Tận dụng các ưu đãi FTA: Khai thông cánh cửa xuất khẩu
Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do là phù hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa về thương mại. Thế nhưng, để phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy xuất khẩu thì việc chỉ đàm phán, ký kết các hiệp định là chưa đủ mà cần có chính sách đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện để tận dụng các ưu đãi.
Nhiều rào cản trong tận dụng ưu đãi
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ tận dụng ưu đãi của các doanh nghiệp Việt Nam trong một số FTA đang có xu hướng chững lại và giảm xuống. Cụ thể, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm từ 31% (năm 2016) xuống 26% (năm 2017). Tương tự, tỷ lệ tận dụng ưu đãi để xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng giảm từ 56% xuống 51%.
Thách thức trong việc tận dụng ưu đãi được các doanh nghiệp chỉ ra là do những bất cập trong khâu thực thi chính sách của cơ quan Nhà nước, các quy tắc xuất xứ quá khó, doanh nghiệp thiếu thông tin về các cam kết và cách thực hiện. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận năng lực cạnh tranh của mình còn yếu so với đối tác trong các FTA.
Dệt may được đánh giá là một trong những ngành có mức độ tận dụng ưu đãi từ các FTA tốt nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngành dệt may chỉ mới tận dụng khá tốt các ưu đãi với thị trường Hàn Quốc, còn lại với nhiều đối tác khác, tỷ lệ tận dụng ưu đãi còn rất thấp. Nguyên nhân là do các FTA khác nhau có yêu cầu về quy tắc xuất xứ khác nhau, nhiều FTA yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, trong khi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Riêng với thị trường ASEAN, không chỉ ngành dệt may mà nhiều mặt hàng khác hầu như rất khó để đẩy mạnh xuất khẩu dù có tận dụng ưu đãi hay không ưu đãi. Điều này cũng dễ hiểu vì cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của các nước trong khu vực khá tương đồng với nhau, trong khi các quốc gia còn lại có năng lực sản xuất tốt và cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được ưu đãi từ các FTA, đặc biệt là với thị trường trong khối ASEAN. Thứ nhất, các thông tin liên quan tới chính sách, các nội dung cam kết cụ thể của các bên và cơ hội từ các thị trường này còn ít và chưa kịp thời đối với cộng đồng doanh nghiệp. Thứ hai, thuế suất ưu đãi và không ưu đãi trong khối ASEAN không có sự chênh lệch nhiều, trong khi các quy định, thủ tục để được hưởng ưu đãi khá phức tạp khiến doanh nghiệp không mặn mà. Nhưng mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, tư duy gắn kết chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt chưa cao.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài khi nhập hàng từ Việt Nam, dù có áp dụng thuế suất ưu đãi hay không ưu đãi thì đều yêu cầu doanh nghiệp Việt cung cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. Lý do là để khi tái xuất hàng hóa sang thị trường thứ 3, họ có thể cộng gộp nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam để được hưởng thuế suất ưu đãi. Ngược lại, mặc dù nhập khẩu rất nhiều nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại chưa ý thức, quan tâm tới vấn đề yêu cầu giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, với các FTA yêu cầu chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, doanh nghiệp Việt rất khó chứng minh được nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu để đủ điều kiện hưởng ưu đãi.
Các chuyên gia nhận định, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA của doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, từ 10% trong những năm đầu lên 38% như hiện nay, nhưng vẫn chưa đủ lực để cân bằng cán cân thương mại với nhiều đối tác. Nguyên nhân xuất phát từ việc các FTA thế hệ mới, bên cạnh cắt giảm thuế quan còn có các điều khoản, quy định chặt chẽ liên quan tới tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ, sở hữu trí tuệ…khiến các doanh nghiệp Việt Nam chưa kịp thích nghi, đáp ứng điều kiện để được hưởng ưu đãi.
