Tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp quản lý
Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời một số kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh về vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Tiếp tục tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp quản lý
Về kiến nghị tập trung nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, tăng cường phân cấp cho địa phương cũng như doanh nghiệp nhằm tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả, năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước
Kể từ ngày 1/7/2010, khi Luật DNNN năm 2003 hết hiệu lực thi hành, các công ty Nhà nước chuyển sang mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH 1TV) do Nhà nước làm chủ sở hữu. Việc thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của Công ty TNHH 1TV do Nhà nước làm chủ sở hữu thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và kể từ ngày 1/7/2015 thực hiện theo Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Đối với việc thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước theo quy định hiện hành, Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước, phân công cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giao Hội đồng thành viên, thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu Nhà nước; việc quản lý đối với các DNNN nêu trên được thống nhất trong phạm vi cả nước.
Do mỗi địa phương có đặc điểm kinh tế - xã hội khác nhau nên việc xây dựng mô hình quản lý DNNN phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của mỗi địa phương (63 tỉnh thành phố) sẽ không khả thi.
Tuy nhiên, để tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và hiệu quả trong công tác quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp, theo Bộ Tài chính, giải pháp trước mắt là tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu DNNN theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp quản lý để có cơ cấu doanh nghiệp hợp lý trên từng địa bàn và vùng kinh tế hoạt động trong ngành lĩnh vực phù hợp hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh 2 dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật
Về kiến nghị sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và triển khai thực hiện tốt các luật khác có liên quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước
Ngày 26/11/2015, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015).
Tại Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII và Pháp lệnh Cảnh sát môi trường (trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, soạn thảo trình Chính phủ Nghị định về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định về giám sát, đánh giá hiệu quả và công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp).
Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh các dự thảo Nghị định nêu trên và trình Chính phủ tại Tờ trình số 84/TTr-BTC ngày 25/6/2015 và Tờ trình số 87/TTr-BTC ngày 26/6/2015.
Địa phươngcó quyền sắp xếp, đổi mới các công ty do địa phương quyết định thành lập
Về kiến nghị xem xét phân cấp cho cơ quan quản lý trực tiếp doanh nghiệp được quyền phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Cụ thể, đối với việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012
Đối với việc Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước thì quyền hạn và trách nhiệm thuộc Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 49 của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.
Đối với các Tổng công ty nhà nước trực thuộc UBND tỉnh, thành phố thì Thủ tướng Chính phủ phân cấp hoặc ủy quyền cho UBND tỉnh, thành phố xem xét phê duyệt phương án cổ phần hóa doanh nghiệp theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 9 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP.
Theo đó, UBND cấp tỉnh, thành phố có quyền, trách nhiệm tổ chức thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty do tỉnh, thành phố quyết định thành lập sau khi trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể.
Như vậy, quy định về phân công, phân cấp tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP đã tạo điều kiện chủ động cho UBND các tỉnh, thành phố thực hiện quyền, trách nhiệm của mình trên cơ sở Đề án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về cơ chế thoái vốn nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng
Về kiến nghị có các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế thoái vốn nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng
Việc thoái vốn Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng hiện đang được thực hiện theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước (hướng dẫn Nghị quyết số 15/NQ-CP) và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Ngân hàng Nhà nước tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp chung trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước để hoàn thiện chính sách chế độ trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Rà soát, sửađổicác quy định về sắp xếp, cổ phần hóa và tái cơ cấu DNNN
Về các kiến nghị liên quan đến việc rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về sắp xếp, cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước
Trên tinh thần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa và tái cơ cấu DNNN, tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1/6/2015 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015, Chính phủ đã thống nhất cho phép áp dụng một số giải pháp xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tái cơ cấu và giao “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện các nội dung nêu trên, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6/2015; tổng kết, đánh giá sửa đổi, bổ sung các Nghị định số: 59/2011/NĐ-CP, 189/2013/NĐ-CP, 71/2013/NĐ-CP, trình Chính phủ ban hành trong năm 2016”.
Thực hiện phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 80/TTr-BTC ngày 19/6/2015 đính kèm dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Ngày 14/7/2015, Bộ Tư pháp đã thẩm định nội dung dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Tài chính đang nghiên cứu các vướng mắc (trong đó có cả kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh) trong quá trình thực hiện Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Nghị định số 189/2013/NĐ-CP và sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế trong năm 2016.