Tại sao Việt Nam có tỉ lệ thất nghiệp thấp?

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Dân số, lao động là chỉ tiêu có tầm quan trọng hàng đầu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê từ xã, huyện, đến tỉnh và cả nước, vì đây không chỉ là chỉ tiêu điều kiện, chỉ tiêu kinh tế mà còn là chỉ tiêu xã hội.

Trong cơ chế thị trường, lao động có sự di động liên tục. Nguồn: internet
Trong cơ chế thị trường, lao động có sự di động liên tục. Nguồn: internet

Tuy nhiên, việc thống kê về dân số, lao động lại rất khó khăn. Bởi hiện tượng sinh/chết diễn ra trong từng giây nên rất khó cập nhật số liệu chính xác về dân số. Trong cơ chế thị trường, lao động có sự di động liên tục, chuyển từ nông thôn ra thành thị, chuyển từ vùng này sang vùng khác, từ ngành, nghề này sang ngành, nghề khác… khiến việc thống kê chính xác về số lượng lao động cũng không dễ dàng.

Đó là chưa kể các chỉ tiêu về chất lượng dân số như: Tổng tỷ suất sinh, tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi, tỷ lệ biết chữ, nghề nghiệp, năng suất lao động, thu nhập, tỷ lệ đào tạo… Trong khi tổng điều tra dân số 10 năm mới làm 1 lần, nhu cầu thông tin về dân số, lao động lại đòi hỏi hằng năm và có ở tất cả các cấp hành chính…

Về lý thuyết, chất lượng thông tin thống kê về dân số, lao động phụ thuộc vào 3 yếu tố cơ bản, gồm: Tính chính xác (độ tin cậy), tính đầy đủ và tính kịp thời của thông tin. Nhìn tổng quát, độ tin cậy của các thị trường dân số, lao động chủ yếu đã được cải thiện so với trước, từ tổng dân số, chia theo nam-nữ, chia theo thành thị-nông thôn, tỷ suất sinh, tỷ suất chết, tỷ suất tăng tự nhiên, tỷ suất di cư thuần, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh, tỷ lệ biết chữ, lực lượng lao động, lao động đang làm việc, lao động đang làm việc chia theo ngành, chia theo loại  hình kinh tế, năng suất lao động.

Tuy nhiên, người dùng thông tin còn thắc mắc về độ tin cậy của một số chỉ tiêu, tập trung vào 3 chỉ tiêu chủ yếu là: Tỷ lệ thất nghiệp; giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo.

Trước hết là tỷ lệ thất nghiệp. Đúng là tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thuộc loại thấp so với nhiều nước, bởi một số lý do.

Thứ nhất, Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp. GDP do nông-lâm nghiệp-thủy sản tạo ra còn chiếm trên dưới 20% GDP. Số lao động đang làm việc trong nhóm ngành này còn chiếm tới gần một nửa, dân số nông thôn còn chiếm trên 68%...

Việt Nam có nền kinh tế phi chính thức còn lớn và có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây (năm 2010 là 34,6%, năm 2011 là 35,8%, năm 2012 là 36,6%). Bên cạnh đó, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam chưa phát triển (bảo hiểm thất nghiệp mới được hình thành mấy năm, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn thấp…). Khái niệm “thất nghiệp” theo chuẩn quốc tế “quá thấp” (trong 7 ngày nếu có 1 giờ có việc làm vẫn được coi là có việc làm).

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị đã giảm liên tục (từ 4,65% trong năm 2008 xuống 4,6% năm 2009, xuống 4,29% năm 2010, xuống 3,6% năm 2011, xuống còn 3,21% năm 2012).

Xu hướng này lại xảy ra trong điều kiện tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, số doanh nghiệp bị ngừng hoạt động hay phá sản trong vài năm vừa rồi tương đối lớn. Tổng cục Thống kê cần phải giải trình, việc tính toán theo phương pháp quốc tế là cần thiết, nhưng cần vận dụng phù hợp với thực tế của Việt Nam.

Một chỉ tiêu khác rất quan trọng là giải quyết việc làm. Mấy năm nay, cả chỉ tiêu kế hoạch và chỉ tiêu thực hiện đều trên dưới 1,5 triệu người. Tổng cục Thống kê chưa công bố con số này, mà do Bộ KHĐT sử dụng số liệu của Bộ LĐTBXH (còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lao động đang làm việc năm 2012 so với năm 2008 tăng 5,24 triệu người, bình quân 1 năm tăng gần 1,31 triệu người).

Có thể, việc tính toán của Bộ LĐTBXH đã tính cả số lao động đang làm việc ở ngành này (chủ yếu từ nhóm ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản) chuyển sang làm việc ở các nhóm ngành khác (nhóm ngành công nghiệp-xây dựng và nhóm ngành dịch vụ), không hoàn toàn là số lao động được giải quyết việc làm mới.

