung Quốc thực sự giỏi trong việc triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ mới, ở quy mô lớn, nên không có gì là lạ đối với sự phát triển của Nhân dân tệ kỹ thuật số", chuyên gia nói.
Nhân dân tệ kỹ thuật số bị đánh giá thấp
CBDC đã tiếp tục thu hút sự chú ý của các cường quốc trên thế giới, với Ngân hàng Trung ương Châu Âu, ECB và Hoa Kỳ không ngừng bàn tán về đồng tiền này.
Chủ tịch ECB, Christine Lagarde, luôn bày tỏ sự quan tâm đến chủ đề này và cho biết vào một thời điểm nào đó, châu Âu sẽ ra mắt CBDC của riêng mình. Tuy nhiên, bà nói rằng quá trình này có thể mất khoảng 4 năm. Hoa Kỳ cũng đã không ngừng trao đổi về CBDC và Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đưa ra các bình luận tại các diễn đàn khác nhau.
Tuy nhiên, Kazushige Kamiyama, người đứng đầu bộ phận hệ thống thanh toán của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho biết, vị thế của đồng đô la Mỹ là tiền tệ toàn cầu sẽ không thay đổi dễ dàng như vậy. “Trên thực tế, lợi thế của đồng đô la Mỹ có thể tăng cường hơn nữa nếu Hoa Kỳ đi theo hướng số hóa”, Kazushige Kamiyama nói.
Một báo cáo mới đây cho thấy, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tăng cường giám sát tiến độ của Trung Quốc đối với đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, trong bối cảnh lo ngại nước này có thể khởi động một nỗ lực dài hạn để thay thế đồng bạc xanh.
Các quan chức tại Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia được cho là không bối rối trước những tác động ngắn hạn đến đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, hoặc hệ thống thanh toán điện tử bằng tiền kỹ thuật số (DCEP) của Trung Quốc, có thể ảnh hưởng đến đồng đô la Mỹ.
Nhưng những thách thức đối với tình trạng tiền tệ dự trữ toàn cầu của Hoa Kỳ trong dài hạn là một mối quan tâm lớn. Các quan chức đã bắt đầu tăng cường nỗ lực của họ để tìm hiểu cách thức phân phối đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số và liệu nó có hoạt động xung quanh các lệnh trừng phạt thương mại hay không.
Shen Jianguang - Nhà kinh tế trưởng tại JD.com Inc. đưa ra quan điểm, mặc dù việc số hóa đồng Nhân dân tệ có thể mang lại lợi ích cho các giao dịch xuyên biên giới, nhưng yếu tố quan trọng trong việc xác định vai trò toàn cầu của đồng tiền này là liệu Trung Quốc có nới lỏng kiểm soát vốn của mình hay không? Để có đồng tiền dự trữ toàn cầu, điều đầu tiên là phải cho phép người nước ngoài nắm giữ, sử dụng nó.
“Trung Quốc cũng sẽ cần cho phép công dân của mình mua nhiều tài sản nước ngoài hơn, phát triển hơn nữa thị trường tài chính và cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn để thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ”, Shen giải thích.
Trung Quốc đã chứng kiến dòng vốn đổ vào thị trường tài chính của mình kể từ năm ngoái, thúc đẩy lượng Nhân dân tệ giao dịch trên toàn cầu. Dù vậy, trong bối cảnh thị trường rộng lớn, tỷ lệ sở hữu của người nước ngoài đối với cổ phiếu và trái phiếu trong nước vẫn ở mức tương đối thấp, lần lượt là khoảng 5% và 3%. Tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ trong thanh toán toàn cầu và dự trữ Ngân hàng Trung ương vẫn chỉ khoảng 2%.