Tại sao Nga “đánh” vào nông sản châu Âu?
(Tài chính) Tại sao Liên bang Nga, sau một thời gian dài “chịu đòn” lại chọn các mặt hàng nông sản thực phẩm để đáp trả lại Mỹ và các đồng minh của Mỹ?
Theo tính toán của các chuyên gia thì hậu quả từ lệnh cấm này lên Mỹ, Canada hoặc Australia có thể không lớn nhưng đối với EU thì không hẳn là như vậy.
Phát biểu trên đài phát thanh VRT của Bỉ mới đây, Ủy viên phụ trách thương mại của EU – Karel De Gucht giải thích: Từ nguồn ngân sách của Cộng đồng châu Âu luôn có khoảng 400 triệu Euro sẵn sàng chi trả cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm nếu vì lý do chính trị mà sản phẩm của họ làm ra không tiêu thụ được thì tiền bồi hoàn sẽ được lấy từ nguồn quỹ 400 triệu Euro này. Dù con số thiệt hại chưa được tính toán và công bố nhưng ước tính sẽ vào khoảng 4 tỷ Euro và để bù đắp thiệt hại cho các nhà sản xuất, EU sẽ phải tìm nguồn cho việc này.
Nhằm vào “Gót Asin”
Mùa thu hoạch rau quả đã và đang đến. Hàng chục năm nay rất nhiều trang trại trồng rau và hoa quả ở Hà Lan, Ba Lan, Hy Lạp, Tây Ban Nha… chỉ có một thị trường đầu ra duy nhất đó là Liên bang Nga. Nay điểm đến đó đã bị khóa chặt. Rau quả thu hoạch về nếu không tìm được nơi cất giữ thì chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ thối hỏng và nếu tiền đền bù không nhận được thì những áp lực từ việc này sẽ gây nên những hiệu ứng xã hội không nhỏ.
Trong Cộng đồng châu Âu, Phần Lan là nước sản xuất và cung cấp sữa rất lớn vào Nga, còn Đan Mạch là nhà cung cấp thịt lợn, Nauy cung cấp hải sản, các nước ở vùng Baltic, như Latvia, Litva và Estonia, cũng tiêu thụ tại Nga phần lớn nông sản thực phẩm, như sữa, cá… của mình.
Bao nhiêu năm nay, quy hoạch vùng nguyên liệu, định hướng sản xuất là để cho thị trường Nga. Nếu đầu ra không có thì sẽ tiêu thụ ở đâu và sẽ phải làm gì để thay thế?
Mặc dù giá trị không quá lớn, hàm lượng tiền cũng chưa phải là quá nhiều, tuy nhiên sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm là lĩnh vực có những đặc thù rất riêng không giống với các ngành nghề sản xuất công nghiệp khác.
Đây là lĩnh vực thu hút nhiều nhân lực, sản phẩm làm ra lại gắn với thời tiết, mùa màng rồi điều kiện và thời hạn bảo quản cũng chịu những ràng buộc nhất định. Nếu sản phẩm làm ra không tiêu thụ được và nếu tiền đền bù không có hoặc không thỏa đáng thì có thể dẫn tới bất ổn xã hội như các cuộc biểu tình, tuần hành, kèm theo đó là thịt, sữa, rau quả đổ đầy trên các đường phố…
Hơn nữa, định hướng và tổ chức sản xuất nông sản cũng không thể là việc “một sớm một chiều”. Cây ăn quả đã trồng rồi chẳng lẽ chặt bỏ? Bò sữa với hệ thống chuồng trại, con giống, đồng cỏ đã xây dựng chẳng lẽ phá đi? Bao nhiêu nhân lực đã quy hoạch cho hướng đi này nếu giải thể họ sẽ làm gì? Những bất ổn nêu trên có thể là nguyên nhân dẫn tới các bất ổn về xã hội.
Trước khi căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine nổ ra, tỷ phú G.Soros đã cảnh báo nguy cơ bất ổn sẽ ngày càng tăng tại Cộng đồng châu Âu.
Ông G.Soros cho rằng: Nguyên nhân sâu xa của những bất ổn này, là do sự phân hóa giàu nghèo trong nội bộ khối. Các nước giàu cứ phải gồng gánh các nước nghèo và vì thế hình thành khối “chủ nợ” và khối “con nợ”. Mâu thuẫn giữa hai khối này sẽ không giảm mà chỉ có ngày càng sâu sắc.
Áp lực từ các nước chịu thiệt từ lệnh cấm vận của Nga sẽ buộc các nước khác, nhất là các nước giàu phải cùng chia sẻ. Mâu thuẫn từ nguồn cơn này chắc chắn sẽ nảy sinh.
Lệnh trừng phạt mà Nga áp đặt lên các nước EU gián tiếp sẽ gây khó khăn cho Gruzia, Moldova và chủ yếu là Ukraine. Mới khoảng 1 tháng trước đây, EU đã ký kết văn bản liên kết kinh tế với 3 nước này mà theo đó hàng nông sản thực phẩm vào EU sẽ không bị đánh thuế. Trước đây phần lớn lượng sữa, hạt hướng dương… thừa ra Ukraine chủ yếu xuất khẩu sang Nga, nhưng bây giờ nếu bị EU từ chối thì Ukraine sẽ thực sự bế tắc. Cả Moldova và Gruzia cũng vậy.
Hệ luỵ ít hay nhiều?
Còn đối với Nga, liệu những hệ lụy từ lệnh cấm này có trở nên trầm trọng? Tại cuộc giao ban của Chính phủ, Thủ tướng Nga D.Medvedev đã phải thừa nhận hệ lụy không ít thì nhiều cũng vẫn sẽ xảy ra. Tuy nhiên theo thông báo, các khu vực sản xuất có khả năng thay thế và đáp ứng nhu cầu của thị trường Nga đã được hoạch định và đang triển khai. Các mặt hàng thiết yếu và bình dân, thiếu hụt sẽ không đáng kể. Chỉ có các sản phẩm sữa, thịt, cá cao cấp có xuất xứ từ Tây Âu chắc chắn sẽ thiếu hụt trầm trọng và thậm chí sẽ không có mặt trên các kệ hàng.
Hiện nay Nga mới tự đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu trong nước về nông sản thực phẩm, còn khoảng 40% vẫn phải bù đắp bằng hàng nhập khẩu. Sự thiếu hụt trên thị trường sẽ tạo nên cú hích cho các nhà sản xuất trong nước.
Còn trong ngắn hạn, các nước cận kề với Nga đang nhân cơ hội này để nhảy vào đây tiêu thụ hàng hóa của mình.
Công ty Baorong (Trung Quốc) thông báo đã chuẩn bị xong 70 nghìn m² chợ bán buôn và 30 nghìn m² kho rau quả tại tỉnh Hắc Long Giang để đưa rau quả vào Nga trong thời gian tới.
Phía Belorussia cũng tuyên bố sẽ bảo đảm cung ứng đủ lượng sữa mà Phần Lan đang cung cấp vào Nga. Còn Kazakhstan cũng hứa sẽ đáp ứng tối đa trong khả năng có thể cho Nga các mặt hàng rau, như bắp cải, cà rốt, khoai tây và táo.