Tài chính vi mô đối với công tác xóa đói giảm nghèo
Tài chính vi mô đóng vai trò rất quan trọng đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại khu vực nông nghiệp, nông thôn - nơi có đến 90% người nghèo trong cả nước. Sự hoạt động hiệu quả của hệ thống tài chính vi mô ở Việt Nam những năm qua đã góp phần quan trọng trong hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Sự ra đời của tài chính vi mô
Tài chính vi mô (TCVM) được hiểu là tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính cho những người có thu nhập thấp. Tại Việt Nam, năm 1986, Chính phủ Việt Nam quyết định thực hiện chính sách quốc gia về xóa đói giảm nghèo thông qua việc thúc đẩy các hoạt động sản xuất của người nghèo.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế; các chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) song phương và đa phương; các cơ quan đoàn thể và chính quyền địa phương, các chương trình TCVM đã được hình thành với mục đích giảm nghèo cho phụ nữ, trẻ em…
Tại kỳ họp thứ 7 (khóa XII) ngày 16/6/2010, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD). Đây là lần đầu tiên loại hình TCVM được khẳng định là một loại hình TCTD trong hệ thống các TCTD của Việt Nam. Việc các tổ chức TCVM được hoạt động dưới sự điều chỉnh của Luật Các TCTD là một bước tiến mới, góp phần cùng với các loại TCTD khác phát triển hoạt động trong lĩnh vực TCVM với mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam.
Đến nay, ở Việt Nam có hàng trăm tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM thuộc ba khu vực: Khu vực chính thức, khu vực bán chính thức và khu vực phi chính thức. Những tổ chức này ngày càng khẳng định rõ vai trò quan trọng của mình trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công cuộc xóa đói, giảm nghèo nói riêng.
Nhận thức được vai trò quan trọng của TCVM là một công cụ hữu hiệu để xóa đói giảm nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển TCVM Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược này là chuyển đổi TCVM thành một ngành vững mạnh theo định hướng thị trường;
Đảm bảo sự tiếp cận dịch vụ cho tất cả khách hàng với các tổ chức tham gia dịch vụ TCVM mạnh; Cung cấp nhiều dịch vụ tài chính có chất lượng cho các hộ gia đình nghèo và thu nhập thấp; Tăng cường cơ hội phát triển kinh tế cho người dân…
Vai trò của tài chính vi mô trong xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam
Không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo, TCVM còn giúp phát triển nguồn nhân lực địa phương, tạo sợi dây liên kết trong cộng đồng, thắt chặt “tình làng nghĩa xóm”. Đặc biệt, chương trình TCVM chủ yếu tập trung vào phụ nữ, do vậy sẽ góp phần tạo sự bình đẳng giới, tạo cơ hội để phụ nữ thể hiện mình.
Giải pháp thoát nghèo ở Việt Nam
Đa số người nghèo Việt Nam sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp với năng suất lao động thấp và ít được tiếp cận với các dịch vụ tài chính và kiến thức. Tổ chức TCVM có khả năng cung cấp các loại hình dịch vụ và sản phẩm tài chính cho cộng đồng người nghèo nhằm giúp họ cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và đóng góp cho xã hội.
Mặc dù vốn vay của TCVM không lớn như ngân hàng thương mại hay ngân hàng chính sách nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi những khoản vay này đến được với người nghèo và nghèo nhất vào đúng thời điểm, giúp họ khởi tạo sản xuất kinh doanh, tạo dựng tài sản, ổn định chỉ tiêu và bảo vệ họ khỏi nghèo đói.
Hiện nay, các tổ chức TCVM ở nước ta cung cấp các dịch vụ tài chính rất đa dạng như: cho vay, tiết kiệm, bảo hiểm… Các hoạt động này không chỉ giúp người nghèo tạo dựng công việc, sản xuất kinh doanh mà còn giúp họ giảm thiểu rủi ro về kinh tế và cuộc sống, từ đó, tăng thu nhập hộ gia đình.
Nhờ tăng thu nhập, người nghèo có tích lũy tài sản, tiết kiệm và khả năng vay vốn, để tái đầu tư mở rộng sản xuất, nhà xưởng, thuê thêm nhân công tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương; mua đất đai xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, vật nuôi. Bên cạnh đó, nhờ tiết kiệm và tài sản được tích lũy, người nghèo thay vì phải chạy ăn từng bữa, tồn tại từ ngày này sang ngày khác, sẽ có những kế hoạch dài lâu và định hướng cho tương lai.
Tăng thu nhập hộ gia đình
Hiện nay, tại Việt Nam, TCVM cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng: Cho vay, tiết kiệm, bảo hiểm, hỗ trợ tài chính kịp thời cho khách hàng gặp khó khăn… giúp người nghèo tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng các khoản thu nhập ngoài sản xuất nông nghiệp, có các khoản thu nhập khác từ tiểu thủ công nghiệp, thương mại, kinh doanh nhỏ.
