Áp dụng năng suất xanh tại doanh nghiệp để thực hiện cam kết Hội nghị COP26
Trong bối cảnh hiện nay, việc yêu cầu các doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng các tiêu chí về năng suất xanh là rất cần thiết, đặc biệt là khi Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26.
Khái niệm năng suất xanh ra đời từ năm 1994 do Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) khởi xướng. Mục tiêu của chiến lược này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, tổ chức, DN và các bên liên quan về việc sản xuất và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phải thân thiện với môi trường.
Việc áp dụng năng suất xanh đem lại nhiều lợi ích cho DN khi loại bỏ các lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí sản xuất và vận hành DN, tạo ra sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, áp dụng năng suất xanh giúp nâng cao hình ảnh công ty trong mắt khách hàng, đối tác và các bên liên quan với tư cách là một DN tiến bộ và có trách nhiệm với cộng đồng, đồng thời xây dựng DN theo hướng phát triển bền vững.
Có một số hệ thống các công cụ hỗ trợ năng suất xanh như: Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001, hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001; mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GLOBAL GAP), các giải pháp quản lý: 3R, 5S, Benchmarking…
Tại Việt Nam, từ năm 1998, các mô hình về năng suất xanh đã được triển khai tại cộng đồng ở 20 địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ đã giúp người dân, DN hiểu về khái niệm, cách tiếp cận và biết cách dùng các công cụ phân tích đánh giá vấn đề, đưa ra lựa chọn ưu tiên..
Việc áp dụng năng suất xanh cũng đem lại những lợi ích cho DN trên thực tế. Minh chứng cho lợi ích loại bỏ các lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là việc sau khi áp dụng mô hình năng suất xanh, Công ty Cổ phần Giấy Hiệp Thành đã tiết giảm 4% lượng phế phẩm giấy nguyên liệu đầu vào trung bình sản xuất hàng tháng. Lợi ích từ việc tiết kiệm chi phí sản xuất và vận hành DN cũng được thể hiện qua việc công ty này đã giảm chi phí điện năng tiêu thụ, vỏ điều sử dụng tại khu vực lò hơi gần 140 triệu đồng/năm.
Tại Công ty TNHH Rau Quả Hùng Hậu, việc áp dụng năng suất xanh đã giúp lượng nước và điện tiêu thụ giảm đến 15%, tiết kiệm từ 33 - 46% lượng phế phẩm, lượng chất thải và chi phí xử lý chất thải giảm đến 10%, năng suất của công nhân tăng lên nhờ vậy mà thời gian làm việc của công nhân tại các công đoạn giảm 16,67%.
Tuy nhiên, trên thực tế, tại khu vực DN, việc đáp ứng các tiêu chí về năng suất xanh trong thời gian qua còn hạn chế. Việc triển khai năng suất xanh chủ yếu tập trung ở những DN có quy mô tương đối lớn, trong khi phần lớn các DN ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ.
Do đó, theo các chuyên gia, xuất phát từ những lợi ích thiết thực của việc áp dụng năng suất xanh, không chỉ giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động cho DN mà còn hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững, rất cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về năng suất xanh tại DN trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề này, tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, triển khai ứng dụng các giải pháp năng suất xanh, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ DN áp dụng năng suất xanh...
Ngay sau đó, năm 2021, trong khuôn khổ dự án “Năng lực thực hiện nền kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh” của APO, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cũng đã tổ chức một cuộc khảo sát nhanh để xem xét ảnh hưởng của chính sách năng suất xanh, sản xuất xanh và kinh tế tuần hoàn đối với hoạt động kinh doanh ở cấp DN, tổ chức.
Được biết, kết quả khảo sát sẽ là cơ sở để APO, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng xem xét, nghiên cứu và xây dựng các chương trình đào tạo, tư vấn về năng suất xanh, sản xuất xanh và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho các DN, tổ chức ở Việt Nam trong khuôn khổ của các chương trình, dự án của APO.
Theo cá chuyên gia, việc áp dụng năng suất xanh trong mọi ngành, mọi lĩnh vực cần phải được đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa. Và để thúc đẩy áp dụng năng suất xanh tại DN rất cần vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra các thách thức, sức ép cho DN.