Tham gia các FTA thế hệ mới: Nông sản Việt có tận dụng được lợi thế?

Theo kinhtenongthon.vn

Theo các chuyên gia kinh tế, nông sản sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi khi các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) có hiệu lực, thị trường mở rộng, thuế quan được nới lỏng nhưng cũng đối mặt với áp lực cạnh tranh mới.

Việt Nam đã đàm phán 16 FTA, trong đó có 10 hiệp định đang thực thi, qua đó tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản. Nguồn: internet
Việt Nam đã đàm phán 16 FTA, trong đó có 10 hiệp định đang thực thi, qua đó tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản. Nguồn: internet

Rào cản thuế quan giảm dần

Bộ Công Thương cho biết, tính đến năm 2018, Việt Nam đã đàm phán 16 FTA, trong đó có 10 hiệp định đang thực thi, qua đó tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản có cơ hội được tiếp cận và thâm nhập tốt hơn. Việt Nam đang tham gia một số FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang trong quá trình phê chuẩn và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang trong quá trình chuẩn bị ký kết. Những FTA này đặt Việt Nam trước một sân chơi kinh tế mới với những thay đổi mang tính chiến lược.

Xu hướng đẩy mạnh tự do hoá thương mại hàng nông sản thông qua việc ký kết và thực thị các FTA thế hệ mới giúp Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi hơn về thuế quan, phi thuế quan. Đây cũng là cơ hội để thị trường nông sản cơ cấu lại, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, cho biết, với CPTPP, hàng loạt nông sản XK của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, sẽ được giảm thuế. Mức độ cắt giảm thuế rất rộng, gần 100% biểu thuế sẽ được giảm về mức 0%, tuy nhiên, lộ trình ngắn hay dài phụ thuộc vào độ nhạy cảm của mặt hàng đó.

Tại thị trường Canada, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận 100% kim ngạch XK gỗ được xóa bỏ thuế quan; xóa bỏ thuế nhập khẩu gạo ngay khi hiệp định có hiệu lực. Với thị trường Nhật Bản, Việt Nam được xóa bỏ thuế quan 78% kim ngạch XK nông sản, 91% kim ngạch XK thủy sản và 97% kim ngạch XK gỗ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Cùng với đó, Chile, Peru cũng đồng ý xóa bỏ thuế xuất - nhập khẩu với các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam.

Còn với EVFTA, các loại thuế sẽ giảm trong khoảng 7 - 10 năm tới. Nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0 - 4% ngay lập tức như hạt tiêu (hiện nay là 0-11%), gạo tấm XK, các sản phẩm từ hạt cũng được giảm về 0%.

Đối với mặt hàng rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước quả, EU cam kết cơ bản sẽ xoá bỏ thuế quan ngay sau khi  EVFTA có hiệu lực.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 50% số dòng thuế của EU dành cho thủy sản Việt Nam sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại được xóa bỏ trong lộ trình 3-7 năm.

Theo đó, thủy sản XK được hưởng thuế suất theo cam kết của EVFTA thay vì thuế GSP trước đây. Điều này mang lại nhiều lợi ích bởi thuế suất trong EVFTA dành cho đại đa số các sản phẩm XK trong khi GSP chỉ dành cho một vài loại sản phẩm nhất định. Thuế GSP là ưu đãi đơn phương EU dành cho Việt Nam và có thể rút lại bất kỳ lúc nào; còn cam kết thuế quan trong EVFTA là cam kết song phương, ổn định, bền vững mà hai bên bắt buộc phải thực hiện, không có quyền tự ý đơn phương hủy bỏ nghĩa vụ này.

Các mặt hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam là gỗ, sản phẩm từ gỗ, thuỷ sản… có lợi thế khi cạnh tranh với ưu đãi về thuế quan.

Tham gia vào các FTA mới còn giúp nông sản Việt Nam mở rộng thị trường ra những thị trường XK mới nhiều tiềm năng như Canada, Australia… cũng như đa dạng hóa các mặt hàng XK.

Hóa giải thách thức 

Bên cạnh thuận lợi khi tham gia vào các FTA mới, thị trường nông sản Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức. Đó là sự cạnh tranh sản phẩm nông sản ngay trên sân nhà khi hàng rào thuế quan được nới lỏng, áp lực đổi mới về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề.

Ông Ngô Chung Khanh cảnh báo, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ tăng sức ép cạnh tranh cho nhà sản xuất trong nước, không chỉ về giá mà còn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm thịt bò (Australia, Mỹ, EU), thịt lợn (Mỹ, EU), thịt gà (Mỹ), sữa và các sản phẩm sữa (Australia, New Zealand, Nhật Bản)… vốn đang được ưa chuộng. Mặt khác, XK cũng sẽ gặp thách thức trong việc đáp ứng nguồn gốc xuất xứ để bảo đảm quyền lợi hưởng ưu đãi và các quy định của thị trường nhập khẩu.

Đặc biệt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực.

Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp, nông thôn, suốt một thời gian dài, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng không vượt lên được tỷ lệ 1%, đặc biệt hầu như không có doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp cũng chưa xây dựng được những doanh nghiệp sản xuất mạnh.

“Đếm đi đếm lại trong nông nghiệp cũng chỉ có một vài doanh nghiệp kiên trì nhất, như Vinamilk, TH, các doanh nghiệp làm tôm hay Lộc Trời kiên quyết đứng ở lại đầu tư trong nông nghiệp”, TS. Sơn nói.

Ông Sơn phân tích: Khó khăn lớn nhất chính là đất đai. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sợ nhất không có đất để mở nhà máy, không thể liên kết được nhiều hộ nông dân có diện tích đất nhỏ lẻ. Doanh nghiệp nông nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng, trong đó có vốn đầu tư trung hạn, đầu tư dài hạn ngay cả vốn ngắn hạn còn thiếu. Lao động trong các cơ sở sản xuất nông nghiệp hầu hết là lao động thời vụ, không có trình độ, tay nghề, không có ý thức gắn bó cũng là điểm khó khăn cho các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển.

“Lợi thế được nới lỏng thuế quan vào các thị trường lớn sẽ hỗ trợ cho thị trường nông sản Việt phát triển. Nhưng việc mở cửa thị trường nông sản Việt cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh các tập đoàn sản xuất nông sản lớn trên thế giới trong khi điều kiện lao động vẫn còn yếu kém. Chính sách về đất đai, tiếp cận vốn và đội ngũ lao động trong nông nghiệp cũng cần có chính sách của Nhà nước hỗ trợ, để  cơ cấu lại đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh trong giai đoạn mới”, TS. Sơn nhấn mạnh.

Để có thể phát triển  thị trường nông sản trong nước tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế, các chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng, các phía doanh nghiệp phải biết biến thách thức thành cơ hội; thay đổi cách thức sản xuất, hoạt động để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và trên thế giới.

EU là thị trường rất đề cao giá trị ẩm thực, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm và có quy định rất cao, chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản. Theo ông Alexandre Bouchot, Tham tán Nông nghiệp của Pháp, muốn XK nông sản sang thị trường EU thành công, cần phân cấp thực hiện trong quản trị chính sách lương thực. Tiếp đó thúc đẩy các sáng kiến địa phương; tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và thực phẩm nông nghiệp cũng như quan tâm đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tế. Đặc biệt, triển khai hoạt động đầu tư chuyển đổi cũng như hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát minh sáng tạo. Hệ thống nông nghiệp và thực phẩm cần phải được cải tổ để phát triển một cách bền vững.

Để nâng cao giá trị nông sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất dựa theo nhu cầu thị trường, phát huy sản phẩm có lợi thế gắn với công nghiệp dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức lại khâu sản xuất, chú trọng sản xuất quy mô lớn, phát triển kinh tế hợp tác, tăng cường liên kết chuỗi, khuyến khích đầu tư tư nhân, khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất.

Nhận diện được cơ hội và những rào cản trong XK nông sản, hy vọng, ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ có chính sách toàn diện để có thể tận dụng lợi thế mà các FTA mang lại.

TS. Đào Thế Anh (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, ba năm qua, mặt hàng rau quả XK khá khả quan, nếu thúc đẩy được công nghệ sau thu hoạch, nhất là chuỗi cung ứng lạnh (vận chuyển lạnh, bảo quản lạnh, lưu kho lạnh) thì việc XK mặt hàng này sẽ còn tăng nhanh hơn nữa.

Cũng theo ông Anh, chuỗi giá trị lạnh nếu được đầu tư đúng mức thì không chỉ giảm được tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch (gạo hiện có tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch là 14%, rau quả khoảng 20%) mà chất lượng hàng XK cũng được đảm bảo.