Tại sao những khoản tài trợ từ Mỹ lại quan trọng đối với WHO đến như vậy?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm choáng váng nhiều nhà lãnh đạo thế giới và các chuyên gia y tế vào ngày thứ Tư sau khi ông tuyên bố tạm dừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới.
Vào tuần trước, Tổng thống Mỹ đã đe dọa tạm dừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới. Ông Trump cáo buộc WHO đã không kiểm soát được sự lây lan của đại dịch COVID-19 và không hành động đủ nhanh để điều tra khi virus xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019.
Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, đã mô tả đại dịch là một khái niệm chưa từng có và thừa nhận rằng sẽ có "bài học kinh nghiệm" cho các đợt bùng phát trong tương lai.
"Một khi kiểm soát được dịch bệnh này, chúng ta phải dành ra thời gian để tìm hiểu rõ bằng cách nào một căn bệnh như vậy lại xuất hiện và lan truyền nhanh chóng trên toàn cầu. Ngoài ra, chúng ta sẽ xem xét tất cả những bên liên quan đã phản ứng với khủng hoảng như thế nào.
Nhưng bây giờ không phải là lúc đó, cũng không phải là lúc để giảm bớt các nguồn lực cho các hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới hoặc bất kỳ tổ chức nhân đạo nào khác trong cuộc chiến chống lại virus", ông Guterres nói, kêu gọi sự đoàn kết khi thế giới đang đối mặt với đại dịch COVID-19.
WHO được tài trợ bởi một số nguồn lực bao gồm: các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ tư nhân, các quốc gia thành viên và Liên Hợp Quốc.
Mỗi quốc gia thành viên được yêu cầu phải trả lệ phí để trở thành một phần của tổ chức. Những khoản tiền này được tính toán tương đối dựa trên tiềm lực tài chính và dân số của mỗi quốc gia. Hiện tại, những khoản phí chỉ chiếm khoảng một phần tư tổng kinh phí của WHO.
Phần còn lại của ba phần tư đến từ "đóng góp tự nguyện", nghĩa là đóng góp từ các quốc gia thành viên hoặc đối tác.
Trong tất cả các quốc gia, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong chu kỳ tài trợ hai năm từ 2018 đến 2019, quốc gia này đã đóng góp hơn 893 triệu USD cho WHO. Trong tổng số này, có tới 237 triệu USD là khoản phí thành viên bắt buộc và 656 triệu USD là hình thức quyên góp tự nguyện.
Sự đóng góp của Mỹ chiếm 14,67% tổng số tiền đóng góp tự nguyện được đưa ra trên toàn cầu. Nhà tài trợ lớn tiếp theo của WHO là Quỹ Bill và Melinda Gates, một tổ chức tư nhân của Mỹ.
Quốc gia thành viên có đóng góp lớn thứ hai là Vương quốc Anh với 434,8 triệu USD tiền phí và quyên góp trong khoảng thời gian đó, tiếp theo là Đức và Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đóng góp gần 86 triệu USD trong các khoản phí và đóng góp tự nguyện trong chu kỳ tài trợ hai năm từ 2018 đến 2019.
Các nhà phê bình từ lâu đã cáo buộc rằng các quốc gia thành viên sẽ nắm giữ các mức độ ảnh hưởng khác nhau trong WHO phụ thuộc phần lớn vào khả năng chính trị và tài chính của họ.
Các nhà tài trợ lớn như Mỹ được một số người coi là có ảnh hưởng quá mức. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và các đồng minh đã rời khỏi WHO trong một khoảng thời gian vì họ cảm thấy Mỹ có quá nhiều ảnh hưởng trong tổ chức.
Gần đây, sự hoài nghi tương tự đã nhắm vào mối quan hệ của WHO với Trung Quốc. Các nhà phê bình đã đặt câu hỏi liệu WHO có đủ độc lập hay không, với sự giàu có và quyền lực đang gia tăng của Trung Quốc.
Vào ngày thứ Tư, Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông đã ám chỉ sự gia tăng về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với WHO, liên quan đến đại dịch COVID-19.
"Nếu WHO thực hiện đúng nhiệm vụ của mình để đưa các chuyên gia y tế vào Trung Quốc nhằm đánh giá khách quan tình hình trên đại lục và chỉ ra sự thiếu minh bạch của Trung Quốc, thì dịch bệnh đã có thể được ngăn chặn tại nguồn bệnh với rất ít trường hợp tử vong", ông Trump nói.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thẳng thừng hơn, tuyên bố rằng WHO "từ chối gọi đây là đại dịch trong một thời gian dài bởi vì thật lòng mà nói, chính phủ Trung Quốc không muốn điều đó xảy ra".
Ngay lập tức, WHO đã phản ứng với những cáo buộc này bằng cách kêu gọi các nước thành viên không chính trị hóa đại dịch.
"Mỹ và Trung Quốc nên đoàn kết với nhau và chiến đấu với kẻ thù nguy hiểm này", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một tuyên bố.