Trung Quốc trở thành nhà đầu tư bất động sản lớn nhất thế giới
Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà đầu tư bất động sản (BĐS) xuyên quốc gia lớn nhất thế giới trong quý III năm 2016, với tổng vốn đầu tư trong 9 tháng đầu năm đã hơn tổng vốn đầu tư kỷ lục của quốc gia này trong cả năm 2015.
Hongkong và Mỹ thu hút nhà đầu tư Trung Quốc Đại lục
Trong 3 quý đầu năm nay, các nhà đầu tư Đại lục (Trung Quốc) gồm các doanh nghiệp nhà nước, các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư quốc gia đã đầu tư gần 18 tỷ USD vào BĐS thương mại nằm ngoài Đại lục, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ghi nhận của công ty nghiên cứu bất động sản và tài chính Jones Lang Lasalle (JLL), Hoa Kỳ và Hongkong (Trung Quốc) là một trong những điểm đến đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp từ Đại lục (Trung Quốc).
Ông David Green Morgan, Giám đốc nghiên cứu thị trường vốn toàn cầu nói: “Hiện tại Trung Quốc đã vượt qua Đức và Mỹ để chính thức trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và có thể sẽ tiếp tục nắm giữ vị trí này trong những năm tới”. “Nguồn vốn nền tại Trung Quốc là rất lớn và họ chỉ mới bắt đầu đầu tư vào bất động sản cũng như đang tìm kiếm những cơ hội trên toàn cầu”.
JLL ước tính các công ty bảo hiểm Trung Quốc có thể đầu tư 250 tỷ USD trực tiếp vào bất động sản, dựa trên vốn đầu tư đang quản lý của các công ty này.
Ông Darren Xia, Giám đốc bộ phận Vốn Quốc tế tại JLL cho biết, vốn đầu tư của Trung Quốc vào bất động sản thương mại và nhà ở trong những tháng gần đây tập trung vào một trong hai xu hướng chính: Tìm kiếm sự ổn định hoặc tìm kiếm cơ hội. Ông nói thêm: “Đầu năm nay, với những rủi ro về địa chính trị, bao gồm cả những bất ổn từ Brexit và suy thoái kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường Mỹ vẫn ổn định”.
Theo số liệu mới công bố trong tháng 10 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong vòng hai năm ba tháng, tính đến cuối tháng 9. Nền kinh tế lớn nhất thế giới này đạt tỉ lệ tăng trưởng hằng năm ở mức 2,9%.
Đặc biệt, các nhà đầu tư Trung Quốc Đại lục tiếp tục coi thị trường BĐS Hongkong (Trung Quốc) là một trung tâm đầu tư quan trọng, và dự kiến dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này sẽ tiếp tục gia tăng. 10 tháng đầu năm 2016, các nhà đầu tư Đại lục đã “đổ” tổng cộng hơn 2,18 tỷ USD vào BĐS thương mại tại Hongkong.
Theo JLL, trong số các giao dịch quốc tế đáng chú ý của các nhà đầu tư Trung Quốc là thương vụ mua dự án U.S. Strategic Hotels & Resorts của Tập đoàn bảo hiểm Anbang từ Blackstone với gần 6,5 tỷ USD và Tập đoàn Chung Kei mua lại Tòa tháp One Harbourgate East với giá khoảng 580 triệu USD.
Dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục tăng
Theo dữ liệu của JLL, trung bình 7 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng vốn xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã không giảm xuống dưới hai con số. Từ dưới 1 tỉ USD trong năm 2007, tính đến nay, kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này đạt trên 20 tỉ USD mỗi năm.
Theo Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE), cơ quan này đã tiến hành điều tiết dòng vốn nước ngoài. Trong 9 tháng đầu năm nay, giao dịch ngoại hối ròng của các cá nhân và công ty đạt 243,4 tỷ USD. Tuy nhiên, so với năm 2015, giao dịch ngoại hối năm nay đã giảm đáng kể (465,9 tỉ USD trong năm 2015). Điều này được lý giải là do nhà đầu tư bị hoang mang bởi sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Trong khi đó, lượng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm xuống 3,17 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 9/2016 từ mức đỉnh điểm là 3,99 nghìn tỷ USD vào tháng 6/2014, cho thấy nguồn vốn đầu tư mới ra nước ngoài cũng như Chính phủ Trung Quốc đã bán đồng USD để hỗ trợ cho đồng Nhân dân tệ.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm các cơ hội làm ăn đã khiến các nhà đầu tư Trung Quốc mua được những BĐS với giá tốt sau sự suy yếu của đồng Bảng Anh. Theo thống kê, đồng Bảng Anh đã giảm giá khoảng 17% tính từ đầu năm đến nay, kể từ khi Anh quyết định rời khỏi Khối liên minh Châu Âu. Các nhà đầu tư tại Đại lục Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 1,4 tỷ Bảng Anh vào BĐS thương mại tại Anh trong 9 tháng đầu năm 2016.
Theo dự báo của JLL, từ nay đến hết năm 2016, cùng với chiến lược mở rộng của Trung Quốc, các chuyên gia tài chính tin rằng, lượng đầu tư thương mại toàn cầu của nước này sẽ đạt khoảng 630 tỷ USD.
Năm 2017, dự báo các giao dịch thương mại của Trung Quốc trên toàn cầu có thể đạt mốc 700 tỷ USD, với lượng vốn không ngừng đầu tư vào thị trường BĐS và tiếp tục củng cố tình hình hoạt động ổn định của các thị trường liên quan.