Tại sao nhiều quốc gia Vùng Vịnh muốn lùi thời hạn triển khai thuế VAT?
Năm 2016, các quốc gia vùng Vịnh đã cùng ký kết sẽ triển khai thuế VAT nhưng càng gần đến ngày triển khai, nhiều quốc gia lại muốn lùi thời hạn.
Giá dầu xuống thấp đã và đang thúc đẩy các quốc gia Vùng Vịnh tiến hành những thay đổi căn bản trong cách vận hành nền kinh tế. Một trong những bước đi là việc áp thuế giá trị gia tăng (VAT) lên hàng hóa, chấm dứt kỷ nguyên hào phóng của các nền kinh tế.
Tại Vùng Vịnh hiện đã có 2 quốc gia bắt đầu tiến hành đánh thuế giá trị gia tăng là Saudi Arabia và UAE.
Theo một thỏa thuận được ký kết năm 2016, tất cả các quốc gia vùng Vịnh sẽ đều triển khai thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, thỏa thuận này hiện khiến nhiều quốc gia Vùng Vịnh đang phải suy nghĩ.
Mới đây, Oman đã tuyên bố sẽ lùi thời hạn đánh thuế giá trị gia tăng cho tới sau năm 2019 và cho rằng điều này sẽ giúp nền kinh tế chuyển đổi một cách êm dịu hơn. Tính toán của Oman cho thấy việc lùi thời hạn đánh thuế giá trị gia tăng sẽ không tác động tiêu cực tới ngân sách ngược lại còn làm tăng thu ngân sách. Nguyên do bởi thuế giá trị gia tăng nếu được triển khai được dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các ngành du lịch, khách sạn hay thu hút đầu tư của nước này.
Khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đưa ra cũng cho rằng Kuwait, Qatar, Bahrain hay Oman sẽ cần nhiều thời gian hơn để thực hiện thỏa thuận đánh thuế giá trị gia tăng của các nước vùng Vịnh.
Theo tính toán của Tổ chức Kinh tế Oxford, mức thuế giá trị gia tăng 5% Saudi Arabia và UAE đang triển khai sẽ khiến lạm phát của nước này tăng từ 2- 4%, trong khi lại không mấy giúp ích cho tăng trưởng khi xét tới những yếu tố tiêu cực mà nó có thể gây ra tới sức mua hay đầu tư.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy hiện có 44,6% người dân tại UAE lo ngại việc áp thuế giá trị gia tăng sẽ khiến họ không còn có thể xoay xở đủ chi tiêu cho cuộc sống tại một trong những mảnh đất vốn được xem là đắt đỏ nhất hành tinh.
Bahrain mới đây đã tuyên bố họ sẽ lùi thời hạn đánh thuế giá trị gia tăng cho tới khi một ủy ban chung của chính phủ và nghị viện đề ra được những cơ chế hợp lý, đảm bảo có thể xử lý được những tác động tiêu cực mà thuế giá trị gia tăng sẽ mang lại.
Trong khi đó, Kuwait hiện đang tính tới khả năng áp dụng các biện pháp khác thay thế cho thuế gia trị gia tăng. Một trong những đề xuất được đưa ra là áp thuế các công ty có một mức sàn lợi nhuận nhất định thay vì cách áp thuế đại trà như thuế giá trị gia tăng hiện nay.
Một trong những biện pháp thay thế cho thuế giá trị gia tăng cũng đang được dư luận nhiều nước vùng Vịnh đặc biệt cổ vũ là thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào các mặt hàng như thuốc lá, nước ngọt. Ví dụ mức thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào thuốc lá của một số nước tại khu vực này hiện đã ở mức 100% nhưng dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.