Tại sao doanh nghiệp Việt chưa thể "phụ trợ" cho Samsung?
(Tài chính) Chuyện công nghiệp phụ trợ không phát triển, đến nỗi những hãng điện tử như Samsung không tìm được những nhà thầu phụ cung cấp linh kiện đơn giản dường như đang bị thổi phồng, như là sự yếu kém đến ngạc nhiên của doanh nghiệp (DN) Việt.
DN Việt đủ năng lực làm thầu phụ cho những nhà đầu tư như Samsung. Nhưng họ lại chưa rành rẽ trong tìm tiếng nói chung với các nhà đầu tư này, nhiều khi chỉ là không biết bằng cách nào.
Sự thật đơn giản
Ở Hải Phòng hiện có một DN siêu nhỏ, như hàng chục vạn DN siêu nhỏ khác tại Việt Nam có tên là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đức Hiếu. Từ vài năm nay, Công ty Đức Hiếu, với hơn chục công nhân của mình, đang lặng lẽ sản xuất những chi tiết bé xíu để hình thành nên cụm chi tiết sử dụng trong hệ thống điều hòa của ôtô, hoặc chi tiết trong cụm chân van lốp ôtô. Sản phẩm của Công ty Đức Hiếu được sản xuất theo tiêu chuẩn của Nhật, và xuất khẩu cho DN của Nhật, trước khi được nhập khẩu trở lại Việt Nam dưới dạng linh kiện xuất xứ từ Nhật.
Vào năm 2006, anh Hùng – chủ Công ty Đức Hiếu – thành lập Công ty này với một lý do rất tình cờ. Đi lao động từ Nhật về, anh Hùng tới Khu công nghiệp (KCN) Nomura – KCN toàn DN Nhật Bản tại Hải Phòng – để tìm việc. Vốn liếng tiếng Nhật sau những năm đi xuất khẩu lao động cho phép anh Hùng hiểu, một DN sản xuất robot công nghiệp trong KCN Nomura đang cần tìm nhà cung cấp các loại vít sử dụng trong sản phẩm của họ. Và thế là Công ty Đức Hiếu đã được thành lập để phục vụ nhu cầu ấy. Thành lập DN không phải để đầu tư lớn, mà là để có pháp nhân thực hiện các thủ tục xuất khẩu sản phẩm các loại vít bắt vào KCN Nomura. Thực tế, với kinh nghiệm của một thợ cơ khí làm việc tại Nhật, anh Hùng biết chỉ cần quy mô xưởng cơ khí nhỏ cũng có thể đảm bảo thực hiện được đúng yêu cầu của DN Nhật.
Cho đến giờ, sau 8 năm thành lập, Công ty Đức Hiếu vẫn là một DN nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Công ty này không được vay ngân hàng, không được ai giới thiệu đơn hàng, không được cấp đất…, nhưng sản phẩm thì được sử dụng trong những thương hiệu công nghiệp nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Nghĩa là đã đáp ứng được những tiêu chuẩn cao nhất của Nhật Bản. Đây là trường hợp DN được thành lập và hoạt động bên ngoài tất cả những hiểu biết, hình dung về công nghiệp phụ trợ hiện hữu. Tất cả lợi thế của DN ấy đều bắt nguồn chỉ từ vốn ngoại ngữ tiếng Nhật của ông chủ.
"Công nghiệp phụ trợ không sang trọng như tên gọi của nó" – anh Hùng nói – "Nhiều khi đó chỉ là cung cấp những chi tiết nhỏ trong cụm chi tiết của máy móc. DN nào của Việt Nam cũng làm được thôi, nhưng đơn hàng phải đủ để họ đầu tư. Không thể đầu tư cả một nhà máy hàng chục tỷ, chỉ để sản xuất vài trăm triệu tiền ốc vít mỗi tháng. Chừng ấy đơn hàng thì chỉ cần một xưởng nhỏ, nhưng ai sẽ là người đặt hàng?". Phát biểu này của ông chủ Công ty siêu nhỏ Đức Hiếu đã bao hàm vấn đề nội tại trong phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Sẽ có nhiều nhà quản lý, chuyên gia bất ngờ bởi sự đơn giản của nó.
