Tâm điểm tăng vốn mùa đại hội cổ đông

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Năm 2019, quá trình tăng vốn của các ngân hàng càng trở nên gấp gáp, trong khi cửa tăng vẫn đóng. Để giải quyết tình thế, một số nhà băng chọn phương án giữ lại lợi nhuận.

Nếu không tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel 2, các ngân hàng sẽ không thể tăng trưởng tín dụng được. Nguồn: Internet
Nếu không tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel 2, các ngân hàng sẽ không thể tăng trưởng tín dụng được. Nguồn: Internet

Theo thống kê mới nhất về hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước cuối tháng 11/2018 chỉ còn 9,33%, thấp hơn nhiều so với bình quân của hệ thống là trên 12%.

Lãnh đạo một số NHTM thừa nhận, nếu không tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel 2, các ngân hàng sẽ không thể tăng trưởng tín dụng được.

Xin giữ lại lợi nhuận

Chia sẻ quan điểm này tại Hội nghị ngành ngân hàng cuối năm ngoái, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ đã phải thốt lên: "Việc tăng vốn điều lệ cho VietinBank là điều đặc biệt cấp bách".

Ông Thọ cho biết nếu VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, việc tham gia tài trợ vốn cho các dự án quan trọng của đất nước.

Để giải quyết tình thế, một số ngân hàng đã chọn phương án giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu. VietinBank đã kiến nghị lên Thủ tướng phương án tăng vốn trước mắt là chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nay đến năm 2020 thay vì buộc phải chia bằng tiền mặt như yêu cầu của Bộ Tài chính. Như vậy sẽ giúp VietinBank giữ lại được hàng nghìn tỷ đồng. Hiện, nhà băng này đang chuẩn bị cho cuộc họp Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) sắp tới, dự kiến phương án chia cổ tức sẽ là tâm điểm.

Thuận lợi hơn so với "người anh em" VietinBank, vào cuối tháng 1 vừa qua, Vietcombank đã hoàn tất việc tăng vốn lên hơn 37.000 tỷ đồng bằng phương án bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư Mizuho (Nhật Bản) và 2,55% cổ phần cho nhà đầu tư GIC (Singapore).

Theo tiết lộ của nhà băng này, nội dung tăng vốn sẽ tiếp tục được thông qua trong cuộc họp ĐHCĐ diễn ra vào tháng 4 tới. Có thể, Vietcombank tiếp tục thực hiện tăng vốn qua việc tiếp tục phát hành riêng lẻ do tỷ lệ sở hữu của đối tác ngoại vẫn còn dung lượng.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng sẽ không bỏ lỡ phương án phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (chia cổ phiếu thưởng) và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Tăng vốn không chỉ là vấn đề khó khăn đối với các ngân hàng quốc doanh, mà một số NHTM cổ phần cũng xin giữ lại lợi nhuận. Điển hình như VPBank vừa xin ý kiến cổ đông thông qua tổng lợi nhuận chưa phân phối của năm 2018 sau khi trích các quỹ hơn 3.431 tỷ đồng sẽ được giữ lại toàn bộ nhằm mục đích bổ sung vốn cho hoạt động của VPBank. Dự kiến, phương án này sẽ được trình cổ đông trong ĐHCĐ sắp tới.

Tỷ lệ CAR giảm mạnh

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một chuyên gia ngành ngân hàng thừa nhận: "Tỷ lệ CAR của hệ thống đã giảm do khả năng tăng vốn tự có hạn chế, trong khi nhu cầu tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế rất cao. Đây là một thách thức đối với hệ thống ngân hàng, nhất là những NHTM nhà nước phải duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế".

Tại phiên họp mới nhất của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, vấn đề tăng vốn cũng được đưa ra bàn thảo. Các thành viên Hội đồng đánh giá đây là một nhu cầu rất bức thiết của các ngân hàng cần phải đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nhận định vấn đề lớn nhất của hệ thống ngân hàng hiện nay không phải là câu chuyện nợ xấu, mà là tăng vốn. Theo yêu cầu, mỗi năm khu vực ngân hàng cần bổ sung khoảng 3-4 tỷ USD vốn, nhưng thực tế mới chỉ đạt được một nửa số này.

Đặc biệt ở khối ngân hàng nhà nước gồm Agribank, BIDV, VietinBank đang tương đối khó khăn trong việc tăng vốn, nên Chính phủ cần đưa ra một lộ trình tăng vốn cụ thể cho các ngân hàng này, bởi đây là các trụ cột của nền kinh tế, của chính sách công nghiệp hóa nói chung.

Theo ông Nghĩa, phương án cho phép giữ lại lợi nhuận để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ phù hợp, bởi đây là nền tảng quan trọng giúp cho ngân hàng phát triển an toàn, bền vững, gia tăng khả năng sinh lời trong tương lai.

"Hình thức này tạo sức ép đối với các cổ đông phải có trách nhiệm hơn đối với ngân hàng, nhưng về lâu dài, cổ đông sẽ là người được hưởng lợi", ông Nghĩa chia sẻ.

Theo một chuyên gia, trong thời gian tới, khi tăng trưởng kinh tế của đất nước tiếp tục cải thiện, nhu cầu vốn cũng tăng lên mạnh, các ngân hàng bắt buộc phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Do đó, việc tăng vốn không chỉ đáp ứng quy định chuẩn Basel 2 mà còn là "giấy thông hành" để Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng.

Ngoài ra, việc tăng vốn cũng sẽ là động lực thu hút các nhà đầu tư bên ngoài, bởi đầu tư vào ngân hàng nào có tăng trưởng tín dụng cao thì lợi nhuận thu được cũng sẽ cao hơn.