Tấn công mạng - “vũ khí phi chính thức”?
Ba trang web của Chính phủ Philippines đã bị tấn công, mới nhất là hệ thống mạng hai sân bay của Việt Nam bị hack. Đó là một số trong hàng loạt vụ tấn công mạng ồ ạt thời gian gần đây sau khi Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết bất lợi đối với Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông.
“Cơn thịnh nộ” của chủ nghĩa dân tộc cực đoan?
Ngày 29.7 vừa qua, toàn bộ hệ thống mạng hệ thống thông tin tại hai sân bay chính của Việt Nam là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, cùng website của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã bị tin tặc tấn công để đưa thông tin xuyên tạc về tình hình Biển Đông, xúc phạm Việt Nam và Philippines.
Trước đó, hai trang web của Chính quyền tự trị Loon và Panglao, tỉnh Bohol của Philippines và trang web của Ủy ban Kiểm toán nước này đã bị tấn công.
Theo Inquirer, đến nay, hai trang web của Ủy ban Kiểm toán và Chính quyền Panglao vẫn chưa thể truy cập được. Một cách trùng hợp, các trang web bị tấn công đều có hình ảnh mặt nạ Guy Fawkes, liên quan đến nhóm tin tặc Anonymous, với thông điệp: “Không ai có thể cho bạn tự do. Không ai có thể cho bạn sự công bằng hay công lý. Nếu bạn là đàn ông, bạn chấp nhận điều đó. Ký tên: Chính phủ Trung Quốc”.
Đây không phải là các vụ tấn công hi hữu thời gian gần đây. Thông tin từ Chính phủ Philippines cho biết, vào ngày 12.7, chỉ vài giờ sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, đã có ít nhất 68 trang web của chính phủ và địa phương của Philippines bị tê liệt do một cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) ồ ạt.
Các vụ tấn công xảy ra sau đó kéo dài trong vài ngày và nhắm vào các cơ quan chính phủ quan trọng, bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Trung ương, Văn phòng Tổng thống. Ngoài ra, một số cổng thông tin chính quyền địa phương đã bị xóa và hiện lên biểu tượng của nhóm tin tặc Anonymous với một tin nhắn có chữ ký “Chính phủ Trung Quốc”.
Mặc dù Chính phủ Philippines vẫn chưa công khai quy trách nhiệm cho các tin tặc Trung Quốc gây ra các vụ tấn công gần đây, nhưng không khó để nhận thấy mối liên quan giữa các vụ tấn công mạng này với các thời điểm căng thẳng địa chính trị lên cao.
Chiến dịch tấn công trên mạng lớn đầu tiên nhằm vào Philippines diễn ra vào tháng 4.2012, sau khi xảy ra đối đầu căng thẳng giữa các tàu Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn tranh chấp Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) trên Biển Đông. Một tổ chức tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập vào các mạng lưới quân sự và Chính phủ của quốc đảo Đông Nam Á, đánh cắp các tài liệu quân sự và thông tin liên lạc rất nhạy cảm khác liên quan đến cuộc xung đột.
Mùa hè năm ngoái, các tin tặc Trung Quốc cũng đã bị cáo buộc tấn công vào các máy chủ của Tòa Trọng tài trong thời gian diễn ra các phiên tranh tụng của Philippines trước hội đồng thẩm phán, khiến cho bất cứ ai quan tâm đến vụ kiện mang tính bước ngoặt này đều phải đối mặt với nguy cơ bị trộm cắp dữ liệu.
Sự trút giận của các tin tặc Trung Quốc, đặc biệt sau phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện Philippines - Trung Quốc, thực tế đã được nhiều nhà phân tích quốc tế cảnh báo từ lâu. Mùa thu năm ngoái, trên The Diplomat, hai chuyên gia an ninh mạng Anni Piiparinen và Jason Healey đã dự đoán rằng: “Philippines nên bắt đầu chuẩn bị cho một cơn thịnh nộ kỹ thuật số từ các tin tặc có tư tưởng dân tộc cực đoan nếu phán quyết chống lại Trung Quốc”.
Ranh giới mập mờ
Chính quyền Bắc Kinh, một mặt công khai bác bỏ các phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện của Philippines, mặt khác cũng tỏ vẻ thận trọng, tránh không để dấy lên làn sóng dân tộc chủ nghĩa bùng trong nước. Tuy nhiên, trước tình trạng quá khích trên không gian mạng của các tin tặc nước này, Trung Quốc dường như vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Điều này khiến người ta không thể không liên hệ tới những cáo buộc trước đây của phương Tây, cũng như các điều tra trên báo chí quốc tế về vai trò bí mật của Chính quyền Bắc Kinh trong các vụ tấn công, gián điệp mạng. Nổi bật nhất là vụ tháng 5.2014, Bộ Tư pháp Mỹ đã ra thông báo quan trọng, buộc tội 5 tin tặc thuộc quân đội Trung Quốc đã tham gia đánh cắp các bí mật kinh tế.
Một bài viết trên The Diplomat cho rằng, các vụ tấn công mạng nhằm xuyên tạc tình hình Biển Đông mà các tin tặc hoặc ẩn danh, hoặc cố tình nhận là của Trung Quốc, thậm chí là Chính phủ Trung Quốc, tiến hành thời gian gần đây là dấu hiệu nguy hiểm.
Bởi, một khi ranh giới giữa tin tặc hoạt động độc lập và tin tặc có liên quan đến chính phủ còn mập mờ như hiện nay, thì không loại trừ khả năng tấn công mạng có thể trở thành một vũ khí phi chính thức trong cuộc chiến thông tin liên quan đến Biển Đông.