Hơn nữa, việc tận dụng ưu đãi thuế quan xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vẫn đang tập trung vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, giá trị xuất khẩu và tỷ lệ tận dụng các ưu đãi từ các FTA trong ngành gỗ đang nghiêng về các doanh nghiệp FDI đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. Hiện nay, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm trên 20% tổng số doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ nhưng chiếm tới 45% sản lượng xuất khẩu và hầu hết đều tận dụng được tối đa các ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam tham gia.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp FDI xác định rất rõ mục tiêu đầu tư sản xuất tại Việt Nam là để tận dụng các ưu đãi mà hàng hóa Việt Nam có được từ các FTA. Thêm vào đó, doanh nghiệp FDI có lợi thế về quy mô, nguồn lực cũng như hiểu rõ các tiêu chuẩn, đặc trưng riêng về đồ gỗ ở thị trường mà họ xuất khẩu. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ hơn, chưa nắm bắt được thị hiếu của thị trường cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản rất tích cực đi khai phá thị trường mới và tận dụng triệt để mọi cơ hội được ưu đãi để xuất khẩu thì phần lớn doanh nghiệp Việt Nam lại đang thụ động và chờ người tới đặt hàng. Thêm vào đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu thông tin về các FTA cũng như các lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan, dẫn đến việc bỏ qua các ưu đãi chính đáng được hưởng. Đó là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt “lép vế” trong việc xuất khẩu và tận dụng ưu đãi từ các FTA để xuất khẩu.
Tạo đà cho doanh nghiệp xuất khẩu
Để hiện thực hóa các kỳ vọng khi tham gia các FTA, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, các điều khoản trong các hiệp định thương mại tự do có lợi cho Việt Nam bao nhiêu, nhưng doanh nghiệp không biết cách tận dụng thì cũng không thể mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi tư duy, nhận diện đúng vai trò của mình trong việc thực thi các FTA. Cụ thể, cần chủ động tiếp cận, tìm hiểu thông tin, nội dung mà hai bên đã cam kết để vận dụng quy tắc xuất xứ một cách có hệ thống và hiệu quả. Song song đó, doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, vì tất cả các hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan và người tiêu dùng đón nhận đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, kỹ thuật đã cam kết.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhận định, hội nhập kinh tế quốc tế cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường thế giới và ngay cả thị trường trong nước. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt nên lấy sức ép cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển. Cụ thể cần chủ động trong việc tìm hiểu, nắm bắt, cập nhật thông tin về cam kết, thị trường, đối tác, quy tắc xuất xứ.
Một điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là có quy mô nhỏ, không đủ khả năng cung ứng các đơn hàng lớn, do đó cần liên kết chặt chẽ theo ngành, chia sẻ đơn hàng cùng nhau. Doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia để chuyển giao công nghệ cũng như tận dụng cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Kinh nghiệm từ một số quốc gia trong khu vực cho thấy, để có thể tận dụng được ưu đãi từ các FTA vào đẩy mạnh xuất khẩu, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ đắc lực từ các cơ quan nhà nước.
Cụ thể, tại Hàn Quốc, Chính phủ đã tích cực hỗ trợ thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho doanh nghiệp, hải quan Hàn Quốc cũng thành lập bộ phận chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc lấy các giấy chứng nhận để được hưởng ưu đãi. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có bộ phận chuyên trách để nghiên cứu các thủ tục, tiêu chuẩn mà các FTA yêu cầu. Do đó, Hàn Quốc đã xây dựng phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá khả năng đáp ứng các quy tắc nguồn gốc xuất xứ và thực hiện cấp C/O điện tử nhằm giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, thời gian, từ đó tận dụng tốt nhất cơ hội xuất khẩu.
Còn tại Indonesia, chuyên gia Dedi Budiman Hakim của Trường đại học Bogor cho biết, có khoảng cách khá lớn giữa các cam kết của FTA và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, Indonesia đã thành lập trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp đặt tại các vùng kinh tế trọng điểm với nhiều chuyên gia tư vấn nhằm hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết các vấn đề liên quan tới hội nhập một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất mà ít tốn kém chi phí, thời gian đi lại nhất.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh thông qua việc định hướng nguồn cung nguyên liệu, hướng dẫn thực hiện các quy tắc nguồn gốc xuất xứ đáp ứng yêu cầu FTA, đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy chứng nhận, kiểm tra chuyên ngành…
Ngoài ra, các cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng tại Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong việc cập nhật, hướng dẫn doanh nghiệp nắm bắt các thông tin hội nhập. Có như vậy các FTA mới phát huy được giá trị trong việc thúc đẩy trao đổi hàng hóa và nâng cao giá trị xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt.