Tín hiệu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước về đích đúng hẹn

PV.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là đòi hỏi tất yếu từ nội tại nền kinh tế Việt Nam, quán triệt mục tiêu của Đảng và Chính phủ đề ra: Đổi mới doanh nghiệp nhà nước có chiều sâu, đi vào những vấn đề cốt lõi để phát huy các tiềm năng, khắc phục các bất cập của DNNN, qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường vai trò dẫn dắt nền kinh tế của DNNN, nâng cao hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại DN… Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN. Đây là thời điểm nước rút thực hiện Đề án nhưng cũng đã cho thấy nhiều kết quả tích cực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tín hiệu tái cơ cấu DNNN về đích đúng hẹn

Theo phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt, trong năm 2014 và 2015, cả nước phải cổ phần hoá 432 DN. Hết năm 2014, cả nước đã cổ phần hoá 143 DN, bằng 33% so với kế hoạch năm 2014. Thống kê của Bộ Tài chính đến 19-8-2015, thêm 91 DN đã thực hiện cổ phần hóa, đạt 31% kế hoạch năm 2015. Như vậy, cả nước đã cổ phần hóa được 234 DN trong tổng số 432 DN, đạt 54% số lượng DN phải thực hiện cổ phần hóa. Cũng có nghĩa, hơn 3 tháng tiếp theo, 198 DN còn lại sẽ phải thực hiện cổ phần hoá xong.

Theo Bộ Tài chính, con số này có khả quan vì trong số 198 DN đó có 58 DN đã công bố giá trị DN, 109 DN đang thực hiện xác định giá trị DN, 31 DN đã thành lập Ban Chỉ đạo và đang tiến hành các bước tiếp theo để xác định giá trị DN. Tuy khả quan song thách thức vẫn không hề nhỏ vì quá trình cổ phần hóa của các DN phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán.

Về tình hình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, theo kế hoạch, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện thoái gần 25.219 tỷ đồng đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm là chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Tổng kết năm 2014, tổng số các khoản đầu tư vào 5 lĩnh vực nói trên đã giảm 4.258 tỷ đồng; đầu tư thêm trên 1.401 triệu đồng. Khoản đầu tư thêm là do các đơn vị ghi nhận cổ tức được chia bằng cổ phiếu, DN hạch toán tăng doanh thu hoạt động tài chính và tăng giá trị khoản đầu tư ra ngoài DN tương ứng với số tiền cổ tức được chia.

Tính từ đầu năm đến 19/8/2015, các đơn vị đã thoái được 4.229 tỷ đồng, nâng tổng số vốn thoái được lên trên 8.487 tỷ đồng. Tổng giá trị vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm giảm 684,5 tỷ đồng do một số đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh phương án tái cơ cấu. Như vậy, số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp đến cuối năm 2015 là 17.470 tỷ đồng. Để hoàn thành con số này trong 3 tháng nữa là một thách thức rất lớn.

Đánh giá về những kết quả của quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, ông Trần Văn Hiền – Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết: Về cơ bản, thời gian qua, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, DNNN đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Hiền, trên cơ sở các đề án đã được phê duyệt, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã tiến hành rà soát, phân loại, xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan và xây dựng kế hoạch cổ phần hóa. Một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã xây dụng, ban hành mới hoặc hoàn thiện hệ thống quy chế quản trị nội bộ, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành nhằm tinh giảm biên chế, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN.

Huy động tổng lực đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN

Với vai trò đầu tàu, Bộ Tài chính đã và đang quyết liệt, tích cực ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hoàn thành tiến độ và kế hoạch đề ra, vừa phải đảm bảo chất lượng, không làm thất thoát tài sản Nhà nước; Tiếp tục rà soát, phân loại, bổ sung phương án sắp xếp DN cho giai đoạn 2014-2015; Hoàn thiện hệ thống chính sách hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN và Luật DN (sửa đổi). Để giải quyết các khó khăn trước mắt, các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã và đang được Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện nhằm tạo thuận lợ cho các DN thực hiện.

Nhìn lại hệ thống chính sách về tái cơ cấu DNNN, có thể thấy, ngay từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/201l/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Năm 2013, Nghị định này được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế thực hiện. Năm 2014, nhận thấy những khó khăn của quá trình triển khai, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN,…

Mới đây nhất, trong Nghị quyết của phiên họp Chính phủ tháng 5/2015, Chính phủ đã lưu ý 9 nhóm nội dung trọng tâm để kịp thời xử lý các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đưa ra xin ý kiến và trình Chính phủ ban hành Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 về hướng dẫn bán cổ phần theo lô; đồng thời hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Các văn bản này có hiệu lực sẽ tháo gỡ được những khó khăn cho hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN.

Theo ông Trần Văn Hiền - Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp – Bộ Tài chính, cơ chế chính sách đã cơ bản được ban hành đồng bộ cho việc thực hiện tái cơ cấu DNNN theo hướng đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước đối với DN trong tình hình mới, đồng thời thúc đẩy và tạo điều kiện cho các DN thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh và điều kiện thị trường.

Bên cạnh việc đưa ra các chính sách tháo gỡ kịp thời, theo Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, các bộ, ngành và DN cần thực hiện quyết liệt việc chỉ đạo sát sao tiến độ hoàn thành cổ phần hóa các DN còn lại theo kế hoạch đã đề ra trong năm 2015. Các bộ, ngành và địa phương cũng cần công khai danh sách và tiến độ cổ phần hóa các DN, đồng thời đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra để kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh tại DN. Ngoài ra, các đơn vị phải đẩy mạnh hơn nữa việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành một cách chặt chẽ, có hiệu quả, có kế hoạch thoái vốn cụ thể cho từng tháng, từng khoản đầu tư ngoài ngành.

Ông Hiền nhấn mạnh thêm: Tất cả các đơn vị cần phải coi kết quả của việc thực hiện đề án tái cơ cấu của từng DN là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Hội đồng thành viên, Ban lãnh đạo DN và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.

Với những giải pháp gấp rút đó, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính đang kỳ vọng mục tiêu của năm 2015 sẽ đạt được theo đúng kế hoạch đặt ra.