Tài chính toàn diện: Trọng tâm ưu tiên của thế giới và APEC

PV.

Tài chính toàn diện tiếp tục là chủ đề được ưu tiên thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC (FMM) lần thứ 24 và các hội nghị liên quan.

Tài chính toàn diện tiếp tục là chủ đề được ưu tiên thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC (FMM) lần thứ 24 và các hội nghị liên quan.
Tài chính toàn diện tiếp tục là chủ đề được ưu tiên thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC (FMM) lần thứ 24 và các hội nghị liên quan.

Các chương trình, sáng kiến tài chính toàn diện trên thế giới

Có nhiều định nghĩa khác nhau về tài chính toàn diện nhưng nhìn chung tài chính toàn diện là tất cả việc cung cấp các dịch vụ tài chính chính thức (thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm) một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và chi phí hợp lý tới tất cả người dân.

Tài chính toàn diện đã trở thành một vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu bởi nó gắn với mục tiêu phát triển hệ thống tài chính phục vụ cho tất cả các thành viên trong xã hội, cung cấp các dịch vụ phù hợp và thuận tiện với chi phí hợp lý cho mọi cá nhân và doanh nghiệp, qua đó góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, các tổ chức quốc tế lớn đều coi tài chính toàn diện là trọng tâm ưu tiên. Liên Hợp Quốc thông qua Quỹ Đầu tư Phát triển Liên hợp quốc (UNCDF) đã tập trung triển khai một loạt chương trình, sáng kiến như: Chương trình Xây dựng mô hình chuyển đổi tài chính toàn diện – SHIFT (Hỗ trợ các nước trong khu vực ASEAN giải quyết khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, đặc biệt hướng tới đối tượng là phụ nữ và doanh nghiệp vừa và nhỏ); Chương trình Tăng cường tiếp cận tài chính – MAP (Hỗ trợ cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ và vi mô mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính thông qua các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng lộ trình/kế hoạch hành động về tài chính toàn diện của mỗi quốc gia); Chương trình toàn cầu về Thanh toán không dùng tiền mặt – BTCA (Hỗ trợ các quốc gia thúc đẩy thanh toán điện tử trên phạm vi toàn quốc, giúp nhiều thành viên trong xã hội có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính – ngân hàng chính thống).

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2009, các nhà lãnh đạo G20 đã đưa ra tuyên bố đầu tiên về tài chính bao trùm và cam kết nâng cao tăng cường dịch vụ tài chính cho người nghèo. Tháng 6/2010, G20 đã đưa ra các nguyên tắc cho tài chính toàn diện và đây cũng là những trọng tâm của kế hoạch hành động Nhóm G20.

Các nguyên tắc cho tài chính toàn diện của G20 gồm: (i) Lãnh đạo: mở rộng cam kết của chính phủ các nước về tài chính toàn diện để giảm nghèo; (ii) Đa dạng hóa: thực thi các biện pháp chính sách để tăng cường cơ hội tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính phù hợp (tiết kiệm, tín dụng, thanh toán, chuyển tiền và bảo hiểm) và đa dạng hóa các hình thức cung cấp; (iii) Đổi mới: thúc đẩy đổi mới và cải tiến công nghệ và thể chế, tạo nên tảng để mở rộng khả năng tiếp cận và tham gia vào hệ thống tài chính; (iv) Bảo vệ: khuyến khích xây dựng khuôn khổ toàn diện để bảo vệ người tiều dùng…

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra tầm nhìn cho Chương trình tăng cường cơ hội tiếp cận Tài chính toàn cầu (UFA) tới năm 2020, trong đó tập trung hỗ trợ các quốc gia tăng cường cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính chính chính thống cho cá nhân thông qua tăng số lượng tài khoản giao dịch để tăng tỷ lệ gửi tiền và giao dịch qua tài khoản ngân hàng. Chương trình tập trung vào 25 quốc gia ưu tiên, trong đó có Việt Nam.

Liên minh Tài chính bao trùm (AFI) được thành lập từ năm 2008 do Quỹ Bill&Melinda Gates tài trợ là diễn đàn chuyên ngành về tài chính bao trùm, hoạt động phi lợi nhuận nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng và chất lượng dịch vụ tài chính phù hợp cho các đối tượng chưa được tiếp cận với dịch vụ/sản phẩm tài chính chính thống thông qua các chính sách hiệu quả hơn.

Tại ASEAN, tài chính toàn diện được coi là 1 trong 3 trụ cột của Tầm nhìn ASEAN 2025 về hội nhập tài chính. ASEAN đã thành lập Nhóm công tác về tài chính bao trùm để thúc đẩy lĩnh vực này trong khu vực.

Tài chính toàn diện trong khuôn khổ APEC

Với Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC), kể từ khi được chính thức đưa vào là một trong những trụ cột trong hợp tác tài chính APEC kể từ năm 2010, những năm qua, tài chính toàn diện ngày càng được nhiều nước chủ nhà APEC quan tâm, khai thác nhiều khía cạnh/lĩnh vực của tài chính toàn diện nhằm phát huy tối đa cơ chế hợp tác, cùng chia sẻ kinh nghiệm, đúc kết các bài học thực tiễn nhằm mục đích cuối cùng là xây dựng và thực thi có hiệu quả một Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện phù hợp cho riêng mình, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Nhiều chủ đề xoay quanh tài chính toàn diện đã được các nước đưa vào chương trình nghị sự APEC và hợp tác nhiều năm qua như: (i) Tài chính số; (ii) Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện; (iii) Bảo vệ người tiêu dùng; (iv) Giáo dục tài chính…

Trong xu thế đó, tài chính toàn diện cũng là một trong 4 nội dung hợp tác ưu tiên trong khuôn khổ tiến trình hợp tác Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2017 diễn ra tại Việt Nam. Chủ đề ưu tiên tập trung thảo luận trong năm 2017 là về phát triển thị trường tín dụng và các sản phẩm dịch vụ tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu và phát triển một nền nông nghiệp có chất lượng.

Từ đầu năm 2017 đến nay, các quan chức tài chính APEC đã phối hợp với các đối tác quốc tế chia sẻ các báo cáo nghiên cứu nhằm thúc đẩy tài chính bao trùm trong khu vực APEC, và triển khai các hoạt động hợp tác tăng cường chia sẻ thông tin tín dụng.

Chủ đề tài chính toàn diện đã được thảo luận sôi nổi tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng Trung ương APEC (tháng 2/2017, Nha Trang, Khánh Hòa), Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp (tháng 5/2017, Ninh Bình), Hội thảo về thúc đẩy trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới (tháng 5/2017), Diễn đàn APEC về tài chính bao trùm và Diễn đàn mạng lưới phát triển cơ sở hạ tầng tài chính (tháng 7/2017).

Tài chính toàn diện tiếp tục là chủ đề được ưu tiên thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC (FMM) lần thứ 24 và các hội nghị liên quan từ ngày 19-21/10/2017 tại Hội An, Quảng Nam.