Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng: Tăng tốc để về đích

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giám sát chặt chẽ 8 tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém đã được tái cơ cấu trong năm qua. Chỉ còn một ngân hàng đã có phương án tái cơ cấu trình lên NHNN, trong đó có đề xuất sự tham gia vốn của nước ngoài nên đang trong quá trình xem xét.

Hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC hiện chỉ xử lý phần ngọn. Nguồn: internet
Hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC hiện chỉ xử lý phần ngọn. Nguồn: internet
Chậm mà chắc
 
Nhìn lại kết quả thực hiện hai đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD trong gần 2 năm qua, TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VERP) nhận định: tuy những bước đi trong quá trình tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng từ từ, nhưng lại chắc chắn và theo đúng lộ trình mà NHNN đề ra. Qua đó đảm bảo niềm tin cho những người trong cuộc cũng như toàn xã hội.
 
Ngay khi khởi động chương trình tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế với ba trụ cột là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đầu tư công, ông Thành và nhiều chuyên gia bình luận về khả năng thực hiện tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng nhanh và hiệu quả hơn so với lĩnh vực DNNN, đầu tư công. Điều này phần nào được minh chứng qua kết quả đã đạt được của hệ thống ngân hàng trong việc tái cơ cấu cũng như xử lý nợ xấu trong thời gian qua.
 
Cụ thể, sau khi phân loại các TCTD theo các nhóm khác nhau, NHNN đã xây dựng và thực hiện các phương án xử lý; áp dụng các giải pháp hỗ trợ, cải thiện thanh khoản cho các ngân hàng yếu kém… Những kế hoạch, bước đi cụ thể đã giúp ngân hàng yếu kém vượt khó, tự tái cấu trúc, tránh đổ vỡ trong hệ thống.
 
Ngoài tập trung xử lý 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu được xác định từ đầu, trong thời gian qua NHNN tiếp tục đánh giá và yêu cầu thêm một số ngân hàng khác xây dựng phương án tái cơ cấu, nhằm xử lý một cách dứt điểm và căn bản các TCTD yếu kém theo đúng mục tiêu và lộ trình đề ra. Song song với đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần tăng vốn điều lệ để hỗ trợ và cải thiện thanh khoản, góp phần nâng cao tỷ lệ an toàn vốn hướng tới tiêu chuẩn thông lệ quốc tế.
 
Trong buổi làm việc gần đây nhất với một tổ chức nước ngoài, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, quá trình xử lý ngân hàng yếu kém của Việt Nam diễn ra rất tích cực. Tất cả những ngân hàng yếu kém đều được cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ và không còn ngân hàng mất thanh khoản, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Đồng thời, NHNN đang tiếp tục từng bước hỗ trợ các ngân hàng nâng cao năng lực quản trị dưới nhiều hình thức có thể là sáp nhập, tự cấu trúc…“Quan điểm của Chính phủ, NHNN là không can thiệp trực tiếp mà chỉ giám sát tôn trọng các phương án tái cơ cấu của các ngân hàng, nhưng phải đảm bảo tái cơ cấu một cách hiệu quả, tích cực”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
 
Đến thời điểm này, NHNN tiếp tục giám sát chặt chẽ 8 TCTD yếu kém đã được tái cơ cấu trong năm qua. Chỉ còn một ngân hàng đã có phương án tái cơ cấu trình lên NHNN, trong đó có đề xuất sự tham gia vốn của nước ngoài nên đang trong quá trình xem xét.
 
Một trong những vấn đề mang tính quyết định đối với chương trình tái cơ cấu hệ thống và cũng là nhiệm vụ nặng nề đối với các TCTD là phương án xử lý nợ xấu. Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các NHTM một cách quyết liệt trong việc thực hiện phân loại nợ, trích lập và sử dụng nguồn dự phỏng rủi ro để chủ động xử lý nợ xấu. Trong năm 2012 và 10 tháng đầu năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các TCTD đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro để tạo nguồn xử lý nợ xấu và đã chủ động xử lý một khối lượng lớn nợ xấu bằng nguồn dự phòng. Tổng số nợ xấu đã được xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 10 tháng đầu năm 2013 là 105,9 nghìn tỷ đồng.
 
Song song với đó, sự ra đời của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng góp phần tích cực giúp các ngân hàng đẩy nhanh hơn trong quá trình xử lý nợ xấu. Gần 40 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được VAMC mua trong thời gian vừa qua, cùng với nỗ lực tự xử lý nợ của các TCTD đã đưa tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống giảm mạnh về mức 3,63%/tổng dư nợ vào cuối tháng 12/2013.
 
Mặc dù vậy, kết quả trên vẫn chưa đạt mức kỳ vọng của bản thân hệ thống ngân hàng cũng như giới đầu tư. Bởi trong quá trình triển khai vướng một số quy định đang có hiệu lực từ các bộ ngành khác. Điển hình là thủ tục pháp lý xử lý tài sản đảm bảo hiện có liên quan đến các văn bản pháp quy thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Tài Nguyên Môi trường; giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản của các Bộ và chính quyền địa phương… Do đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Liên ngành triển khai Đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD, đề án xử lý nợ xấu.
 
