Tại sao Trung Quốc dẫn đầu thị trường vàng toàn cầu?
Trung Quốc hiện là một trong những nhà nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới, tham gia vào việc thiết lập giá vàng tại sàn giao dịch London và có kế hoạch xây dựng một trung tâm đầu tư vàng tại Thượng Hải.
Những động thái đó đã giúp Trung Quốc trở thành một trong những nước có vai trò hàng đầu trong điều khiển thị trường vàng toàn cầu năm 2016.
Linh hoạt trong điều chỉnh chính sách
2016 là năm thứ 4 liên tiếp, giá kim loại quý này tiếp tục giảm. Lần gần nhất giá vàng cũng giảm theo xu hướng này là năm 1988 và 1992. Sự sụt giảm của giá vàng thế giới tạo thuận lợi cho Trung Quốc - nước nhập khẩu vàng miếng, tiền vàng đầu tư (investment gold coins) và vàng tinh chế lớn nhất thế giới.
Mặc dù vàng giảm giá nhưng hiệu suất của kim loại quý này vẫn còn cao hơn so với tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng. Vì vậy, Trung Quốc tự thấy mình đứng trước hai hướng đi. Một là, người mua vàng của Trung Quốc có thể dễ dàng xâm nhập vào thị trường toàn cầu. Hai là, chủ sở hữu vàng, bao gồm cả Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và các khách hàng cá nhân, có thể tận dụng lợi thế phục hồi chậm của giá cả.
Để hạn chế dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc, chính phủ nước này hạn chế nhập khẩu vàng. Các ngân hàng đã và đang được phép thực hiện các hoạt động với kim loại quý này phải đối mặt với vấn đề nhập khẩu. Như vậy, việc nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới hạn chế nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng đến giá cả toàn cầu, Andrei Vyazovsky, Phó chủ tịch Công ty đầu tư vàng Zoloto MD của Nga cho biết.
"Những hạn chế đó ở Trung Quốc cùng với cuộc cải cách tiền tệ ở Ấn Độ đã dẫn đến việc suy giảm giá vàng thế giới. Giá vàng, cho tới nay, đã giảm xuống nhiều và đang ở mức 1.130 USD/ounce. Đồng thời, những gì Bắc Kinh đang thực hiện lại không phải đi theo một chính sách tài chính chính thức nào cả do các biện pháp được áp dụng dựa trên cơ sở từng trường hợp”, theo ông Vyazovsky.
Hướng đến thị trường xuất khẩu vàng
“Dường như chính quyền Trung Quốc đang muốn phân tích tác động của những hạn ngạch trong dòng vốn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ giảm bớt hoặc xóa bỏ các hạn chế này trong năm 2017.
Chính phủ Trung Quốc cũng dự định xây dựng một trung tâm giao dịch vàng toàn cầu tại nước này. Hơn nữa, Sàn giao dịch vàng Thượng Hải vẫn đang phát triển mạnh. Vì vậy, bất kỳ hạn chế hành chính nào cũng sẽ tác động tiêu cực đến các kế hoạch đó", ông Vyazovsky cho biết thêm.
Trong năm 2016, lần đầu tiên, Trung Quốc giới thiệu cơ chế thiết lập giá vàng của mình tại Sàn giao dịch vàng Thượng Hải, làm cho nó trở thành một trong những sàn kinh doanh hàng đầu thế giới. Đó là câu chuyện của hồi tháng 5, Ngân hàng Standard ICBC của Trung Quốc đã mua 2.000 tấn vàng từ Ngân hàng Barclays (Anh), chính thức ghi dấu ấn của mình khi tham gia vào Sàn giao dịch London.
Giao dịch này chuyển tải thông điệp "tin tưởng vào chiều sâu và sức mạnh của London, thị trường vàng quốc tế của thế giới," Ruth Crowell, người đứng đầu Hiệp hội Thị trường vàng London (LBMA), từng nói như vậy với tờ The Financial Times về sự kiện này.
Thêm vào đó, người ta phát hiện ra rằng Barclays và ít nhất 10 ngân hàng khác, kể cả JPMorgan Chase, Deutsche Bank,… đã có những thao tác tác động tới giá vàng và giá bạc. Sau một loạt các vụ bê bối, danh sách các ngân hàng bao gồm cả Hiệp hội thị trường vàng London (LBMA) đã được mở rộng, bổ sung thêm ba tổ chức tài chính Trung Quốc, bao gồm cả Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC).
Kết quả là, danh tiếng của Trung Quốc trong thị trường vàng toàn cầu đã tăng lên đáng kể, theo Vyazovsky. "Những năm gần đây, Trung Quốc tăng nhập khẩu vàng. Chính phủ cũng có kế hoạch thành lập một trung tâm giao dịch vàng quốc tế tại Thượng Hải. Đây là lý do hợp lý cho việc thành lập Sàn định giá vàng Thượng Hải. Hơn nữa, việc này cũng nhằm mục đích tăng cường tính minh bạch trên thị trường. Về lâu dài, Trung Quốc có thể bắt đầu xuất khẩu vàng", chuyên gia này nói.