Chiến lược phát triển tài chính vi mô Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đặt tiêu là chuyển đổi tài chính vi mô thành một Ngành vững mạnh theo định hướng thị trường; Cung cấp nhiều dịch vụ tài chính có chất lượng cho các hộ gia đình nghèo và thu nhập thấp; Tăng cường cơ hội phát triển kinh tế cho người dân…
Tạo dựng tài sản, cải thiện sức khỏe và đầu tư cho giáo dục
Nhờ tăng thu nhập, người nghèo có tích lũy tài sản, tiết kiệm và khả năng vay vốn, để tái đầu tư mở rộng sản xuất, nhà xưởng, nhân công tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương; mua đất đai xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, vật nuôi. Bên cạnh đó, nhờ tiết kiệm và tài sản được tích lũy, người nghèo thay vì phải chạy ăn từng bữa, tồn tại từ ngày này sang ngày khác, người nghèo sẽ có những kế hoạch dài lâu và định hướng cho tương lai.
Hộ gia đình có nhiều điều kiện để quan tâm đến dinh dưỡng, cải thiện điều kiện sống, chủ động tìm kiếm và chi trả cho dịch vụ y tế thay vì đến các cơ sở y tế khi tình trạng sức khỏe trở nên tồi tệ. Tăng thu nhập đồng nghĩa với việc hộ gia đình có thể chăm lo cho con của họ tiếp cận dịch vụ giáo dục với thời gian dài hơn và đầu tư nhiều hơn.
Bên cạnh vai trò quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, TCVM còn thể hiện rõ tính ưu việt của mình bằng các lợi thế vượt trội như:
Mức độ mở rộng tiếp cận theo số lượng khách hàng và quy mô giá trị tăng trưởng ổn định; Độ sâu tiếp cận đến từng hộ gia đình và nhắm với đối tượng rõ ràng là phụ nữ với tỷ lệ phụ nữ vay vốn so với số khách hàng vay rất cao, hầu hết chiếm 100; Lợi nhuận và sự bền vững cao;Mức độ rủi ro thấp.
Thực tế, các tổ chức TCVM Việt Nam được đánh giá là đạt được sự bền vững theo quy định với chỉ số tự vững về hoạt động trung bình đạt trên 100%, cao hơn so với tiêu chuẩn của Quỹ phát triển Nông nghiệp Quốc tế. Hoạt động của các tổ chức TCVM đều đảm bảo bù đắp được chi phí và có lãi. Chỉ số lợi nhuận của hầu hết các tổ chức TCVM đều trên mức tối thiểu 2%. Ngoài ra, với khả năng hoàn trả cao (trên 90%), hoạt động của các tổ chức TCVM Việt Nam được đánh giá là an toàn.
Tiếp sức cho phụ nữ nghèo
Trong rất nhiều chương trình TCVM, phụ nữ nghèo là đối tượng khách hàng tuyệt vời, chủ yếu của các sản phẩm tài chính. Bởi phụ nữ là những người tiết kiệm tích cực và có tỷ lệ hoàn trả các khoản vay cao hơn nam giới. Đồng thời, phần lớn trong các hộ gia đình nghèo, họ là trụ cột chính kiếm tiền nuôi cả gia đình.
Tuy nhiên, phụ nữ nghèo cũng chính là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương ngay tại gia đình mình. Tham gia chương trình của tổ chức TCVM, phụ nữ sẽ được quản lý tiền, tiếp cận với tri thức dẫn tới nhiều lựa chọn hơn có thể khiến họ có quyền nhiều hơn trong các vấn đề của gia đình và xã hội, họ và chồng đã cùng nhau ra quyết định trong những khía cạnh quan trọng của đời sống.
Bằng cách này hay cách khác, họ đang đóng góp đáng kể vào tài chính gia đình và thực tế này đã giúp họ giành thêm sự tôn trọng từ phía chồng con, có thể thương lượng với chồng giúp đỡ việc nhà, tránh các cãi vã về tiền bạc và được họ hàng, gia đình nhà chồng coi trọng hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo giảm nghèo năm 2015 và kế hoạch năm 2016 của Ban chỉ đạo Trung ương về giảm ghèo bền vững giai đoạn 2011-2020;
2. Báo cáo về tài chính vĩ mô năm 2015 của Ban công tác tài chính vi mô;
3. Đào Văn Hùng (2005), Phát triển hoạt động tài chính vĩ mô ở Việt Nam, NXB Lao Động - Xã hội;
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, tính đến ngày 01/12/2015;
5. Các website: giamngheo.molisa.gov.vn, thuvienphapluat.vn, gso.gov.vn, vietnamplus.vn, vneconomy.vn...