Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính: Ưu tiên tiết kiệm, chống lãng phí ngân sách

Theo Tuổi trẻ

(Tài chính) Đó là thông điệp của tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong cuộc trao đổi cởi mở với báo chí sau khi được Quốc hội phê chuẩn vào cương vị mới ngày 24/5.

PV: Mới đây Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan có nhận xét “tình hình kinh tế gay go lắm rồi”. Nhận nhiệm vụ tư lệnh lĩnh vực liên quan trực tiếp đến thu chi ngân sách trong bối cảnh đó, nhiều người nói ông đang ngồi vào ghế “nóng”?

Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính: Ưu tiên tiết kiệm, chống lãng phí ngân sách - Ảnh 1
Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính
Đinh Tiến Dũng

Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Với tôi, việc nhận nhiệm vụ mới là vinh dự, đồng thời cũng nhận thấy rất rõ trọng trách của mình, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Bản thân phải nỗ lực hết sức cho công việc, trước hết là nắm lại tình hình, rồi làm sao quy tụ anh em trong ngành Tài chính trên dưới một lòng vì sự nghiệp chung.

Hiện nay phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao hơn và lạm phát thấp hơn năm vừa qua.

Nhu cầu chi tiêu của đất nước trong từng lĩnh vực đều rất lớn, vì vậy một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Tài chính là đảm bảo cân đối thu chi ngân sách, đồng thời siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương tài khóa, thực hiện công khai minh bạch để tăng cường sự kiểm tra giám sát của Nhà nước và xã hội.

Đâu sẽ là những ưu tiên hành động của tân bộ trưởng?

Phải nắm chắc tình hình thu - chi ngân sách nhà nước, các giải pháp để tăng thu ngân sách trên cơ sở quy định pháp luật, chống thất thu, xử lý nợ đọng, giảm chi ngân sách, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách.

Ví dụ như rà soát để cắt bỏ những khoản chi không cần thiết, tiết kiệm kinh phí chi cho việc tổ chức hội họp, đi nước ngoài. Tất nhiên phải bằng những việc hết sức cụ thể cả trên bình diện quốc gia cũng như trong từng ngành, từng địa phương.

Khi tôi về làm Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chủ trương tiết kiệm tối đa, trước đây họp hành có khi toàn ngành trên cả nước về Hà Nội, nhưng tôi cho triển khai họp trực tuyến. Tết vừa rồi Kiểm toán Nhà nước tổ chức chúc tết trực tuyến, chỉ 20 phút là xong.

Làm như vậy tránh được rất nhiều tình trạng bay ra bay vô, ôtô đi lại, sinh ra nhiều chuyện. Cuối năm tôi chỉ đạo văn phòng thống kê lại từ cấp vụ phó trở lên xem một năm đi công tác bao nhiêu chuyến, vào việc gì, kinh phí hết bao nhiêu và gửi cho từng người, qua đó tự nhiên ý thức tiết kiệm tốt hơn.

Một công việc quan trọng nữa mà tôi nghĩ ngành tài chính phải tập trung hiện nay là tiếp tục triển khai những chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Nắm chắc tình hình nợ công, đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia theo các luật của Quốc hội và quy chuẩn quốc tế.

Tại kỳ họp Quốc hội lần này các đại biểu cũng nói nhiều đến việc gỡ khó cho doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu và khoan thư sức dân, ông nghĩ sao?

Đúng là doanh nghiệp “đóng băng” thì tình hình sẽ khó khăn, chúng ta phải gỡ khó cho doanh nghiệp vì đây là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải cách các chính sách thuế, phí và thu ngân sách nhà nước phù hợp để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng, cải thiện đời sống người dân, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu nhưng phải đảm bảo cân đối được ngân sách nhà nước.

Cùng với đó là nâng cao hiệu quả công tác quản lý giá, đặc biệt là giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, các dịch vụ công...

Đối với giá xăng, sẽ rà soát lại nghị định 84, quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đối với giá điện, cân nhắc việc điều chỉnh dần theo cơ chế thị trường, tránh các cú sốc do điều hành chính sách, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân. Qua theo dõi kỳ họp Quốc hội lần này, tôi thấy các giải pháp rất nhiều và cũng có ý kiến cho rằng lúc này cần có giải pháp đột phá hơn.

Để hoàn thành mục tiêu cân đối ngân sách năm 2013, bên cạnh việc chống thất thu, tiết kiệm chi, phải rà soát các giải pháp để kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, tiến tới tạo đà tăng trưởng kinh tế, rà soát tình hình thực hiện các chính sách, giãn, hoãn thuế, miễn giảm thuế, xem xét tỉ lệ động viên phù hợp để nuôi dưỡng nguồn thu.

Ông sẽ theo đuổi chính sách tài khóa như thế nào?

Hiện nay phải kiên định chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm như nghị quyết Chính phủ đã đề ra.

Khi ông làm lãnh đạo ngành kiểm toán, năm nào Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện hàng chục ngàn tỉ đồng tiền gian lận thuế, nợ đọng, chiếm dụng, sử dụng sai quy định. Đâu là kinh nghiệm mà ông có thể áp dụng trong công việc mới?

Năm 2012 là năm kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay với tỉ lệ 71,62%. Trong số các giải pháp, có một việc phát huy hiệu quả rất tốt, đó là làm sao để cấp ủy, chính quyền các cấp cùng vào cuộc chống thất thu ngân sách.

Có thể thông qua quy chế phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước và các địa phương hoặc tôi trực tiếp gửi thư cho lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy. Đơn cử như ở TP. Hồ Chí Minh, tôi vào gặp đồng chí bí thư Thành ủy nói chuyện và thông tin về công việc của Kiểm toán Nhà nước , ngay sau đó đồng chí có chỉ đạo và trong khoảng một tháng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nộp hơn 1.000 tỉ đồng nợ đọng từ kiểm toán các năm gần đây. Với các bộ ngành trung ương cũng tương tự vậy, tôi có thư cho bộ trưởng.

Ngoài ra, báo cáo kiểm toán xong tôi cho gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, khi các đại biểu có thêm công cụ để tăng cường giám sát trên địa bàn qua đó hiệu lực, hiệu quả của báo cáo kiểm toán cũng được phát huy tốt hơn. Như vậy, vấn đề ở đây là phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tăng cường công khai, minh bạch.