Tài chính tiêu dùng cần chủ động cơ cấu hoạt động
Trong thời điểm dịch Covid 19 đang diễn ra thì VietCredit vẫn rất “bận rộn” với nhiều chương trình kinh doanh được triển khai. Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit thừa nhận, dịch có tác động không nhỏ, nhưng quan trọng là cách nhìn vấn đề và sự chuẩn bị ứng phó cho các tình huống thế nào. Lo ngại không giải quyết được nhiều điều bởi ngành tài chính tiêu dùng năm 2020 vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
PV: Trước tình hình hiện tại, nhìn về thị trường tài chính tiêu dùng cho năm 2020, ông có nhận định gì?
Ông Hồ Minh Tâm: Thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam 2020 sẽ đi lên, tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, bỏ qua yếu tố tác động từ dịch Covid 19 hiện nay, tốc độ tăng trưởng của tài chính tiêu dùng sẽ chậm lại so với những năm trước với những chính sách, quy định mới.
Sau thời gian bùng nổ, việc ban hành chính sách đảm bảo cho các công ty tài chính quay lại hoạt động an toàn, bền vững hơn là cần thiết, tránh sự phát triển quá nóng, vượt ra khỏi khả năng quản lý của cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Ngoài Thông tư 188/2019/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN) quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính mới ban hành có nhiều quy định chặt chẽ hơn, giả sử giống như một số các quốc gia trong khu vực đang áp dụng trần lãi suất cho vay tiêu dùng với các công ty tài chính, ở góc độ là người cho vay, đây chắc là điều không mong muốn, và nếu áp dụng thì theo ông, trần lãi suất bao nhiêu là hợp lý?
Trước hết hãy phân tích tại sao lãi suất cho vay tiêu dùng tại Việt Nam cao hơn nhiều nước trên thế giới.
Theo phản xạ tự nhiên, chúng ta thường hay so sánh, nếu chỉ nhìn vào lãi suất cho vay thì đúng là ở Việt Nam khá cao. Nhưng nhìn một cách tổng thể, sự so sánh này sẽ có nhiều khập khiễng.
Ví dụ, đối với lãi suất huy động của các công ty tài chính ở các quốc gia khác thấp hơn Việt Nam, chỉ khoảng 3-4 hoặc 5%/năm, còn lãi suất của Việt Nam gấp đôi con số đấy, trong khi chi phí cấu thành lãi suất cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng Việt Nam cũng khác.
Bên cạnh đó, năng lực về vốn của các công ty tài chính tiêu dùng tại các quốc gia trong khu vực cũng lớn hơn Việt Nam, đồng thời các công ty tài chính trong nước không phải lúc nào cũng tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ từ nước ngoài vì rating (xếp hạng tín nhiệm) vẫn còn thấp.
Hiếm có công ty tài chính nào của Việt Nam được S&P hoặc Moody’s đánh giá ở mức A-, chứ chưa nói tới A+. Các quỹ hay các định chế tài chính trên thế giới khi cho vay thì phần lớn đều nhìn vào rating và lựa chọn kỹ lưỡng trước khi cho vay.
Do đó, nếu nói về việc trần lãi suất cho vay bao nhiêu là phù hợp sẽ rất khó để định lượng và phải nghiên cứu thận trọng để cân bằng được nhu cầu phát triển của công ty tài chính, đồng thời đảm bảo được mục tiêu giảm chi phí đi vay của khách hàng, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính tiêu dùng chính thống.
Tôi cho rằng, lãi suất nên để kinh tế thị trường tự thân điều chỉnh. Kinh nghiệm thành công ở một số quốc gia trong khu vực là nhà nước đưa ra các quy định chặt chẽ không cho phép các công ty tài chính cho vay dễ dãi (ví dụ, giới hạn 1 khách hàng chỉ được vay tại không quá 3 công ty tài chính).
Bằng chính sách này, các công ty tài chính sẽ phải tự điều chỉnh giảm lãi suất vay để khách hàng lựa chọn công ty có lãi suất vay thấp hơn.
Nói là như vậy, nhưng rõ ràng, lãi suất cao là điều không chỉ khách hàng, mà các công ty tài chính cũng không mong muốn, bởi lãi suất cao tức là rủi ro cao?
Làm thế nào để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng là thách thức lớn nhất với lĩnh vực tài chính tiêu dùng hiện nay.