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài có lần từng nhận xét, việc không sản xuất được cả cục sạc, ốc vít, nhập khẩu đến cả cúc áo… là nỗi đau của ngành công nghiệp Việt Nam… Tuy nhiên, giáo sư cũng tin "nỗi đau" đó không thể kéo dài. Cứ theo hàm nghĩa của phát biểu ấy, thì dường như DN Việt, và sau đó là các nhà quản lý Việt, khá thụ động khi không nắm bắt nhu cầu của các DN ngoại, từ đó không chịu đầu tư thích đáng cho công nghiệp hỗ trợ.
Lợi nhuận quyết định đơn hàng
Nhưng thực tế là thế nào? Theo giám đốc một DN tại Hải Dương, ông này từng có lần tìm cách tiếp cận một DN Nhật Bản chuyên sản xuất cụm dây điện lắp đặt trong ôtô trong KCN Đại An của tỉnh này. Mục đích của vị giám đốc là muốn làm nhà thầu phụ, sản xuất để cung cấp các giắc cắm bằng nhựa trong cụm sản phẩm của DN Nhật này. Tuy nhiên, DN Việt Nam đã bị từ chối. Sau khi tính toán, vị giám đốc này mới hiểu vì sao DN Việt không thể chen chân làm thầu phụ cho DN FDI.
Khi nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam, các hãng nước ngoài trước tiên quan tâm tới hệ thống thuế và ưu đãi thuế, sau đó là ưu đãi về cơ sở hạ tầng. Nếu tương quan giữa sản lượng sản xuất và tổng ưu đãi tính thành tiền có lợi cho chi phí của họ, thì hãng nước ngoài mới tiến hành đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra còn phải tính tới các DN FDI tiến hành đầu tư để tiến hành chuyển giá ngay trong nội bộ với tập đoàn "mẹ". Trong các trường hợp này (thường chiếm đa số), DN FDI ít khi có ý định thuê DN Việt gia công chi tiết, vì điều họ cần là ổn định đơn giá linh kiện thì đã được tính ngay trong bảng cân đối dự án khi đầu tư. Mặt khác, với các đơn hàng có thể thuê ngoài, thì sản lượng thuê quá nhỏ, đến mức DN Việt không muốn đầu tư thực hiện, vì lợi nhuận quá nhỏ so với rủi ro.
Giả sử một cụm dây điện tổng thành trong ôtô có giá khoảng 800 USD, trong đó các loại giắc cắm nhựa – tức là linh kiện rời của cụm dây điện – có giá nhập khẩu do DN FDI khai báo là 120 USD. Nếu sản xuất trong nước thì chỉ hết không quá 40 USD. Tuy nhiên, DN FDI sẽ từ chối mua của DN Việt vì việc nhập khẩu linh kiện là nằm trong chiến lược kinh doanh cả tập đoàn "mẹ" để được hưởng ưu đãi thuế của từng nước. "Chỉ trong trường hợp DN FDI tính toán sẽ xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Việt Nam, hoặc quy mô sản xuất rất lớn, vượt cả lợi ích từ ưu đãi thuế của Việt Nam đưa lại, thì họ mới thuê DN Việt làm thầu phụ cung cấp linh kiện" – vị Giám đốc DN tại Hải Dương nói.
Nhận xét này đặc biệt đúng trong trường hợp của Samsung. Chỉ tới khi quyết định đưa cả trung tâm nghiên cứu sản phẩm và các nhà máy sản xuất quan trọng về hẳn Việt Nam, từ đó nâng cao sản lượng sản phẩm hoàn chỉnh sản xuất tại Việt Nam, Samsung mới tổ chức gặp gỡ các DN Việt để mời tham gia chuỗi cung cấp linh kiện, làm thầu phụ cho hãng này. Khi ấy, các DN Việt, các chuyên gia, các nhà quản lý bắt đầu mải mê chê trách nhau không sản xuất nổi con ốc vít.