Một chỉ tiêu khác nữa là tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo. Tỷ lệ này hằng năm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư sử dụng nguồn thông tin từ các bộ, ngành để báo cáo và xây dựng thành chỉ tiêu kế hoạch (theo báo cáo này thì chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 là 49%, năm 2015 là 55%, năm 2020 là 70%; ước thực hiện năm 2013 đạt 49%).

Tổng cục Thống kê trước đây chưa công bố chỉ tiêu này; Niên giám Thống kê năm 2012 công bố tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp hơn nhiều (năm 2012, nếu tính trên số lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2012 là 16,6%; nếu tính trên số lao động trong độ tuổi là 17,6%), chỉ bằng trên 1/3 số liệu của bộ, ngành.

Chênh lệch lớn này có một phần quan trọng do khái niệm có sự khác nhau. Theo Tổng cục Thống kê, lao động đã qua đào tạo là những người đã học và tốt nghiệp ở một trường lớp đào tạo chuyên môn kỹ thuật của cấp học hoặc trình độ đào tạo tương đương thuộc Hệ thống giáo dục quốc dân từ 3 tháng trở lên (có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo). Khái niệm này khác hẳn với khái niệm không có văn bằng hoặc chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo.

Về tính đầy đủ, sự tiến bộ đạt nhiều sự cải thiện hơn. Cách đây mấy năm, Niên giám Thống kê của Tổng cục Thống kê chỉ có dăm bảy chỉ tiêu với một số phân tổ nhất định. Nhưng đến năm 2012, số chỉ tiêu đã nhiều hơn hẳn.

Những chỉ tiêu tăng lên gồm có: Tỷ số giới tính của dân số, tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh; tỷ suất sinh, tỷ suất chết, tỷ lệ tăng tự nhiên (có chia theo địa phương); tổng tỷ suất sinh; tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi, của trẻ em dưới 5 tuổi; tỷ suất nhập cư, xuất cư và di cư thuần; tuổi thọ trung bình; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ; lực lượng lao động, lao động đang làm việc, nghề nghiệp và vị thế việc làm, tỷ lệ đào tạo, năng suất lao động, thu nhập bình quân đầu người…

Các chỉ tiêu trên ngoài tổng số, còn được phân tổ theo rất nhiều chi tiết để đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng thông tin trong việc nghiên cứu, đề ra các chính sách, kế hoạch… Trong các phân tổ chi tiết, gần đây đã có thêm một phân tổ mới là số lao động đang làm việc phân theo nghề nghiệp và phân theo vị thế việc làm - những phân tổ rất có ý nghĩa đối với công tác đào tạo, đối với việc xác định vị thế, trong đó có số lượng chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, một trong những bộ phận của số doanh nhân Việt Nam lần đầu tiên được hé lộ.

Tuy nhiên, về dân số, lao động vẫn còn thiếu một số chỉ tiêu quan trọng, như số hộ phân theo loại hộ, số nhân khẩu bình quân 1 hộ, cân đối nguồn lao động, số người đóng và hưởng trợ cấp thất nghiệp, cơ cấu số người bị thất nghiệp, tốc độ tăng năng suất lao động và tốc độ tăng tiền lương, đào tạo nghề chưa đưa lên Niên giám Thống kê, tai nạn lao động…

Về tính kịp thời, nhìn chung đã có sự cải thiện. Trong báo cáo cuối năm đã có ước tính về một số chỉ tiêu dân số, lao động việc làm, thất nghiệp và thiếu việc làm… là một cố gắng lớn. Tuy nhiên, so với nhu cầu thông tin thì cần phải cung cấp kịp thời hơn nữa.

Để phát huy các kết quả tích cực, khắc phục những hạn chế, yếu kém, cần phải làm tốt một số công việc. Thứ nhất, các ngành, các cấp cần vận động nhân dân làm tốt các công việc thuộc về hồ sơ hành chính (kết hôn, ly hôn, khai sinh, khai tử, nhập cư, xuất cảnh…). Thứ hai, cần đầu tư cơ sở vật chất để hiện đại hóa hoạt động thống kê; xây dựng và kết nối hệ thống dữ liệu thống kê của các cơ quan với cơ quan thống kê. Thứ ba, cần sớm hình thành các cơ sở dữ liệu về lao động, việc làm. Cuối cùng, Bộ LĐTBXH cần sớm hình thành tổ chức thống kê để tổ chức việc thu thập, tổng hợp, báo cáo và công bố các thông tin thống kê được Thủ tướng Chính phủ quy định trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với bộ, ngành…