Muốn hay không muốn thì thị trường tài chính tiêu dùng sẽ có sự điều tiết về mặt lãi suất, đưa về mức hợp lý hơn để người dân có thể vay tiêu dùng nhiều hơn mà không phải mang gánh nặng tài chính.
Có nhiều cách để hạ lãi suất cho vay, phụ thuộc vào yếu tố quan trọng là quy mô vận hành, hiệu suất lao động phải tốt.
Bởi chi phí cấu thành nên mức giá, mức lãi suất cho vay khách hàng đến từ chi phí nhân sự, chi phí hệ thống công nghệ thông tin, chi phí trích lập dự phòng và xử lý rủi ro.
Để giảm chi phí nhân sự, vận hành, cũng như để quản trị rủi ro tốt hơn thì lại phải quy về bài toán sử dụng nền tảng công nghệ như thế nào để hỗ trợ mô hình kinh doanh gọn nhẹ, hiệu quả có khả năng co giãn.
Khi tạo dựng đươc mô hình kinh doanh như vậy, chắc chắn giá thành sẽ giảm, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất thấp hơn.
Liệu có chăng vấn đề nhân sự ở ngành tài chính tiêu dùng dường như vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, ngay cả nhân sự cao cấp vẫn chưa có nhiều gương mặt tên tuổi?
Chúng ta có thể thấy cấp quản lý C-level là người Việt Nam ở các công ty tài chính không phải là nhiều, hầu hết các công ty tài chính hàng đầu đều phải thuê các chuyên gia nước ngoài điều hành quản lý.
Đó là bức tranh nguồn nhân lực hạn hẹp của Việt Nam nhìn thấy rõ và nhanh nhất.
Bên cạnh đó, lịch sử ngành tài chính tiêu dùng của Việt Nam mới chỉ phát triển trong khoảng 10 năm và trong khoảng thời gian ngắn như vậy, chắc chắn lực lượng nhân sự quản lý lĩnh vực này chưa thể đáp ứng kịp so với sự phát triển của thị trường.
Một câu chuyện khác được nhắc tới nhiều là công nghệ, phải có công nghệ mới giảm được chi phí cho vay. Được biết, VietCredit và Hitachi vừa ký thỏa thuận hợp tác triển khai thí điểm chương trình thử nghiệm mô hình đăng ký vay trực tuyến kết nối trực tiếp với tư vấn viên, đây sẽ là một xu hướng dịch vụ mới?
Tôi không kỳ vọng đây là một bước ngoặt gì lớn hay trở thành trào lưu, chúng tôi không đặt mục tiêu cao như vậy.
Công nghệ được đầu tư có mục tiêu rất rõ ràng là giải quyết bài toán về năng suất lao động, về tối ưu hoá chi phí vận hành, từ đó hướng tới mục tiêu biến công ty trở thành đơn vị có tổ chức gọn nhẹ, vận hành hiệu quả, quản trị rủi ro tốt, mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt, cung cấp cho khách hàng thông tin đầy đủ khi sử dụng sản phẩm của công ty.
Với tất cả những điều ấy hội tụ lại, chi phí đầu ra của công ty sẽ rẻ hơn và chúng tôi có cơ hội giảm lãi suất cho khách hàng, cũng như cơ hội cạnh tranh với các công ty tài chính khác sẽ được nâng cao.
VietCredit cũng không hướng tới chuyện thi thố các giải pháp kỹ thuật, mà bằng công nghệ này, chúng tôi mong muốn, khi khách hàng tiếp cận một khoản vay sẽ nhận được sự tư vấn chi tiết và đầy đủ đến mức tối đa có thể.
Đã có nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn khi khách hàng đăng ký vay liên quan tới việc do không hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình là gì.
Chúng tôi mong muốn đưa ra được giải pháp giúp khách hàng có sự tư vấn đầy đủ nhất về quyền lợi và nghĩa vụ trước khi quyết định ký hợp đồng.
Hơn thế nữa, cho dù là ngoài giờ làm việc, khách hàng hoàn toàn có thể đăng ký vay và nhận được kết quả thẩm định ngay lập tức, vậy nên, thiết bị công nghệ được đặt ngay trong nơi làm việc (trong công ty, khu công nghiệp, tòa nhà văn phòng…) để khách hàng có thể tiếp cận được dịch vụ một cách dễ dàng và thuận tiện.
Bằng việc cung cấp dịch vụ thuận tiện, bảo mật và an toàn thông qua công nghệ này, chúng tôi tin rằng, các giá trị đó sẽ góp phần nhất định trong việc giải quyết vấn đề “tín dụng đen”.