Tầm quan trọng của các Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về năng lượng xanh

Linh Nguyễn

Với việc ban hành các tiêu chuẩn tiêu biểu phục vụ năng lượng xanh được kì vọng sẽ khuyến khích chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, mở ra thị trường cho những đổi mới nhằm giải quyết thách thức năng lượng toàn cầu.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia tạo điều kiện cho các giải pháp xanh.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia tạo điều kiện cho các giải pháp xanh.

Hiện nay Chính phủ có nhiều chính sác khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch. Đây là xu hướng tất yếu giúp chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh, đảm bảo cho các mục tiêu phát triển bền vững trên tất cả các mặt, bao gồm khí hậu, tài nguyên, đa dạng giới và hòa nhập…

Năng lượng xanh chính là tạo ra nguồn năng lượng không gây hại đến môi trường sống của con người. Năng lượng xanh có rất nhiều loại, đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong thực tế đời sống. Hiện nay những nguồn năng lượng xanh được nhắc đến là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng, năng lượng nước, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối, năng lượng nhiên liệu sinh học… bao gồm cả năng lượng hạt nhân vì trong trạng thái hoạt động nó sản sinh lượng chất thải thấp hơn nhiều lần so với sử dụng than đá hoặc dầu mỏ.

Năng lượng xanh cũng là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa trong dài hạn. Đặc biệt, năng lượng xanh lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh…

Năng lượng xanh mang lại nhiều lợi ích cho con người như: góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, năng lượng xanh là nguồn năng lượng vô hạn…, hướng chúng ta đến sự phát triển văn minh và bền vững. Lợi ích của năng lượng xanh đang được khai thác mạnh mẽ trên toàn thế giới, là định hướng đúng và cần được phát huy nhiều hơn nữa.

Có thể kể đến một số tiêu chuẩn tiêu biểu phục vụ năng lượng xanh đã công bố như: Bộ Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) ISO 50000 về hệ thống quản lý năng lượng; Bộ TCVN ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường; TCVN ISO 14064 về định lượng và báo cáo khí nhà kính; TCVN ISO 14025 về nhãn môi trường và công bố môi trường chỉ là một số tiêu chuẩn giúp các tổ chức giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua việc sử dụng năng lượng thông minh hơn; Bộ TCVN 12678 (IEC 60904) về thiết bị quang điện; bộ TCVN 10687 (IEC 61400) về tuabin gió; TCVN 12776 (ISO 13064) về hiệu suất mô tô và xe máy điện; TCVN 12505 (ISO 8714) để đo suất tiêu thụ năng lượng của xe ô tô con chạy bằng điện và Bộ TCVN 10469 (ISO 23274) để đo chất phát thải và tiêu thụ nhiên liệu của xe hybrid.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, Tiêu chuẩn tạo điều kiện cho các giải pháp xanh, liên quan đến việc giảm tác động khí hậu và liên quan đến việc triển khai và thực hiện các giải pháp xanh trên toàn chuỗi giá trị. Tiêu chuẩn có vai trò rất quan trọng đối với sự chuyển đổi xanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, nó có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi xanh, giảm tác động đến môi trường, tăng cường sử dụng các vật liệu thân thiện với khí hậu và phân phối nhiều hơn các giải pháp xanh là lợi ích của việc áp dụng các tiêu chuẩn liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh.

Các tiêu chuẩn cũng có ý nghĩa to lớn đối với quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt là vì khả năng chuyển đổi thị trường theo hướng xanh hơn và hoạt động như một yếu tố thúc đẩy cho công nghệ mới. Theo đó, các tiêu chuẩn hoạt động như một ngôn ngữ chung, giúp xác định và chứng minh các sản phẩm và giải pháp xanh tuân thủ các tiêu chuẩn và từ đó ghi nhận chất lượng sản phẩm phù hợp thì việc tiếp thị và bán chúng cho khách hàng sẽ dễ dàng hơn. Về cơ bản, các tiêu chuẩn cung cấp cho khách hàng sự tin tưởng rằng các sản phẩm và dịch vụ mà họ mua là xanh.

Tiêu chuẩn giúp các tổ chức giảm tiêu thụ năng lượng và áp dụng các công nghệ năng lượng tái tạo, đảm bảo khả năng tương tác, khuyến khích chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, mở ra thị trường cho những đổi mới nhằm giải quyết thách thức năng lượng toàn cầu. Các tiêu chuẩn về năng lượng giúp hướng tới “năng lượng sạch và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người”, một trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, lộ trình toàn cầu mới nhằm cải thiện cuộc sống của con người vào năm 2030.