Liên ngành có tạo đột phá?
 
Việc thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành triển khai hai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD và đề án xử lý nợ xấu của ngân hàng theo Quyết định 363/QĐ - TTg được các chuyên gia đánh giá cao và coi đây là động thái tích cực thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các kế hoạch đề ra. TS. Nguyễn Đức Thành kỳ vọng, với việc thành lập Ban chỉ đạo, hy vọng có những cải cách thực sự đột phá trong cả hai đề án này.
 
“Chúng ta hy vọng thời gian tới tiếp tục có những chính sách cụ thể, dứt khoát và điều này đòi hỏi sự quyết tâm, can thiệp sâu hơn của Chính phủ”, ông Thành bày tỏ.
 
Tuy vậy, mặc dù khẳng định những bước tiến thành công vững chắc của ngành Ngân hàng, một chuyên gia vẫn bày tỏ: đây chỉ là bước đầu trong quá trình tái cơ cấu, bước tiếp theo nhiệm vụ của NHNN khó hơn nhiều. Vì NHNN vừa phải khắc phục tồn tại cũ như xử lý nợ xấu, sở hữu chéo… theo hướng thị trường, bỏ dần các biện pháp mang tính chất hành chính; đồng thời vừa thực hiện cải cách đi vào chiều sâu từ minh bạch, lành mạnh hóa hoạt động, nâng cao quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế…
 
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ đồng tình nhận định trên khi cho rằng, vấn đề xử lý nợ xấu không hề đơn giản vì nó nằm trong tổng thể những chiều và các khía cạnh vận động của nền kinh tế, chứ không chỉ riêng của ngành ngân hàng. Vì thế, vấn đề cốt lõi trong quá trình xử lý nợ xấu đòi hỏi nhiều bộ ngành vào cuộc mới có thể đẩy nhanh tiến trình này được.
 
Theo phân tích của một chuyên gia kinh tế, nợ xấu liên quan đến nhiều câu chuyện: tái cấu trúc DNNN, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, sự phục hồi các thị trường và cả liên quan đến các vấn đề pháp lý.
 
“Sắp tới nếu Quốc hội thông qua sửa đổi Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản cho phép quyền sở hữu đất đai, nhà của nhà đầu tư nước ngoài, Việt kiều… sẽ là những nhân tố hỗ trợ hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu”, chuyên gia trên cho biết thêm. Đó là những giải pháp hỗ trợ liên ngành, nhưng bản thân hệ thống ngân hàng cũng cần “loại bỏ sự tham gia quá sâu của các nhóm cổ đông, đầu tư tài chính ra khỏi hệ thống ngân hàng tức là giảm sở hữu chéo” - TS. Nguyễn Đức Thành đề xuất. Bên cạnh đó, ông Thành nhấn mạnh đến việc tạo ra thị trường mua bán các khoản liên quan đến nợ xấu là rất cần thiết để tạo cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư tham gia.
 
Đồng quan điểm, một chuyên gia ngân hàng đánh giá: hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC hiện chỉ mang tính kỹ thuật, hay nói cách khác giải pháp này mới chỉ xử lý phần ngọn. Mấu chốt của câu chuyện này phải xử lý bằng tiền tươi thóc thật. Điều này phụ thuộc không nhỏ ở sự minh bạch hóa của các khoản nợ xấu. Và nó gắn với câu chuyện phát triển thị trường mua bán nợ. Nhưng, muốn phát triển được thị trường này lại liên quan nhiều đến vấn đề pháp lý như: quyền hạn trách nhiệm của VAMC; sự tham gia của nhà đầu tư thế nào, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài có quyền giữ hay mua đi bán lại khoản nợ đấy không. Điều này vượt “quyền năng” của VAMC.
 
Theo tiết lộ của vị chuyên gia trên, VAMC đang cùng một số cơ quan khác liên quan soạn thảo những văn bản pháp quy liên quan đến vấn đề này. Nếu Quốc hội thông qua sửa đổi về Luật Nhà ở, kinh doanh bất động sản, lòng tin vào sự phục hồi của nền kinh tế gia tăng, việc thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng chuyển biến nhanh hơn vào 6 tháng còn lại năm 2014.
 
TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, thời điểm và cơ hội tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang khá tích cực với sự hỗ trợ Chính phủ, đồng lòng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị. Nếu không thực hiện đồng bộ cùng các trụ cột khác thì có thể quá trình tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng bị lỡ nhịp và có thể đến đích muộn hơn năm 2015. Nhưng điều quan trọng là các vấn đề phức tạp, khó khăn nhất được phải xử lý dứt điểm. Cùng với sự ổn định, cải cách của các lĩnh vực khác sẽ tạo dựng lòng tin thị trường đối với hệ thống ngân hàng nói riêng, nền kinh tế nói chung.