Tai nạn lao động năm 2024 đã gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng

Nguyệt Hà

Ngày 9/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương họp, thống nhất Kế hoạch tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2025.

Tại buổi họp báo, bà Chu Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết, trong bối cảnh khó khăn do những biến động khó lường trên thế giới, công tác an toàn, vệ sinh lao động cũng đang đứng trước những thách thức trong quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.

Nhằm tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, góp phần hưởng ứng kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc cũng như thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững năm 2025, Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (1/5-31/5) sẽ phát động cùng với Tháng Công nhân với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”, trong đó tập trung vào các hoạt động đẩy mạnh việc tự quản trị rủi ro về an toàn vệ sinh lao động...

“Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (1/5-31/5) dự kiến chính thức phát động vào ngày 25/4 cùng với Tháng Công nhân. Trong Tháng Hành động, sẽ diễn ra nhiều hoạt động ở trung ương, địa phương như: Triển khai Chỉ thị số 31-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động”- bà Hạnh thông tin.

Năm 2024, toàn quốc đã xảy ra 8.286 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.472 người bị nạn; trong đó có 675 vụ TNLĐ chết người, làm 727 người chết vì TNLĐ (số vụ TNLĐ tăng 13 vụ, tương ứng 1,96%; số người chết vì TNLĐ tăng 28 người, tương ứng 4,81% so với năm 2023).

Thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra trong năm 2024 lên đến hơn 42.565 tỷ đồng (tăng khoảng 26.208 tỷ đồng so với năm 2023); thiệt hại về tài sản trên 492 tỷ đồng (giảm khoảng 230 tỷ đồng so với năm 2023); tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 154.759 ngày (tăng khoảng 4.989 ngày so với năm 2023). 

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Năm 2025, việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động nhằm tạo cao điểm truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, người sử dụng lao động.

Đồng thời, thúc đẩy các giải pháp, chương trình hành động cụ thể về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, phát động thi đua, xây dựng văn hóa an toàn lao động, đẩy mạnh phong trào quần chúng làm công tác an toàn vệ sinh lao động trong các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người lao động.